Môi trường

TP.HCM chống tái ô nhiễm kênh rạch

Trấn Vũ 20/07/2023 - 14:07

(TN&MT) - TP.HCM đang nỗ lực giải bài toán chống tái ô nhiễm kênh rạch trước tình trạng nhiều con kênh sau một thời gian được cải tạo đang có nguy cơ ô nhiễm nặng trở lại do rác.

Ước tính mỗi ngày khoảng 16 tấn rác

Hàng chục năm qua, nhiều tuyến kênh lớn ở TP.HCM như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé đã được TP.HCM chi hàng chục ngàn tỷ đồng để cải tạo vệ sinh môi trường nước, chỉnh trang đô thị hai bên bờ kênh. Các dự án này đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị của thành phố, nâng chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tuyến kênh sau nhiều năm cải tạo đã ô nhiễm trở lại.

cong-nhan-nao-vot-rac-tich-tu-tren-rach-song-tan-o-quan-7-tphcm.jpg

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau thời gian cải tạo với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, lòng kênh và cảnh quan hai bên bờ kênh đã thay đổi hẳn, tuy nhiên, đến nay, sau bảy năm, kênh này đã có dấu hiệu tái ô nhiễm khi ngập đầy rác sinh hoạt của người dân.

Rác thải trên các tuyến kênh này chủ yếu là lục bình và rác thải sinh hoạt (túi ni lông, chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt), thậm chí, còn có xác động vật, nhiều loại rác thải cồng kềnh như tủ, nệm, giường, ghế sofa, thùng nhựa...

Các kênh khác như Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tẻ… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo thông tin từ Phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - đơn vị thực hiện vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tân Hóa - Lò Gốm, ước tính mỗi ngày, đơn vị này vớt khoảng 16 tấn rác gồm lục bình và rác sinh hoạt của người dân.

Sử dụng camera kiểm soát, xử phạt nghiêm người xả rác ra kênh

Ngoài những nỗ lực của các đơn vị hằng ngày vớt rác trên kênh, để giảm tình trạng xả rác xuống các tuyến kênh, các địa phương cũng như UBND thành phố đã có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, giảm xả thải ở các tuyến sông, kênh rạch. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng vứt rác xuống sông, kênh rạch.

tn-tphcm-vot-thu-gom-rac-tren-tuyen-rach-thuoc-khu-vuc-cu-lao-nguyen-kieu.png

Về việc vứt rác thải ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Đại diện UBND quận 6 cho biết, nhiều hộ dân sống ven kênh rạch còn thiếu ý thức, thường xuyên đổ rác không đúng nơi quy định, thậm chí đổ luôn xuống kênh. Ngoài ra, cũng có trường hợp người dân địa phương khác đến đổ rác ở một số kênh trên địa bàn.

Thời gian qua, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân không thải bỏ rác xuống kênh rạch, quận 6 cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như tuần tra, giám sát và xử lý những trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định.

Quận có hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời qua nhóm Zalo liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của quận và từng địa phương. Bên cạnh đó, trang bị camera giám sát kết hợp với an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Thời gian tới, quận sẽ đẩy mạnh công tác này để kéo giảm tình trạng đổ rác xuống các kênh rạch…

Còn tại quận 1, đại diện lãnh đạo quận 1 cho biết, thời gian qua, quận 1 cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn việc xả rác ra đường và kênh rạch.

nhom-sai-gon-xanh-lam-sach-kenh-rach.jpg
Nhóm Sài Gòn xanh tham gia làm sạch kênh rạch

UBND quận đã giao UBND 10 phường thực hiện tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến phản ánh của người dân qua tin nhắn, các kênh tương tác trực tuyến, thư điện tử về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch trên địa bàn phường. Đồng thời, UBND các phường cũng phối hợp với công an tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát, ngăn chặn không để tái lặp tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định.

Để giảm tình trạng xả rác xuống kênh rạch, nhiều địa phương đã đẩy mạnh biện pháp xử phạt hành chính hành vi xả rác không đúng nơi quy định bằng cách trích xuất hình ảnh từ các camera.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện chủ động phối hợp với Sở GTVT và Sở Xây dựng rà soát, dự báo lượng rác phát sinh tại các khu vực công cộng để kịp thời điều chỉnh.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện và TP. Thủ Đức cần đẩy mạnh biện pháp xử phạt hành chính bằng cách trích xuất hình ảnh từ các camera trên địa bàn để tăng tính răn đe. Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để đề xuất phương án bố trí, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường để chi bồi dưỡng phụ cấp cho các lực lượng tại địa phương tham gia ngăn chặn các hành vi xả rác, đổ rác không đúng nơi quy định.

Được biết, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai và giám sát việc thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố xanh, sạch và thân thiện với môi trường năm 2023”.

Theo đó, UBND thành phố đặt chỉ tiêu trong năm 2023, các địa phương phải thực hiện và duy trì 100% phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn để tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cần lắng nghe góp ý, hiến kế trong công tác quản lý lĩnh vực môi trường. Các địa phương phải giải quyết 100% các kiến nghị của người dân theo thẩm quyền. Đồng thời, phải vận động 100% cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện ký kết không xả rác ra đường và kênh rạch để giữ gìn môi trường và mỹ quan đô thị.

Trấn Vũ