Đất đai

Thanh Hóa: Vì sao Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm?

Tuyết Trang 25/07/2023 - 14:31

Mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã lập, phê duyệt QHSD đất cấp huyện thời kỳ 2021- 2030, thuộc nhóm các tỉnh phê duyệt sớm (đứng thứ 3 cả nước). Tuy nhiên, tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh QHSD đất thời kỳ 2021 - 2030, KHSD đất năm 2023 cấp huyện theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là rất chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất và đảm bảo nguồn thu ngân sách các cấp.

Thực hiện Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/9/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 4744/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 03/9/2020, đến thời điểm tháng 8/2021, tỉnh Thanh Hóa đã lập, phê duyệt QHSD đất cấp huyện thời kỳ 2021 -2030, thuộc nhóm các tỉnh phê duyệt sớm (đứng thứ 3 sau tỉnh Nam Định, tỉnh Bắc Giang phê duyệt vào tháng 7/2021).

Đến ngày 09/3/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 326/QĐ-TTg phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kết luận số 868/KL-TU ngày 19/8/2022, UBND tỉnh có Quyết định số 2907/QĐ-UBND ngày 26/8/2022 phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các huyện. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản tham mưu, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo và đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện triển khai, tổ chức lập Điều chỉnh QH, KHSD đất năm 2023 và đã trực tiếp làm việc để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các huyện, thi: Thiệu Hóa, Mường Lát, Hà Trung, Triệu Sơn, Quảng Xương, Yên Định, Hậu Lộc, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn để hoàn thành công tác quy hoạch.

anh-1(1).jpg
Thành phố Thanh Hóa được quy hoạch (Ảnh minh họa)

Đến ngày 25/4/2023 các huyện mới hoàn thành nộp hồ sơ thẩm định, ngày 10/5/2023 Hội đồng thẩm định hoàn thành việc thẩm định. Ngày 30/6/2023, có 23/27 đơn vị hoàn thành hồ sơ đủ điều kiện trình phê duyệt. Đến hôm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, trình UBND tỉnh 25/27 đơn vị (còn 02 đơn vị: TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn); UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt 09 đơn vị: Yên Định, Như Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Quảng Xương, Như Thanh, Bá Thước, thị xã Nghi Sơn.

Như vậy, tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh QHSD đất thời kỳ 2021- 2030, KHSD đất năm 2023 cấp huyện theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất và đảm bảo nguồn thu ngân sách các cấp.

Chính vì thế, việc điều chỉnh QH, KHSD đất năm 2023 cấp huyện chưa được UBND tỉnh phê duyệt mà chỉ tiêu QHSD đất kỳ trước chưa thực hiện hết thì vẫn tiếp tục được thực hiện; trường hợp phát sinh công trình, dự án có tính chất quan trọng, cấp bách thì được UBND tỉnh xem xét chấp thuận điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất và cập nhật KHSD đất hằng năm cấp huyện. Từ tháng 01/2023 đến ngày 30/6/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận đối với 16 công trình, dự án[1].

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, thì nguyên nhân chậm tiến độ ở cấp huyện là do đến 12/2022, KHSD đất năm 2022 các huyện mới hoàn thành phê duyệt; cùng thời điểm triển khai cả lập điều chỉnh QHSD đất đến năm 2030, cả lập KHSD đất năm 2023, với khối lượng công việc rất lớn. Quá trình lập điều chỉnh QH, KHSD đất năm 2023, cấp huyện phải trải qua nhiều khâu, công đoạn, thực hiện nhiều bước ở nhiều cơ quan nên mất nhiều thời gian.

anh-2(1).jpg
Quy hoạch huyện Như Thanh (Ảnh minh họa)

Một số chỉ tiêu sử dụng đất được Trung ương phân bổ còn bất cập, chưa đáp ứng theo nhu cầu của tỉnh, như: Đất phi nông nghiệp, nhu cầu của tỉnh tăng thêm 63.978 ha, Trung ương chỉ cho phép tăng 31.646 ha; đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển mục đích 53.606 ha, phân bổ 22.142. ha. Đặc biệt đất 2 vụ lúa, nhu cầu của tỉnh là 24.998 ha, nhưng chỉ phân bổ 4.874 ha (bằng 19,5% so với nhu cầu), do đó rất khó cân đối để phân bổ cho các huyện.

Chất lượng lập hồ sơ điều chỉnh QH, KHSD đất do tư vấn thực hiện còn rất nhiều hạn chế; nhiều số liệu, thông tin chưa chính xác. Cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh chưa được xây dựng đồng bộ, đã ảnh hưởng lớn đến việc điều tra, khảo sát, thống kê các thông tin, số liệu phục lập điều chỉnh QH, lập KHSD đất.

Cấp ủy, chính quyền một số huyện, thị xã, thành phố chưa sát sao lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập Điều chỉnh QH, KHSD đất của đơn vị; chậm triển khai lập, phê duyệt đề cương nhiệm vụ và tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn; chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt để rà soát, đánh giá thứ tự ưu tiên các công trình, dự án cấp bách, có tính chất thúc đẩy, đột phá để xác định trình duyệt.

Các Phòng chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tích cực tham mưu đôn đốc, hướng dẫn; chưa linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ; Phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện còn thiếu chủ động phối hợp rà soát, đề xuất nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để xảy ra tình tình trạng chậm Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trách nhiệm là do Tham mưu báo cáo để Trung ương phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Chậm tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ và tham mưu phân bổ chưa hợp lý các chỉ tiêu sử dụng đất, đặc biệt là chỉ tiêu sử dụng đất 02 vụ lúa. Chưa tập trung đôn đốc, hướng dẫn cấp huyện trong lập Điều chỉnh QH, KHSD đất; việc hướng dẫn lập, thẩm định chất lượng chưa cao.

Bên cạnh đó, các Sở, ngành cấp tỉnh chưa tích cực phối hợp rà soát, đề xuất nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực để sát với yêu cầu thực tiễn. Thành viên Hội đồng thẩm định Điều chỉnh QH, KHSD đất chậm tham gia ý kiến, ý kiến tham gia chất lượng chưa cao. Các huyện, thị xã, thành phố, chịu trách nhiệm trong việc chưa quyết liệt trong chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ lập Điều chỉnh QH, KHSD đất của đơn vị; chưa quan tâm rà soát, đánh giá nhu cầu, thứ tự ưu tiên của các công trình, dự án cấp bách để cân đối, xác định.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, theo ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sắp tới Sở sẽ tham mưu cho tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng các loại đất. Hằng năm, chủ trì hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện tổ chức lập KHSD đất đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng để triển khai các công trình, dự án theo quy định.Đồng thời Sở sẽ đôn đốc UBND các huyện sau khi Điều chỉnh QH, KHSD đất năm 2023 được phê duyệt, tổ chức công bố công khai và triển khai thực hiện theo quy định; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập KHSD đất hằng năm; chủ động cân đối, bố trí các nguồn lực để thực hiện hiệu quả điều chỉnh QH, KHSD đất của đơn vị. Các Sở, ngành cấp tỉnh, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc rà soát, đề xuất nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực trong KHSD đất hằng năm cấp huyện. 


Tuyết Trang