Đất đai

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo chính sách đất đai cho đồng bào DTTS

Trường Giang 25/07/2023 - 09:50

(TN&MT) - Bộ TN&MT dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: bổ sung một số hành vi bị cấm của cơ quan quản lý đất đai trong việc giao đất, đối tượng chuyển nhượng, chuyển nhượng đất; thu hồi đất để giao cho đồng bào và cơ chế tài chính để thực hiện chính sách… nhằm đảm bảo tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện chính sách này trên thực tiễn.

Bộ TN&MT vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện một số ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo ổn định đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại khu vực biên giới, địa phương có địa bàn kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, tổng kết Luật Đất đai 2013 cho thấy, việc thực hiện chính sách giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế.

chinh-sach-dat-dai-tao-sinh-ke-cho-nguoi-dan.jpg
Chính sách đất đai tạo sinh kế cho người dân.

Theo Ủy ban Dân tộc, trong giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã hỗ trợ được 9.523 hộ về đất ở với diện tích 72ha; 3.900 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 1.283ha. Qua đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định về chỗ ở, có đất sản xuất, có nghề nghiệp để mưu sinh, dần ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ các hộ du cư, du canh tự phát từ 29.718 hộ du canh, du cư năm 2009 xuống 9.300 hộ du canh, du cư năm 2021.

Tuy nhiên, việc triển khai công tác này còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, trong các giai đoạn trước, mặc dù đã có nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nhưng do nguồn lực được phân bổ hạn chế nên hầu hết các mục tiêu không hoàn thành. Đặc biệt, nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp; có nơi giá đất quá cao, mức hỗ trợ theo quy định hiện hành không thể thực hiện được.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, một trong những hạn chế của việc này là do Luật Đất đai 2013 không thiết kế được quy hoạch, cơ chế thu hồi đất và cơ chế tài chính ngân sách để đảm bảo thực hiện chính sách này. Bên cạnh đó, mặc dù Luật Đất đai và các Văn bản hướng dẫn thi hành quy định việc giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khi đã giao đất lần thứ 2 thì hạn chế quyền sử dụng đất (trong phạm vi 10 năm, sau đó mới được chuyển nhượng).

Tuy nhiên, thực tế có trường hợp đồng bào chuyển nhượng trước thời hạn và cá nhân nhận chuyển nhượng đợi hết thời hạn 10 năm đến làm thủ tục, điều này dẫn tới đồng bào dân tộc tiếp tục không có đất sản xuất, chưa đảm bảo mục tiêu chính sách…

Trước tình hình đó, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT xem xét, bổ sung hoàn thiện về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ TN&MT đã rà soát, tiếp thu ý kiến các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và ý kiến nhân dân để hoàn thiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, Bộ TN&MT dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: bổ sung hành vi bị nghiêm cấm của cơ quan quản lý đất đai trong việc giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định hành vi bị nghiêm cấm của đối tượng chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất được Nhà nước giao, cho thuê theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định về kế hoạch thu hồi đất để tạo quỹ đất giao, cho thuê cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy định thu hồi đất để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy định về cơ chế tài chính để thực hiện…

Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản thống nhất với các đề xuất dự kiến của Bộ TN&MT và cho rằng các quy định đã cơ bản tháo gỡ được vướng mắc khi thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, đồng thời tập trung góp ý về các nội dung như: hành vi bị nghiêm cấm, việc thu hồi đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, cơ chế tài chính… trên cơ sở điều kiện thực tế ở địa phương.

Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019, Quốc hội khóa XIV về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.

Thống nhất với dự kiến đề xuất sửa đổi của Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này phải giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; rà soát, thu hồi đất của các nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả để tạo quỹ đất hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Lê Minh Ngân thay mặt Bộ TN&MT, cơ quan soạn thảo cảm ơn và tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp hết sức trách nhiệm, thực tiễn, quý báu để cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện chính sách này trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường Giang