Bình Dương triển khai phân loại rác sinh hoạt tại nguồn: Phát huy tối đa các nguồn lực
(TN&MT) - Để đảm bảo các tổ chức, công dân tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 liên quan đến việc phân loại, lưu giữ, tập kết, vận chuyển và xử lý/tái chế chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)... ngày 4/7/2023, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1734/QĐ-UBND về Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2025.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng
Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng CTRSH phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp. Qua đó, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý/tái chế CTRSH đã được phân loại tại nguồn theo quy định.
Kế hoạch trên của UBND tỉnh Bình Dương nêu rõ: Việc thực hiện Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, UBND các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Hội Phụ nữ giữ vai trò then chốt; đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia vào công tác phân loại CTRSH tại nguồn. Còn các cơ quan, đơn vị Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống nhà nước phải tiên phong, gương mẫu thực hiện nghiêm túc việc phân loại CTRSH tại nguồn; đồng thời, tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, hộ gia đình, cá nhân nơi cư trú cùng thực hiện.
Nâng tỷ lệ phân loại tại nguồn
Năm 2023, tỉnh Bình Dương yêu cầu, tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều phải ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế CTRSH phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn và đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại CTRSH tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; đồng thời, quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH trên địa bàn.
Năm 2024, tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển CTRSH từ cấp huyện đến cấp xã; đồng thời, tổ chức triển khai phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải sau khi được phân loại; và đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định; ban hành lộ trình, tần suất và thời gian thu gom, vận chuyển CTRSH tại các khu vực trên địa bàn tỉnh...
Năm 2025, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu: 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đúng theo quy định hiện hành. Trong đó, tỷ lệ CTRSH được phân loại đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt từ 50%; tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý đạt 99%; tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom và xử lý đạt 95%; tỷ lệ CTRSH được tái chế đạt trên 70%.
Kiểm tra, giám sát theo 3 cấp
Việc kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo 3 cấp. Cụ thể, cấp 1 do UBND cấp xã quyết định, thành phần tham gia ưu tiên cán bộ môi trường, tổ trưởng khu phố, tổ dân phố, lực lượng dân phòng, các đoàn thể... có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, giám sát việc phân loại CTRSH tại nguồn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp xã và việc thu gom, vận chuyển CTRSH từ nơi phát sinh đến điểm tập kết/trạm trung chuyển...
Cấp 2, do UBND cấp huyện quyết định, thành phần tham gia ưu tiên Phòng TN&MT, Quản lý Đô thị, đoàn thể, Công an... có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các điểm tập kết/trạm trung chuyển, vận chuyển CTRSH từ điểm tập kết/trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý/tái chế; kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng kiểm tra, giám sát cấp 1 trên địa bàn cấp huyện.
Riêng cấp 3 do Sở TN&MT Bình Dương quyết định, thành phần tham gia là Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở và các cơ quan, đơn vị khác phù hợp; có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh và các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng kiểm tra, giám sát cấp 1 và 2.
Đặc biệt, việc kiểm tra, giám sát của các lực lượng cấp 1, cấp 2 và cấp 3 được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Kết quả kiểm tra, giám sát là cơ sở để đề xuất điều chỉnh nội dung và giải pháp thực hiện công tác phân loại CTRSH trên địa bàn ngày càng được hiệu quả hơn; là cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với các trường hợp chưa đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định và là cơ sở để biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn.
Xác định các nhiệm vụ trọng tâm
Để triển khai thực hiện hoàn thành tốt Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị. Trong đó, Sở TN&MT Bình Dương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Đồng thời, Sở TN&MT hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn theo yêu cầu để đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn đến các sở, ban ngành và các địa phương để tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Cùng với đó, Sở TN&MT Bình Dương phối hợp với các bộ, ban ngành Trung ương, các tỉnh, thành khác và các tổ chức quốc tế để trao đổi, hợp tác và học tập kinh nghiệm trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Từ đó, để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, các địa phương và các đơn vị xây dựng và trình UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy định, quy trình, định mức, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sau phân loại để áp dụng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 kể từ ngày 1/1/2025.
Đồng thời, UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng, phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động về phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn cấp huyện; chủ động và phối hợp hướng dẫn UBND cấp xã dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn cấp huyện, cấp xã đạt hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động liên quan đến công tác phân loại CTRSH tại nguồn; thực hiện các thủ tục đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020...
Định kỳ trước ngày 1/12 hàng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn cấp huyện và có văn bản gửi về Sở TN&MT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Bình Dương. Trong quá trình sơ kết, tổng kết, đánh giá, UBND cấp xã, cấp huyện và Sở TM&MT kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực và thực hiện tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn.