Bắc Ninh: Nông nghiệp xanh, sạch góp phần nâng cao đời sống người dân
Tỉnh Bắc Ninh đang tập trung nguồn lực và các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu để không ngừng nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, giúp xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho họ có điều kiện sống “xanh - sạch - đẹp” ngang với các đô thị văn minh, góp phần chuyển đổi nền kinh tế địa phương theo định hướng kinh tế tuần hoàn.
Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nhất là chủ trương tạo điều kiện hình thành và phát triển kinh tế trang trại theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp; chuyển ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản; dồn điền đổi thửa; phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng gần 3.000 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Trong đó có 195 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, diện tích hơn 910 ha, tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Nhiều chủ trang trại đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: Vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Dương, Nhân Thắng, Xuân Lai (Gia Bình); xã Trung Chính, Phú Hoà, An Thịnh (Lương Tài), cây ăn quả tại xã Hoài Thượng, Đại Đồng Thành, Đình Tổ (Thuận Thành), Đại Lai (Gia Bình), Cảnh Hưng (Tiên Du), Hán Quảng, Đào Viên (Quế Võ)… Phương thức chăn nuôi chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ, chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hoá, thay thế dần chăn nuôi trong khu dân cư.
Để hình thành các cùng trang trại trọng điểm, tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương thành lập Tổ công tác hỗ trợ mô hình kinh tế trang trại, Nhóm Zalo kết nối giữa các trang trại, có trách nhiệm tập trung rà soát, kịp thời giải quyết các vướng mắc của các trang trại trên địa bàn tỉnh, nhất là vấn đề đất đai.
Kinh tế trang trại thực sự có vai trò to lớn về tổ chức sản xuất hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp, vừa tạo giá trị lớn về nông sản hàng hóa, vừa bảo đảm chất lượng nông sản theo hướng sản xuất sạch, hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng doanh thu từ kinh tế trang trại đạt hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận bình quân mỗi trang trại đạt khoảng gần 900 triệu đồng/ năm. Mức thu nhập này vượt trội so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Do vậy, kinh tế trang trại là động lực mới phát huy năng lực kinh tế hộ, đây là điểm đột phá trong bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô vừa và lớn.
Theo ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng. Ngành Nông nghiệp địa phương đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt từ 1,0 - 1,2%. Đến năm 2030 sẽ phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.
Để đạt mục tiêu đặt ra, ngành Nông nghiệp đang hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; phát triển bao trùm, bảo đảm công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn.
Đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh có tiềm năng phát triển quy mô lớn, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; vận chính sách, giải pháp và nguồn lực để mở rộng quy mô, chất lượng, thương hiệu sản phẩm bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện. Tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu, từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, bền vững, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi nền kinh tế địa phương theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững
Tỉnh Bắc Ninh hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả, bền vững; nông dân và dân cư nông thôn văn minh, có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các địa phương trong tỉnh. Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 41-CTr/TU và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, về nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 0,8-1%/năm; cơ cấu tỉ trọng nông lâm nghiệp và thuỷ sản còn 1,5%. Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt trên 200 triệu đồng. Tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 40%). Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 30%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 0,65%, tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị rừng trồng phòng hộ, trồng mới, trồng thay thế cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh.
Về nông dân, phấn đấu tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân ít nhất 6,2%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn dưới 10%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 80%; Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%.
Về nông thôn, phấn đấu 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; có khoảng 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; công nhận ít nhất 100 mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao/huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với đó, phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có trên 25 sản phẩm OCOP được công nhận, có ít nhất 50% làng nghề trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP, 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,...); hình thành, duy trì và phát triển ít nhất 3 chuỗi sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng.
Đối với mục tiêu nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững phấn đấu thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020. Không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn có nước sạch sử dụng đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn được thu gom, tự xử lý, vận chuyển, xử lý tập trung đạt 100%.
Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và người dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, thông minh, chất lượng cao, chế biến sâu với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường. Nông thôn hiện đại, điều kiện sống tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung thực hiện hiệu quả. Trong đó, tập trung tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.
Cùng với đó, tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản phẩm nông lâm thuỷ sản. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa, hạ tầng kho bãi Logistic..., tăng cường kết nối trung chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tới các sân bay, cửa khẩu, cảng biển (sân bay Nội Bài, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn,...), tạo điều kiện mở rộng hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững gắn với đô thị hóa; Xây dựng, triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao chất lượng cơ chế chính sách đặc thù của địa phương, trọng tâm là quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp.
Đồng thời đột phá nghiên cứu, ứng dụng KHCN; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chủ động hội nhập và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ sạch vào sản xuất; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hàm lượng công nghệ và giá trị công nghệ cao trong sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, gắn kết phát triển nông thôn - đô thị. Khai thác và phát huy hợp lý nguồn lực đất đai trong xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên.
Duy trì và sử dụng linh hoạt, hiệu quả diện tích đất trồng lúa. Tăng cường công tác thông tin, dự báo, cảnh báo và xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân trong việc tự chủ ý thức về bảo vệ môi trường nông thôn. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Quản lý tốt nguồn nước các lưu vực sông và hệ thống thuỷ lợi bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.