Thái Thụy (Thái Bình): Người dân hưởng lợi từ trồng rừng ngập mặn
(TN&MT) - Trong những năm qua, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) đã triển khai hiệu quả nhiều dự án trồng rừng, trồng thêm hàng trăm héc-ta rừng ngập mặn mỗi năm, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Rừng ngập mặn tạo thu nhập cho người dân
Tỉnh Thái Bình hiện có 4.283ha rừng ven biển trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng với các loài cây ngập mặn chiếm đa số (95% diện tích).
Đáng chú ý, trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại Thái Thụy đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, diện tích rừng ven biển của huyện không ngừng gia tăng thông qua các hoạt động trồng rừng hàng năm. Năm 2015, toàn huyện có khoảng 2.000ha rừng ngập mặn, đến năm 2022 đã tăng lên 2.600ha, độ che phủ rừng cũng tăng lên đáng kể. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án lâm nghiệp sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA.
Đi đôi với phát triển diện tích rừng ngập mặn, huyện còn phối hợp với cơ quan chức năng, các tổ chức để hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, vào khoảng giữa tháng 3/2023, đông đảo cán bộ, người lao động Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và người dân xã Thụy Hải đã tập trung về khu vực bãi triều ven biển của xã để trồng cây bần tại các khoảng trống chưa được cây rừng bao phủ. Sau một ngày tích cực trồng rừng, cán bộ, người lao động Tổng công ty cùng người dân xã Thụy Hải đã trồng được 15.000 cây bần trên diện tích 7,5ha.
Cùng với trồng rừng, cán bộ, người lao động Tổng công ty còn dành thời gian đi thực tế các cánh rừng đang lên xanh, trò chuyện với cư dân địa phương, những người đang mưu sinh trên vùng bãi triều ven biển... Từ đó hiểu thêm lợi ích to lớn rừng ngập mặn mang lại cho người dân nơi đây.
Là một trong những người dân tham gia trồng rừng ngập mặn vào thời điểm đó, chị Vũ Thị Hà, thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, tổ trưởng tổ trồng rừng ngập mặn tại xã Thụy Hải chia sẻ: Rừng ngập mặn không chỉ giúp phòng chống thiên tai, bảo vệ dân làng mà còn tạo kế sinh nhai cho hàng nghìn lao động các xã ven biển. Những người dân đi bắt cáy, còng và các loại thủy sản tự nhiên khác trong rừng ngập mặn có thể mang lại thu nhập từ 100.000-500.000 đồng/ngày tùy thuộc vào trình độ kỹ thuật, thời gian đánh bắt và loại thủy sản được bắt khác nhau. Lợi ích của rừng ngập mặn mang lại đã khiến người dân địa phương càng thêm quý trọng và có ý thức bảo vệ rừng ngập mặn hơn.
Hiện tại, xã Thụy Hải chỉ còn 47 hộ nghèo, chiếm 2,77% số hộ toàn xã và 11 hộ cận nghèo, chiếm 0,56% số hộ toàn xã. Các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn bình quân chung của huyện.
Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Thái Thụy là 3,15%, giảm 0,33% so với năm 2018; tỷ lệ hộ cận nghèo 3%, giảm 0,26% so với năm 2018.
Đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn huyện Thái Thụy có 13.598 người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi của Chính phủ với dư nợ cho vay đạt hơn 570 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thời điểm 31/12/2022.
Bảo vệ rừng ngập mặn, nâng cao đời sống cư dân
Về huyện Thái Thụy những ngày này, đi dọc tuyến đê biển qua địa bàn các xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường, mọi người sẽ được ngắm nhìn những cánh rừng ngập mặn xanh mướt như tấm thảm xanh khổng lồ làm nhiệm vụ chắn sóng, chắn bão cho người dân các xã ven biển.
Ông Tạ Duy Bình, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho biết: Đầu những năm 1990, vùng bãi triều ven biển của xã còn hoang sơ, cây cối thưa thớt. Từ năm 1994 đến nay, xã được tiếp nhận nhiều dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế, các dự án của nhà nước và dự án của các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ đã giúp xã phát triển dải rừng ngập mặn với diện tích gần 500ha, trong đó có những cánh rừng rộng tới vài ki-lô-mét tạo thành vành đai vững chắc bảo vệ đê biển đi qua địa bàn, ngăn bão, triều cường, xâm nhập mặn...
Nhận thấy những vai trò, lợi ích to lớn của rừng ngập mặn nên trong những năm qua cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường quản lý và tuyên truyền đến người dân bảo vệ tốt những diện tích rừng hiện có và mới trồng, góp phần tăng diện tích, cải thiện chất lượng rừng, phát huy vai trò phòng hộ ven biển.
Hiện nay, tổng diện tích rừng ngập mặn của huyện Thái Thụy đạt 2.600ha, tập trung tại các xã ven biển: Thụy Trường, Thụy Hải, Thụy Xuân, Thái Đô, Thái Thượng. Rừng ngập mặn ở Thái Thụy cơ bản là rừng trồng từ nguồn vốn các dự án, chương trình trong nước và nguồn tài trợ của Hội Chữ thập đỏ quốc tế và chương trình của Liên hợp quốc.
Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học, đặc biệt là vai trò chắn sóng phòng hộ ven biển, bảo vệ các công trình đê điều, cơ sở hạ tầng ven biển, nhà cửa, đầm nuôi trồng thủy sản, cuộc sống của cư dân ven biển..., góp phần quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Để bảo vệ rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Thái Thụy, UBND huyện đã xây dựng các tổ quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn với sự tham gia của công an xã và người dân thường xuyên đi rừng để nắm bắt thông tin, phát hiện và xử lý tình trạng xâm hại rừng ngập mặn. Thời gian tới, huyện mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay góp sức của mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp kinh phí thực hiện chương trình trồng rừng ngập mặn, góp phần nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng ngập mặn.
Diện tích rừng ở tỉnh Thái Bình được phân chia thành 2 vùng chính là rừng trồng ven biển tại huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy. Hệ thống rừng ven biển của tỉnh đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc phòng hộ, chắn sóng bảo vệ đê biển, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nhân dân. Nhận thức được vai trò và lợi ích to lớn của rừng ngập mặn mang lại, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều dự án trồng rừng trên địa bàn huyện Thái Thụy như: Dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, trồng 160ha rừng tại xã Thụy Xuân, Thụy Hải và 2 xã của huyện Tiền Hải…