Trong nước

Môi trường phải trở thành lĩnh vực kinh tế, dẫn dắt quá trình chuyển đổi xanh

Khương Trung 21/07/2023 - 19:08

(TN&MT) - Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quá trình tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW cần đề xuất được hệ thống quan điểm mới, tư duy mới về mặt lý luận, lựa chọn một số vấn đề, mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; đưa môi trường trở thành một lĩnh vực kinh tế mới trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh.

Sáng 21/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Ban Chỉ đạo).

mt1.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu quá trình tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW cần đề xuất được hệ thống quan điểm mới, tư duy mới về mặt lý luận, lựa chọn một số vấn đề, mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW có ý nghĩa quan trọng, có phạm vi điều chỉnh 1 trong 3 trụ cột phát triển bền vững. Vì vậy, việc triển khai tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW liên quan đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, các địa phương, đại diện của các tổ chức chính trị-xã hội, vừa mang tính liên ngành, vừa mang tính liên vùng, liên quốc gia;

Nghị quyết 24-NQ/TW là cơ sở chính trị hết sức quan trọng, bao quát tất cả nội dung liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, với nhiều nhóm chỉ tiêu lồng ghép với nhau. Vì vậy, quá trình tổng kết phải đánh giá quá trình “đi vào cuộc sống” của Nghị quyết 24-NQ/TW thông qua việc triển khai, thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, cùng với kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cần nêu những định hướng lớn đối với việc xây dựng báo cáo tổng kết, sản phẩm sau tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW. Bên cạnh kết quả, hạn chế, nguyên nhân, báo cáo tổng kết phải đánh giá tình hình, bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay so với thời điểm ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW, từ đó đưa ra những tư duy, quan điểm có tính thời đại mới.

Nhiều vấn đề đặt ra trước xu thế phát triển mới của thế giới

Báo cáo Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết trong bối cảnh phát triển mới, đã và đang nổi lên một số vấn đề cần được xem xét, chỉnh sửa, bổ sung trong quan điểm ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cụ thể là: Phát triển kinh tế tuần hoàn; hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; vai trò trung tâm của doanh nghiệp và người dân; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đẩy mạnh tiếp cận thị trường và các công cụ kinh tế; ưu tiên phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên,…

Đến nay đã có 2/2 Ban Đảng, 17/17 Bộ; 7/7 Cơ quan ngang Bộ và Cơ quan thuộc Chính phủ; 5/5 tổ chức chính trị-xã hội; 59/63 địa phương gửi báo cáo tổng kết Nghị quyết; đồng thời tiếp tục xây dựng báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

mt2.jpg
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trao đổi về sự cần thiết tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp… về những kết quả, hạn chế và vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW chi tiết như tổ chức các hội thảo chuyên đề về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; làm việc với một số tỉnh uỷ, thành uỷ về tình hình tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW và kết hợp với tổ chức hội thảo vùng Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ; các khâu lấy ý kiến cơ quan có thẩm quyền, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học để tiếp thu, giải trình, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự chủ động của Bộ TN&MT trong công tác chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW một cách bài bản, kỹ lưỡng; trao đổi về những nội dung còn nguyên giá trị, những quan điểm, mục tiêu mới đặt ra trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, nhất là, thế giới đang đứng trước xu hướng, mô hình phát triển mới.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đề nghị các sản phẩm của quá trình tổng kết cần đưa ra càng sớm càng tốt để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, chất lượng của các bộ, ngành, địa phương, trước khi trình cấp có thẩm quyền.

mt3.jpg
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp

Về hội thảo lấy ý kiến các vùng, một số địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị xây dựng đề cương chi tiết những vấn đề lớn cần trao đổi với các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học. Tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW cần phối hợp với các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về các lĩnh vực có liên quan.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho rằng các hội thảo với chuyên gia, nhà khoa học cần tập trung sâu vào những giải pháp khoa học, công nghệ để khắc phục triệt để hoặc giảm thiểu ảnh hưởng của những bất cập, tồn tại, hạn chế trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, góp phần thay đổi tư duy phát triển.

Đánh giá đúng vị trí của môi trường trong quá trình phát triển

Đánh giá cao tinh thần chủ động của Bộ TN&MT trong xây dựng đề cương, hướng dẫn, kế hoạch tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW rất chi tiết, kỹ lưỡng, khoa học, chất lượng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng khi tổ chức lấy ý kiến của các địa phương, các vùng Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ trong quá trình tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW.

Việc tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các địa phương, vùng, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học… phải có đề cương chi tiết về mục tiêu, thành phần tham dự, dự kiến kết quả đạt được. “Căn cứ vào nội dung của từng hội thảo, hội nghị có thể phân công bộ, ngành chủ trì theo chuyên môn, lĩnh vực quản lý như KHCN, doanh nghiệp, nguồn nhân lực, giáo dục…”, Phó Thủ tướng gợi mở.

mt4.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao tinh thần chủ động của Bộ TN&MT trong xây dựng đề cương, hướng dẫn, kế hoạch tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW rất chi tiết, kỹ lưỡng, khoa học, chất lượng

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo bám sát kế hoạch tổng kết, đúng các mốc thời gian đặt ra, sớm trình cấp thẩm quyền xem xét, thảo luận kỹ. Phương pháp tổng kết phải hết sức khoa học, lắng nghe từ cơ sở, các bộ ngành, địa phương, DN, nhà khoa học, không dừng lại ở nội dung Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động mà cần mở rộng đánh giá trên cơ sở những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu…

Tài liệu, số liệu tổng kết phải cập nhật những nội dung mới nhất như cam kết thực hiện giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, Quy hoạch điện VIII, phát triển năng lượng tái tạo…, đồng thời có dự báo dài hạn xu hướng trong nước, thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, mục đích của công tác tổng kết là nhằm đánh giá, nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW dựa trên các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp, chương trình hành động, kết quả triển khai cụ thể, nhất là tác động đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, giao thông…

“Báo cáo tổng két phải nêu đầy đủ toàn diện những kết quả đã đạt được của các bộ ngành, địa phương trên cơ sở so sánh chỉ số, thứ hạng theo xếp hạng quốc tế về môi trường, chuyển đổi năng lượng tái tạo… Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế từ góc độ Nghị quyết, tư duy, quan điểm, tầm nhìn đến khâu tổ chức triển khai thực hiện, nhận thức”, Phó Thủ tướng trao đổi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh thế giới đang đứng trước thời khắc lịch sử chuyển đổi mô hình phát triển dựa vào tài nguyên sang kinh tế tri thức, kinh tế carbon thấp, cùng với 2 xu thế lớn là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Vì vậy, quá trình tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW cần đề xuất được hệ thống quan điểm mới, tư duy mới về mặt lý luận, lựa chọn một số vấn đề, mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; đưa môi trường trở thành một lĩnh vực kinh tế mới trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh.

Khương Trung