Xã hội

Nỗ lực thoát nghèo của xã 135

Thu Thủy 25/07/2023 - 11:10

Xuất phát từ một xã thuần nông, cơ sở vật chất hạ tầng còn yếu, thiếu; việc làm, đời sống một số bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, song vượt lên những khó khăn thách thức, cán bộ và nhân dân xã Yên Lạc (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã tập trung nỗ lực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế một cách bền vững, hiệu quả. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Chinh, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc.

PV: Thưa ông, là một xã trung du miền núi, xã Yên Lạc gặp phải những khó khăn như thế nào trong công tác phát triển kinh tế địa phương?

Ông Lê Xuân Chinh:

Với điểm xuất phát là một xã trung du miền núi nghèo 135, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, thu nhập chính của người dân Yên Lạc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Năm 2011, bắt tay xây dựng nông thôn mới, do là xã thuần nông, ruộng đất manh mún, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, Yên Lạc có xuất phát điểm rất thấp, mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí.

Công tác chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất còn chậm; chương trình xây dựng nông thôn mới chưa được quan tâm đúng mức; Việc thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp của huyện chưa đạt hiệu quả cao, các mô hình phát triển kinh tế chưa mang tính bền vững; Chưa thành lập được doanh nghiệp theo kế hoạch chỉ tiêu huyện giao. Tỷ lệ thu ngân sách trên địa bàn còn thấp.

yenlac1.jpg
Ông Lê Xuân Chinh, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc

PV: Để tháo gỡ khó khăn còn tồn tại, đồng thời tạo bước đột phá trong hoạt động phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, đến nay xã Yên Lạc đã triển khai những kế hoạch, chính sách gì, thưa ông?

Ông Lê Xuân Chinh:

Từ năm 2011, xã đã tập trung làm tốt công tác dồn điền dồn thửa, ưu tiên phát triển ngành nghề dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn ruộng đất xây dựng cánh đồng mẫu lớn, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Đặc biệt, xã đã triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi như: Mô hình chăn nuôi gà ri; chăn nuôi trâu, bò sinh sản; trâu, bò đực giống; trồng ớt xuất khẩu, trồng ngô ngọt, ngô làm thức ăn xanh, các loại cây ăn quả mới như thanh long, bưởi đỏ, keo lai cấy mô…

Xã cũng quyết tâm đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp. Cụ thể là việc đấu mối với Công ty CP Mía đường Nông Cống để sản xuất từ 200-250 ha mía nguyên liệu/năm, năng suất đạt 56,1 tấn/ha. Ngoài ra, để tận dụng và phát triển kinh tế vùng đồi, xã đã định hướng người dân tập trung thâm canh được hơn 736 ha rừng gỗ lớn; trong đó, diện tích cho khai thác là 331 ha, năng suất bình quân 50 tấn/ha. Toàn bộ diện tích mía, gỗ đều được các doanh nghiệp liên kết thu mua, bảo đảm giá trị kinh tế cho người dân.

Song song với đó, Yên Lạc tập trung quy hoạch hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội – môi trường, các khu dân cư mới và chỉnh trang khu dân cư hiện có; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Yên Lạc đã được UBND huyện phê duyệt. Việc quy hoạch đồng bộ, bài bản, đã giúp cho xã chủ động trong kế hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ bản cũng như đầu tư phát triển sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhất là tạo nên sự hài hòa, đồng bộ giữa các công trình xây dựng, nhà cửa khu dân cư với cảnh quan môi trường, thiên nhiên.

yenlac2.jpg
Hoạt động kinh tế - xã hội của xã Yên Lạc những năm gần đây đã có những bước phát triển

Khuyến khích nhân dân gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch cây lúa và các loại cây màu vụ thu mùa 2023, thăm đồng thường xuyên, chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh; Hướng dẫn nhân dân chăm sóc, chống rét cho cây trồng và vật nuôi. Chỉ đạo công ty trách nhiệm 1 thành viên Sông chu và HTX thương mại và dịch vụ nông nghiệp điều hành nguồn nước đảm bảo cho công tác sản xuất. Triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh đối với đàn vật nuôi và tổ chức tiêm phòng vắc xin đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao.

Duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nhằm tăng giá trị tiểu thủ công nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn.

PV: Sau nhiều năm nỗ lực của chính quyền và người dân, đến nay tình hình kinh tế của địa phương đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Ông Lê Xuân Chinh:

Quá trình tái cơ cấu trồng trọt, cùng với sự năng động của người dân, trên địa bàn xã Yên Lạc đã phát triển nhiều mô hình sản xuất mới, như: Mô hình trồng keo lai nuôi cấy mô, cây ăn quả có múi tập trung diện tích hơn 20 ha, mô hình trồng cây dong riềng diện tích 10 ha, mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI quy mô 20 ha/vụ... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi, quy mô cũng như hình thức chăn nuôi được phát triển theo hướng bán công nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng đàn gia súc, gia cầm của xã luôn duy trì từ 10-12 nghìn con.

Các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại trên địa bàn xã Yên Lạc cũng có bước phát triển nhanh trong những năm gần đây. Hiện tại, xã có 153 hộ đang tham gia các hoạt động kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa; 30 cơ sở và hộ gia đình đang tham gia sản xuất, kinh doanh với nhiều ngành nghề, như: Mộc dân dụng, chế biến lương thực, thực phẩm, gò hàn, xây dựng, nhôm kính, sản xuất vật liệu xây dựng... Trong đó, riêng nghề mộc dân dụng toàn xã có 17 hộ làm nghề, tạo việc làm thường xuyên cho 220 lao động, thu nhập bình quân từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng...; hàng chục hộ có máy cày nhỏ và máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ cày bừa, thu hoạch lúa cho nông dân trong vùng.

yenlac3.jpg
Yên Lạc từng xuất phát điểm là một xã nghèo 135

Các hoạt động sản xuất, mô hình kinh tế đa ngành phát triển đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 93,67% tổng số lao động trong xã, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,41% tổng số hộ. Nhờ sự phát triển vượt bậc đó, từ xuất phát điểm là xã 135, Yên Lạc đã huy động các nguồn lực, dồn sức xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang theo các tiêu chí NTM. Hơn 10 năm qua, xã đã cứng hóa được 23,96 km đường giao thông các loại, kiên cố hóa hơn 7,4 km kênh mương nội đồng... Ngoài công sở xã, chợ nông thôn được xây dựng khang trang, nhiều công trình phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, như các nhà văn hóa thôn, sân tập đa năng... Những công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn lần lượt được xây mới hoặc đầu tư sửa chữa kiên cố đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.

PV: Xin cảm ơn ông !

Thu Thủy