Biến đổi khí hậu

Đắk Nông chuyển đổi cây trồng ứng phó BĐKH: Tuân thủ quy hoạch và áp dụng khoa học

Phạm Hoài 25/07/2023 - 09:44

(TN&MT) - Trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến thời tiết diễn biến cực đoan, những năm qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng BĐKH giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm giúp người dân chủ động, giảm thiểu rủi ro canh tác do thời tiết gây ra, đồng thời, tăng chất lượng, hiệu quả kinh tế cây trồng.

Quy hoạch cây trồng phù hợp từng vùng đất

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, nhiều năm qua, việc trồng cây theo phong trào “giá thị trường” (hay còn gọi là chạy theo thời giá) đã ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề quy hoạch cũng như tạo ra vùng nguyên liệu cho phát triển kinh tế. Cụ thể, có những cây trồng không phù hợp với vùng đất nhưng vì “được giá” tại thời điểm dó nên người dân đã chuyển đổi dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lành - trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk RLấp, tỉnh Đắk Nông đã từng chặt bỏ hơn 2ha cà phê để chuyển sang trồng cao su vì thời điểm năm 2003 giá cà phê rớt xuống chưa đầy 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do là cây lâu năm nên gần 8 năm sau, vườn cao su của gia đình anh Lành mới cho thu hoạch năm đầu tiên và có mức giá rất thấp. Ngoài ra, do vùng đất anh trồng cao su nằm ở độ cao trên 700m so với mực nước biển nên lượng mủ thu về không đạt. Mặc dù đã cố gắng cải tạo đất và bón phân nhưng trong 5 năm liên tiếp, 2ha cao su của anh thu không đủ bù các khoản chi phí. Năm 2018, gia đình buộc phải chặt cây bán gỗ rồi trồng lại hơn 2.000 cây cà phê.

image-1-.jpeg
Nhiều vườn trồng xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Sau bao năm vất vả vì mải chạy theo thời giá cây trồng, tôi và gia đình mới nhận ra vùng đất này chỉ phù hợp trồng cà phê nên đã chuyển hướng sang cây trồng này. Ba năm qua, vườn cà phê gia đình cho trái chất lượng cộng với hai năm vừa rồi, giá cà phê cũng ở mức cao nên phần nào giúp gia đình có đồng ra đồng vào” - anh Lành chia sẻ.

Hoàn cảnh như gia đình anh Lành ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không ít, có nhiều gia đình rơi vào kiệt quệ và nợ nần chồng chất vì chạy theo thời giá và đầu tư cây trồng không phù hợp vùng đất. Do đó, việc quy hoạch và định hướng cho người dân trồng cây phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng là điều hết sức cần thiết đối với địa phương, đặc biệt trong điều kiện BĐKH phức tạp như hiện nay.

Định hướng rõ, thực hiện khoa học và bài bản

Theo số liệu báo cáo từ UBND tỉnh Đắk Nông, hiện tại toàn tỉnh có hơn 21.700ha cây lâu năm sản xuất ở những vùng không thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu cần chuyển đổi. Cụ thể, có 17.623ha cà phê và hồ tiêu, 1.033ha điều, 3.019ha cao su. Theo phương án, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030, Đắk Nông sẽ tiến hành chuyển đổi trên diện tích hơn 8.500ha. Trong đó, chuyển đổi 6.252ha cà phê, 950ha hồ tiêu, 291ha điều và 1.041ha cao su trồng tại các vùng kém hiệu quả, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tưới sang trồng các loại cây ăn trái khác, số diện tích còn lại sẽ tiến hành chuyển đổi giai đoạn sau năm 2030.

Việc chuyển đổi cây trồng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Để phương án mang lại hiệu quả, ngành nông nghiệp Đắk Nông sẽ đồng hành với người dân. Trong đó, việc chuyển đổi được thực hiện một cách bài bản, khoa học, tuân thủ quy hoạch, không mang tính tự phát. Ngành Nông nghiệp sẽ là cầu nối để tiêu thụ các loại cây trồng sau khi chuyển đổi, tạo liên kết bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ. Từ chuyển đổi cây trồng, tỉnh Đắk Nông sẽ hình thành các vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, làm cơ sở kêu gọi đầu tư vào sơ chế, chế biến.

image.jpeg

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng vận động các tổ chức, hợp tác xã tăng cường xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái để ứng phó BĐKH. Phần lớn các mô hình này đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên. Trong đó, ngoài áp dụng các biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, người dân còn thực hiện các mô hình trồng xen canh, trồng cây che bóng mát, không sử dụng phân hóa học...

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong điều kiện thời tiết, khí hậu phức tạp, việc ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông hướng dẫn người dân phát huy mô hình nông nghiệp sinh thái để nâng chất lượng cây trồng và áp dụng các giải pháp ứng phó BĐKH như chuyển đổi cây trồng, trồng xen, tạo cây che bóng giúp giữ độ ẩm, giảm được lượng nước tưới trong mùa khô đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực…

Hiện nay, tại một số vườn xen canh tốt, năng suất hồ tiêu đạt trung bình gần 2 tấn/ha. Sản phẩm từ cây ăn quả cũng giúp các thành viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh trồng xen canh, nhiều hộ nông dân ở các huyện còn mở hướng sản xuất “cà phê sinh thái”. Đây là mô hình sản xuất ứng phó với những bất lợi do tác động của thời tiết và BĐKH khá hiệu quả.

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh đã triển khai nông nghiệp sinh thái theo hướng canh tác hoàn toàn hữu cơ, đa dạng sinh học, đầu vào thấp… Các mô hình sản xuất sinh thái đều đã áp dụng những kỹ thuật như: đa cây trồng, trồng cây lưu niên, đầu tư vành đai cây xanh, tạo hệ thống hồ đập để bảo vệ, dự trữ nguồn nước.

Phạm Hoài