Hiện thực hóa ước mơ xuyên suốt bao thế hệ
Cả một cuộc đời lênh đênh sông nước, từ bao đời sinh ra rồi chết đi trên chiếc thuyền nan nhỏ. Ước mơ âm ỉ xuyên suốt bao thế hệ của người dân làng chài Thủy Cơ là có mảnh đất cho riêng mình, có ngôi nhà nhỏ để không còn phập phồng lo sợ mỗi mùa mưa lũ tới cuối cùng đã được hiện thực hóa. Đã khép lại những phận đời lênh đênh sông nước, mở ra một khởi đầu mới “an cư, lạc nghiệp”.
Phận đời lênh đênh sông nước
Có những phận người cả một đời cứ lênh đênh sông nước, số phận xuôi theo mái chèo, sinh ra rồi chết đi cũng trên chiếc thuyền nan chỉ chừng dăm mét vuông. Khát vọng âm ỉ bao đời nay được lên bờ, có một mái nhà nhỏ che mưa che nắng dường như quá xa vời với hàng trăm hộ dân thuyền chài. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 08 ngày 10/10/2003 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa về đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông", nhiều gia đình thuyền chài đã “an cư, lạc nghiệp”. Chỉ thị 08 đã hiện thực hóa ước mơ của hàng trăm hộ gia đình sinh sống trên sông, thể hiện tính nhân văn trong chủ trương “không để ai bỏ lại phía sau” trong cuộc vận động xóa đói giảm nghèo.
Trong những ngày tháng 7 nắng như đổ lửa, trên công trường khu tái định cư Đồng Sau Cách, thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ nhộn nhịp tiếng cười nói, 28 ngôi nhà của các hộ trước đây là làng chài Thủy Cơ đang khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng. Nhiều hộ gia đình đã dọn vào ở, niềm vui niềm hân hoan hiện rõ trên gương mặt. Những ngôi nhà còn vương mùi sơn mới, là niềm mơ ước của bao thế hệ người dân làng chài Thủy Cơ.
Trên gương mặt có phần khắc khổ của ông Nguyễn Văn Kim, năm nay ô chỉ mới ngoài 60 tuổi nhưng với dáng người nhỏ thó, già so với tuổi nhưng nụ cười ông sảng khoái mãn nguyện lắm. Nắm tay cán bộ địa chính xã, ông không thôi nói lời cảm ơn chính quyền, cảm ơn đảng đã cho ông ngôi nhà che mưa nắng mà không chỉ ông mà bao thế hệ gia đình mơ ước. Giờ đây, ông và các con không còn phải lênh đênh sông nước, sống trong phập phồng lo sợ mỗi mùa bão lũ đến.
Từ đời cha ông đã gắn bó với chiếc thuyền nan, phiêu dạt từ khúc sông này tới đoạn sông khác. Khi lấy vợ, ông được bố mẹ sắm cho chiếc thuyền hơn bốn mét vuông, vợ chồng mưu sinh rồi lần lượt 7 đứa con cũng ra đời trên chiếc thuyền ấy. Cuộc đời ông đã trải qua bao thăng trầm, chết hụt bao lần trên chiếc thuyền. Cũng vì theo bố mẹ di chuyển liên tục cả 7 đứa con của ông Kim cũng không được học hành. Đó cũng là nỗi trăn trở của ông nhưng cũng đành chấp nhận số phận. Đi gần hết đời người, ông không nghĩ được có một ngày vợ chồng ông có ngôi nhà, mảnh đất của riêng mình.
Hồi tưởng lại cuộc sống trước kia, ông Kim kể: Cả gia đình 9 khẩu sinh sống trên chiếc thuyền hơn bốn mét vuông, các con lần lượt ra đời nhưng cứ lênh đênh theo bố mẹ mưu sinh mà không đứa nào được học hành. Cũng biết các con thiệt thòi nhiều, nhưng cũng đành chấp nhận số phận, hàng ngày chỉ lo đủ ăn thôi là đã quá sức với hai vợ chồng. Có lần bão lớn, thuyền bị thủng tôi vẫn lo vớt củi tới lúc nghe tiếng vợ hô hoán thuyền đã ngập nước bị cuốn vào xoáy nước. Lấy hết sức, tôi chống sào đẩy thuyền ra khỏi vòng xoáy, rồi lần lượt đưa từng đứa vào bờ. Lần đó, chỉ cần hụt sức không chống được sào cả gia đình chín người đã bỏ mạng dưới sông. Rồi có lần tôi đang thả lưới, bị đột quỵ ngã xuống nước cũng may con trai nhìn thấy vớt lên đưa đi cấp cứu mới may mắn còn sống.
Chẳng biết bao nhiêu lần ông Kim rồi gia đình ông chết hụt trên dòng sông Chu, nhưng cái nghiệp mưu sinh đeo bám, vợ chồng ông vẫn cố gắng bám trụ. Vì lên bờ không “tấc đất cắm dùi” vợ chồng ông không biết làm gì để nuôi bảy đứa con và lấy chỗ nào để ở.
Có những ân hận, có những chất chứa gửi lại dòng sông Chu nơi con gái ông đã bỏ mạng, ông cũng coi như số phận đã an bài. Những ngày tháng lênh đênh phận chài, mùa mưa lũ mọi người trong nhà vợ chồng ông phải dầm mưa chống chọi để con thuyền không bị lũ cuốn trôi cuối cùng cũng khép lại. Biết là còn đó nhiều khó khăn, còn nhiều bỡ ngỡ với cuộc sống trên bờ nhưng đó là khởi đầu, là xuất phát cho tương lai những đứa con của ông.
Hiện thực hóa ước mơ xuyên suốt bao thế hệ
Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã cấp đất cho 880 hộ dân sinh sống trên sông; hỗ trợ làm nhà cho 865 hộ dân. Cả tỉnh hiện còn 240 hộ dân sinh sống trên sông chưa được cấp đất ở, 273 hộ đang sinh sống trên sông chưa được hỗ trợ kinh phí xây nhà ở.
Ngày 8/11/2022 UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đồ án Khu định cư cho đồng bào sinh sống trên sông chưa có đất ở và dân cư mới Đồng Sau Cách, thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa với quy mô dân số khoảng 185 người đã hiện thực hóa ước mơ cho 28 hộ dân làng chài Thủy Cơ. Đây là khu dân cư mới đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu định cư cho đồng bào sinh sống trên sông tại xã Thiệu Vũ.
28 hộ gia đình được cấp đất ở với cơ sở hạ tầng đường, điện, nước sạch đầy đủ. Sau khi được cấp đất, hỗ trợ 150 triệu đồng làm nhà các hộ gia đình đã khẩn trương khởi công xây dựng ngôi nhà mơ ước. Trong ngày 29/4 tới đây 28 ngôi nhà sẽ hoàn thành và làm lễ bàn giao. Người dân vạn chài đã đi gần hết đời người, ước mơ âm ỉ xuyên suốt bao thế hệ cuối cùng cũng thành hiện thực. 28 ngôi nhà được xây dựng theo mẫu chung, khang trang trên cánh đồng xanh mướt, thể hiện tinh thần nhân văn trong chủ trương của tỉnh Thanh Hóa.
Trên chặng đường dẫn chúng tôi vào Khu định cư Đồng Sau Cách, ông Phạm Mạnh Toàn - Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ chia sẻ: “Trăn trở của cả hệ thống chính trị là ổn định chỗ ở cho đồng bào sinh sống trên sông. Thực hiện Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành khẩn trương rà soát các hộ đủ điều kiện cấp đất ở. Việc cấp đất ở, hỗ trợ mỗi hộ 150 triệu đồng làm nhà đã tạo điều kiện cho các hộ có chỗ ở ổn định, sau đó yên tâm lao động, phát triển kinh tế. 28 hộ đều là hộ nghèo, vì vậy mục tiêu xóa đói giảm nghèo trước mắt cần ổn định chỗ ở. Sau đó định hướng nghề nghiệp để người dân chuyển đổi nghề dần ổn định cuộc sống”.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa từng nhấn mạnh: “Việc cấp đất và hỗ trợ kinh phí xây nhà cho đồng bào sinh sống trên sông phải làm bằng tình cảm, trách nhiệm và “trái tim nóng” để lo cho dân, làm cho dân, vì nhân dân. Phải lo từ sớm, từ xa nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con nhân dân đang sống lênh đênh trên sông nước. Nếu để đồng bào sinh sống trên sông bị thiệt hại đến tính mạng do thiên tai gây ra chúng ta sẽ có lỗi với nhân dân”.