Xã hội

Niềm tin đổi đời từ mô hình trồng chuối

Văn Dinh 21/07/2023 - 16:40

(TN&MT) - Thời gian qua, đã có nhiều mô hình để giúp người dân các xã vùng cao của tỉnh Thừa Thiên – Huế từng bước giảm nghèo. Trong đó, trồng chuối già lùn đã và đang phát huy hiệu quả. Những ngày này, người dân tất bật thu hoạch chuối với những nụ cười của sự hạnh phúc. Trước đây, chuyện cây chuối trở thành cây trồng mang tính hàng hóa, có giá trị kinh tế cao là điều mà người dân chưa từng nghĩ đến. Nay, hỏi về giá trị của cây chuối, đa số bà con đều có chung quan điểm là cây xóa nghèo.

Đời sống đổi thay

Sáng sớm ở vùng quê nghèo xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới), từng tia nắng chiếu xuống khắp những ngọn cây, ngọn cỏ, len lỏi vào từng căn nhà, cùng với tiếng chim hót thánh thót đã đánh thức vạn vật và con người nơi đây.

Vươn vai hít thở không khí trong lành sau giấc ngủ ngon, anh Nguyễn Hải Teo ở (thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm) hớn hở chỉ tay về phía trang trại của gia đình anh, với vườn chuối già lùn được trồng trải dài đến 1,5 hecta.

Anh Teo kể rằng, từ năm 2018, qua tìm hiểu và biết được giống chuối già lùn thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất A Lưới, anh đã mạnh dạn bỏ số vốn 500 triệu đồng mua giống chuối, làm vườn để trồng loại chuối này. Áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, bón phân hữu cơ nên chỉ sau 10 tháng, vườn chuối của gia đình anh đã cho thu hoạch với trái chính to, đều, giá bán 100 nghìn đồng/buồng.

“Từ vụ chuối đầu tiên, tôi và gia đình mở rộng trồng trồng thêm hàng trăm gốc chuối già lùn. Đến nay sau hơn 4 năm, vườn chuối của nhà mỗi mùa cho thu hoạch lãi hơn 100 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”, anh Teo tâm sự.

chuoialuoi-2.jpg
Người dân ổn định sinh kế nhờ trồng chuối

Cạnh xã Quảng Nhâm, xã Hồng Bắc cũng là địa phương có nhiều vườn chuối già lùn điển hình. Hiện, nhiều vườn chuối ở đây chuẩn bị vào kỳ thu hoạch.

Đang loay hoay nhổ cỏ ở vườn chuối, ông Lê Tấn Thọ (xã Hồng Bắc) cho biết, nhà ông có đến 2 hecta chuối, so với các loại cây khác, trồng chuối già lùn có chi phí đầu tư ban đầu và độ rủi ro thấp, cây lại dễ trồng, ít công chăm bón, lại cho năng suất cao…

“Chuối già lùn cho thu hoạch quanh năm và chất lượng thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Quy trình chăm sóc loại chuối này cũng khá đơn giản. Khi mới lên cây con, người trồng cần cắt tỉa để cây chỉ cho lên một nhánh, sau đó bón phân chuồng; trong quá trình cây phát triển, cho trái có thể bón một ít NPK. Năm nay, trung bình mỗi cây chuối thu hoạch trên dưới 30 kg quả. Sau khi thu hoạch, chuối được thương lái thu mua ngay tại vườn với mức giá từ 3,5- 5 nghìn đồng/kg’, ông Thọ thổ lộ.

chuoialuoi-1.jpg
Những mô hình vườn chuối rộng lớn ở Thừa Thiên - Huế

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc - Đinh Viết Cường, những năm trước đây, chuyện cây chuối trở thành cây trồng mang tính hàng hóa, có giá trị kinh tế cao là điều mà bà con A Lưới chưa từng nghĩ đến. Nay, hỏi về giá trị của cây chuối, đa số người dân đều có chung quan điểm là cây xóa nghèo.

“Chuối già lùn là loại cây giúp nhiều hộ dân địa phương xóa nghèo, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Tại xã Hồng Bắc, chuối được trồng rải rác ở các thôn, trong đó có một số vườn chuối có quy mô lớn. Do tập quán của người dân đồng bào nên chuối được trồng khá tự nhiên, ít sử dụng các loại phân bón hóa học. Năm nay, nhiều người dân trồng chuối có thu nhập khá vì chuối được mùa, được giá, chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng lựa chọn”, ông Cường nói.

Thừa Thiên –  Huế có 2 huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới, người dân chủ yếu là dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm tỷ lệ rất cao. Nhiều mô hình đã và đang được thực hiện để giúp bà con ổn định sinh kế, như thanh trà, trồng cam, trồng sim, trồng chuối, cây dược liệu, chăn nuôi…

Tạo sinh kế bền vững

Đến vùng cao A Lưới thời điểm này, hàng trăm hecta chuối già lùn phủ khắp các thôn, bản. Dạo quanh những vườn chuối nặng trĩu quả, người dân tâm sự rằng, những vùng đất cằn cỗi ở quê hương đang dần thay đổi, bởi cách đây nhiều năm về trước, nhiều vùng còn hoang hóa, cây trồng không chịu được thời tiết khắc nghiệt, ấy vậy mà giờ đây, mô hình trồng chuối đã giúp bà con từng bước “đổi đời”.

chuoialuoi-3.jpg
Chuối già lùn đã và đang có đầu ra ổn định, được bán khắp nơi

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện trồng được hơn 337 hecta chuối già lùn, trong đó trồng tập trung 94 hecta ha giống chuối nuôi cấy mô; có 242 hecta chuối đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 280 tạ/hecta, thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu/hecta. Nhờ trồng chuối già lùn mà đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện, có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, từ năm 2019, nông sản chuối già lùn mang thương hiệu A Lưới đã được đưa lên kệ hàng của các siêu thị với khoảng 15 tấn tiêu thụ mỗi tháng, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho người trồng chuối già lùn ở A Lưới.

Hiện nay, huyện cũng đang phát triển thêm tại một số địa phương khác trên địa bàn; đặc biệt là dự án thanh niên khởi nghiệp của huyện với trên 2.000 gốc chuối già lùn cho các hộ gia đình thanh niên khởi nghiệp. Hội Nông dân huyện A Lưới đã triển khai nhiều mô hình điểm sản xuất chuối già lùn, sau đó nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa bằng giống cấy mô. Đồng thời, hội cử cán bộ xuống tận cơ sở, tập huấn, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và bảo quản sản phẩm cho hội viên, nông dân. Việc làm này được thực hiện theo hướng “cầm tay, chỉ việc” nhằm hướng dẫn đạt hiệu quả tốt nhất cho bà con. Kết quả là sản xuất chuối già lùn đã cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP, các buồng chuối to vừa phải, quả đều sáng và đẹp.

chuoialuoi-4.jpg
Người dân miền núi Thừa Thiên - Huế  được hỗ trợ giống chuối

Chia sẻ thêm về mô hình trồng chuối già lùn này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới nói rằng, nhằm phát huy tiềm năng của vùng đất gò đồi, nhiều năm qua huyện đã phối hợp với các ngành liên quan để khảo sát làm sao chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, góp phần cho công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Có thể khẳng định rằng, chuối già lùn A Lưới tạo ra sản phẩm hàng hóa và khẳng định được thương hiệu là bước đi đúng của huyện trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung và trong thực hiện chương trình OCOP của tỉnh.

“Để phát triển bền vững các vùng trồng chuối già lùn trên địa bàn huyện, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân, thời gian tới, huyện sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực cho ngành nông nghiệp thực hiện và triển khai các dự án nhân rộng diện tích trồng chuối. Đặc biệt, tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, HTX để tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, tập trung cho công tác thông tin, quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ thương mại, nhất là trên sàn giao dịch điện tử hàng nông sản để thương hiệu chuối già lùn A Lưới vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh và cả nước", ông Hùng nói.

Mang những thông tin trên từ vị Chủ tịch huyện A Lưới đến        người dân trồng chuối, bà con cho hay “ai chứ ông Hùng nói là chúng tôi tin, ông ấy là người dân tộc Tà Ôi và luôn quan tâm đến bà con vùng cao”.

Bỗng, có người mang cho tôi một buồng chuối chín thơm và bảo: “Đây, tặng chú mang về phố dùng thử, đảm bảo ngon, sau này giới thiệu mọi người mua chuối cho chúng tôi nhá…”. Nhìn những nụ cười tươi của bà con vùng cao, hi vọng và tin tưởng từ những cây chuối, người dân nơi đây sẽ ổn định kinh tế, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính quê hương.

Văn Dinh