Tiếp bài "Thi công tuyến đường nghìn tỷ ở Bắc Kạn": Dân mất đường đi vào nhà!
(TN&MT) - Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh trong loạt bài trước về tuyến đường nghìn tỷ đầu độc môi trường, đổ thải ven suối... gây bức xúc cho người dân. Tiếp tục tìm hiểu, PV được người dân phản ánh tuyến đường thi công đã “đánh cắp” mất đường đi vào nhà, khiến họ phải đi nhờ qua nhà khác mới vào được nhà mình, hoặc nhà cửa thành ao bùn nước.
Đường lộ “nuốt đường” nhà dân
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thanh Tấn (tên khác: Nghĩa), sinh năm 1975, trú tại thôn Bản Giềng, xã Dương Quang, Tp. Bắc Kạn cho biết: Năm 2021, khi UBND tỉnh Bắc Kạn có chủ trương tiến hành giải phóng mặt bằng làm tuyến đường giao thông từ Thành phố đi Hồ Ba Bể. Gia đình ông đã nhanh chóng bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho đơn vị thi công. Nhưng khi con đường mở ra, máy móc đã cuốc ủi đi toàn bộ nền đường cũ, khiến căn nhà ông bị cắt hết lối vào. Nhà ông bị đẩy lên cao khoảng 8m so với mặt đường.
Quá bức xúc, ông Tấn đã kiến nghị lên Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bắc Kạn nhưng hơn 1 năm trôi qua, Ban Quản lý vẫn lờ đi việc hỗ trợ và giúp gia đình mở đường vào nhà. Được biết, gia đình ông Tấn hiện tại đang phải xin đi nhờ một gia đình hàng xóm mới vào và ra được nhà mình.
Một trường hợp khác, ông Trịnh Đình Doanh, trú tại Tổ 18, phường Sông Cầu lại bị ngập lụt do thiết kế con đường chạy qua nhà ông có chỗ cao khoảng 4m. Vì vậy vô tình biến nhà ông thấp hơn mặt đường rất nhiều, khiến mỗi khi trời mưa nước mưa, bùn đất thi nhau chạy vào nhà.
Ông Doanh bức xúc: Nhà tôi sống dở, chết dở, tự nhiên mọi việc cứ đảo lộn hết, mưa thì sợ ngập, nắng thì sợ bụi. Tôi kiến nghị lên Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bắc Kạn, một người đại diện của Ban Quản lý không động viên, chia sẻ lại còn có giọng: Gia đình tự lấy gạch mà xây ngăn nước!.
Qua điều tra tìm hiểu, dọc tuyến đường thi thoảng phóng viên lại bắt gặp một vài ngôi nhà nằm chênh vênh so với mặt đường, có nhà thì tụt sâu, dấu hiệu đọng bùn đất còn rất rõ. Theo người dân, họ đã kiến nghị với xã, phường và Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bắc Kạn nhưng đại diện Ban Quản lý chỉ hứa hẹn hết ngày này, qua ngày khác rồi bỏ mặc người dân.
Đùn đẩy cho ai?
Trao đổi với phóng viên, ông Lường Tuấn Nhã, Chủ tịch UBND xã Dương Quang xác nhận: Hộ gia đình ông Bùi Thanh Tấn (vợ là Út) là hộ gia đình chính sách, căn nhà là nhà tình nghĩa, được Ngân hàng Viettin Bank xây dựng cho, chân ông Tấn đi lại khó khăn. Giờ làm đường, nhà ông Tấn nằm ở taluy dương, nên đúng là rất cao so với mặt bằng. Gia đình ông Tấn đang phải đi nhờ nhà hàng xóm mới lên được nhà mình.
Vị Chủ tịch xã Dương Quang cho biết thêm: Ông Tấn ra UBND xã xin xác nhận để gửi đơn lên Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bắc Kạn. Lãnh đạo xã, thôn đã xác nhận sự việc đó và kính chuyển lên trên nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời. Cũng theo ông Nhã, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể bao nhiêu hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, vì xã chỉ phối hợp triển khai công tác GPMB, còn đền bù thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý dự án.
Trao đổi với phóng viên về việc một số hộ dân ở tổ 18, phường Sông Cầu cũng bị ảnh hưởng, ông Luân Hoàng Anh, Chủ tịch UBND phường Sông Cầu cho biết: Đúng là có một số gia đình bị ảnh hưởng. Nhà ông Trịnh Đình Doanh cũng nằm trong số đó. UBND phường Sông Cầu đã báo cáo gửi UBND thành phố và Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bắc Kạn rồi nhưng chưa thấy cấp trên trả lời nên người dân phải chờ thôi.
Liên hệ với ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn để phản ánh về những vấn đề báo đã nêu, ông Tuyên không bố trí làm việc với phóng viên mà bảo phóng viên làm việc với ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, sau đó phóng viên gọi điện, nhắn tin với ông Tuấn nhiều lần nhưng vị này không hồi âm, mặc cho trước đó ông Tuyên nhắn cho phóng viên sẽ nhắc Giám đốc Ban Quản lý Dự án làm việc.
Theo Luật sư Nguyễn Thu Phương (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Căn cứ theo Điều 605, Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã quy định rất rõ:“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác; Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Ở đây, công trình xây dựng đường đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, cuộc sống, nhà cửa của người dân, thì phải bồi thường cho họ.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...