Trong nước

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh dự Tọa đàm triển vọng Kinh tế và tài chính khí hậu

Khương Trung 21/07/2023 20:21

(TN&MT) – Chiều 21/7, trong khuôn khổ chuyến thăm của bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ tới Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội tổ chức Hội nghị nữ lãnh đạo khối kinh tế và tọa đàm triển vọng Kinh tế và tài chính khí hậu. Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh dự Hội nghị. 

Tham dự Hội nghị có bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh; PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; các vị nữ lãnh đạo của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các trường, tổ chức, viện nghiên cứu cùng các cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

small_dai-bieu.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị nữ lãnh đạo khối kinh tế và tọa đàm triển vọng Kinh tế và tài chính khí hậu. Ảnh: Khương Trung

Phát biểu tại Hội nghị nữ lãnh đạo khối kinh tế, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong kinh tế thương mại và trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp xúc với nhiều đại biểu là lãnh đạo nữ tại Hội nghị, Bà Janet Yellen đánh giá cao việc trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ, đặc biệt là trong ngành kinh tế hay tài chính những lãnh đạo nữ đang ngày càng nhiều và thể hiện được năng lực của mình.

chup-anh-luu-niem.jpg
Từ phải qua trái: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nguyễn Thị Hồng; bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ; PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Tham dự. Ảnh: Khương Trung

Trong quá trình phát triển hiện nay, các đại biểu tham dự cho rằng, những nữ lãnh đạo đang và sẽ đóng vai trò động lực quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới trong xây dựng tầm nhìn, hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Tại buổi tọa đàm triển vọng Kinh tế và tài chính khí hậu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những trọng tâm ưu tiên của mọi quyết định phát triển trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, đứng trước những thách thức do biến đổi khí hậu gây nên như bão lũ, sạt lở, nước biển dâng, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông cửu long… chính phủ Việt Nam với quan điểm không đánh đổi kinh tế lấy môi trường đã có những chính sách để thích ứng như các cam kết mạnh mẽ tại COP26; phê duyệt quy hoạch điện VIII để chuyển đổi năng lượng; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; Việt Nam trở thành nước thứ ba trên thế giới thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác quốc tế…

small_toa-dam.jpg
Tại chương trình tọa đàm Triển vọng Kinh tế và tài chính khí hậu, các đại biểu thống nhất cho rằng, cần có sự hợp tác toàn diện hơn nữa giữa các quốc gia, đối tác, các định chế tài chính quốc tế, các Trường đại học, Viện nghiên cứu để mở ra nhiều cơ hội phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải các-bon thấp, tiến tới trung hòa các-bon. Ảnh: Khương Trung

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Việt Nam đã xác định chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu là trách nhiệm, đồng thời là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển nhằm mang lại lợi ích tổng thể và lâu dài cho đất nước. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhu cầu tài chính của Việt Nam là rất lớn. Bộ trưởng thông tin, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2040 để ứng phó với biến đổi khí hậu, xấp xỉ 6,8% GDP hằng năm, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cân đối khoảng 130 tỷ USD, còn lại huy động từ khối tư nhân và cộng đồng quốc tế.

small_bt-khanh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Đặng Quốc Khánh trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Khương Trung

Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn quốc gia Hoa Kỳ nói chung cũng như bà Janet Yellen trên vai trò là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam trao đổi với các đối tác, các định chế tài chính quốc tế nhằm thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải các-bon thấp, tiến tới trung hòa các-bon.

Tại tọa đàm Triển vọng Kinh tế và tài chính khí hậu, các đại biểu thống nhất cho rằng, cần có sự hợp tác toàn diện hơn nữa giữa các quốc gia, đối tác, các định chế tài chính quốc tế, các Trường đại học, Viện nghiên cứu để mở ra nhiều cơ hội phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải các-bon thấp, tiến tới trung hòa các-bon.

Tại buổi tọa đàm, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, vừa qua trên thế giới do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chiến tranh… dẫn đến nền kinh tế giảm sút. Tuy nhiên, Chính phủ Hoa kỳ đã xây dựng được các chính sách bao trùm hướng đến nền kinh tế “trọng cung” (một trường phái kinh tế học vĩ mô đề cao mặt cung cấp của các hoạt động kinh tế. Việc này sẽ nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cung cấp của nền kinh tế nhằm mục đích nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế mà không gây ra áp lực lạm phát), trong đó có các chính sách về thuế, đầu tư cho xây dựng hạ tầng, đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, hydrogen xanh và hướng đến bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

small_bt-tai-chinh-my.jpg
Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Khương Trung

Với nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu, đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu không chỉ của Hoa Kỳ mà của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam với cam kết mạnh mẽ hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net zezo) vào năm 2050, đặc biệt là Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)… Theo bà Janet Yellen, Hoa Kỳ ủng hộ JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.

Hoa Kỳ cũng như Việt Nam sẽ rất quyết tâm thực hiện các chương trình vì mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và Chính phủ Hoa Kỳ luôn đồng hành với Việt Nam trong quá trình đàm phán JETP và hỗ trợ Việt Nam triển khai các cam kết quốc tế.

small_thong-doc.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Khương Trung

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bên cạnh đưa ra các chính sách hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thì với việc sẽ có một nguồn tài chính lớn của các đối tác quốc tế cho biến đổi khí hậu, ngân hàng nhà nước sẽ có hướng dẫn phù hợp với phát triển bền vững, đồng thời hợp tác và chia sẻ với các ngân hàng trung ương của các quốc gia khác trong khu vực cũng như quốc tế để có giải pháp tốt nhất.

small_hieu-truong.jpg
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Khương Trung

Với vai trò là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về tài chính, kinh tế, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho rằng biến đổi khí hậu có tính chất toàn cầu hiện nay, do đó phải có giải pháp toàn cầu phù hợp trong đó có sự hợp tác toàn diện giữa các chính phủ, các tổ chức, các trường đào tạo, viện nghiên cứu.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn thừa nhận rằng, việc hợp tác giữa các Trường, các tổ chức, viện nghiên cứu có những lợi thế vượt qua được các rào cản về chính trị, văn hóa… nhưng hiện nay hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu còn rất khiêm tốn. Do đó, bên cạnh việc đề nghị mong muốn các chính phủ hỗ trợ các nguồn lực, PGS.TS Bùi Anh Tuấn đề nghị các Trường, Viện phải tự nâng cao năng lực, chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để sẵn sàng hợp tác quốc tế trong việc chuyển đổi, thích ứng với biển đổi khí hậu, phát triển kinh tế và tài chính khí hậu.

nu-dai-bieu-1.jpg
Những nữ lãnh đạo khối kinh tế đang và sẽ đóng vai trò động lực quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới trong xây dựng tầm nhìn, hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
nu-dai-bieu-2.jpg
Những nữ lãnh đạo khối kinh tế đang và sẽ đóng vai trò động lực quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới trong xây dựng tầm nhìn, hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
nu-dai-bieu-3.jpg
Những nữ lãnh đạo khối kinh tế đang và sẽ đóng vai trò động lực quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới trong xây dựng tầm nhìn, hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Khương Trung