Biến đổi khí hậu

Đột phá công nghệ để nâng cao chất lượng dự báo

Đình Tiệp (thực hiện) 20/07/2023 - 14:07

(TN&MT) - Do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai ở nước ta nói chung và các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường, đặt ra yêu cầu cao hơn cho công tác dự báo trong mùa mưa bão năm nay, đặc biệt là dự báo tác động phòng tránh thiên tai và nguy cơ sạt lở đất vùng miền núi. Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) Bắc Trung Bộ xung quanh vấn đề này.

anh-1-4-.jpg
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) Bắc Trung Bộ

PV: Xin ông cho biết hoạt động triển khai công tác dự báo thời tiết của Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ và tình hình dự báo thời tiết mùa mưa bão năm 2023 ở khu vực do Đài phụ trách?

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Trước đây, dự báo truyền thống chỉ cho biết thời tiết sẽ như thế nào thì hiện nay, Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ dự báo, cảnh báo dựa trên tác động làm rõ thời tiết sẽ ảnh hưởng gì, gây tác động như thế nào đến khu vực xảy ra thiên tai, từ đó đưa ra các cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai theo Quyết định số 18/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các nhận định về thiên tai có khả năng tác động đến thời tiết khu vực được thảo luận thường xuyên. Các bản tin dự báo, cảnh báo đầy đủ, kịp thời, sát với thực tế và gửi đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, Sở TN&MT, Báo địa phương, Đài phát thanh truyền hình; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị và các trạm KTTV các tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, còn đăng lên website của Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ theo địa chỉ http://dkvbtb.gov.vn. Tuần báo, tháng báo, các báo cáo định kỳ và không định kỳ được chi tiết hóa đến cấp huyện ngày càng nâng cao về chất lượng và đổi mới về nội dung.

Về nhận định mùa mưa bão năm 2023, có thể thấy, hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện. Trong điều kiện đó, nhiệt độ trung bình các tháng sẽ có xu thế cao hơn bình thường (dự báo năm nay cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1oC), nắng nóng nhiều hơn và gay gắt hơn, khả năng trên địa bàn các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.

El Nino với tính chất thường gây thâm hụt lượng mưa với mức phổ biến từ 25 - 50% sẽ khiến nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng toàn khu vực ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là trong các tháng mùa khô năm 2023. Tình trạng ít mưa dẫn đến hạn hán, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 được dự báo sẽ tác động nặng nề tới khu vực Bắc Trung Bộ. Hiện, lượng dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Trung Bộ ở mức thấp hơn so với TBNN từ 10 - 30%, cùng thời kỳ. Mùa lũ năm 2023 trên các sông khu vực Bắc Trung Bộ xuất hiện đúng với quy luật hàng năm. Đỉnh lũ trên các sông khu vực Bắc Trung Bộ có khả năng ở mức từ báo động I - báo động II, có sông trên báo động II.

Bão, áp thấp nhiệt đới xấp xỉ đến thấp hơn TBNN (dự báo năm nay có 2 - 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Trung Bộ), nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo. Mặc dù trong điều kiện El Nino, lượng mưa có xu thế giảm nhưng có thể xuất hiện những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h. (Ví dụ, trận mưa lớn cuối tháng 9/2002 đã gây lũ lớn trên các khu vực, trong đó, ở thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh) đã xuất hiện những cơn lũ lịch sử, đỉnh lũ vượt mức báo động III).

Một số các tỉnh miền Trung do đặc điểm địa hình vùng miền núi rất dốc nên với tình hình thời tiết trong năm 2023 cũng như các năm tiếp theo, khi xuất hiện mưa lớn, nguy cơ rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt là những nơi có tác động lớn của con người như xây dựng đường, khai thác rừng, đốt rẫy…

anh-4.jpg
Trận lũ ống, lũ quét lịch sử xảy ra tại huyện Kỳ Sơn cuối năm 2022 là bài học lớn cho tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung trong công tác phòng, chống thiên tai.

PV: Với dự báo như trên, công tác phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão năm nay cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai như thế nào để hạn chế rủi ro, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Căn cứ vào dự báo tình hình thời tiết, theo tôi, các cơ quan chức năng và địa phương cần triển khai ngay một số giải pháp trong công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão để hạn chế tối đa rủi ro về người và tài sản như:

Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm, đặc biệt như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất… để chủ động phòng tránh.

Sử dụng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, nguy cơ ngập lụt xác định các vùng có nguy cơ cao xảy ra; xây dựng các phương án cụ thể để đối phó; di dời người dân ra khỏi những nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân chủ động phòng tránh;

Chủ động thường xuyên khơi thông dòng chảy khe suối nhằm tránh nghẽn dòng tăng nguy cơ lũ quét (như trận lũ ống, lũ quét xảy ra tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đầu tháng 10/2022)…

PV: Chủ đề Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm nay là “Từ ứng phó đến hành động sớm”. Việc dự báo nhanh, kịp thời, chính xác sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho công tác phòng, chống thiên tai. Những năm gần đây, Đài đã trang bị những thiết bị nào mang tính đột phá để nâng cao chất lượng dự báo, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Những năm qua, công tác cảnh báo và dự báo của Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ được quan tâm, đầu tư cả về chất lượng nghiệp vụ và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Đặc biệt, Đài đã ứng dụng công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến như công nghệ viễn thám và mô hình động lực độ phân giải cao nhằm nâng cao chất lượng cảnh báo/dự báo. Một số công nghệ tiên tiến thường được sử dụng như:

Công cụ smartmet là phần mềm tích hợp các mô hình dự báo thời tiết hạn dự báo lên đến 10 ngày của các trường/biến/tham số từ mực mặt đất lên đến trên cao (gồm: mô hình châu Âu (ECMWF), mô hình của Nhật Bản (GSM), mô hình của NCEP (GFS) và của Canada (GEM). Công cụ là phần mềm biên tập, tích hợp hiển thị số liệu quan trắc: synop, số liệu thám không, vệ tinh, định vị sét…

anh-2-3-.jpg
Trang thiết bị của Đài KTTV Bắc Trung Bộ được đầu tư ngày càng hiện đại để nâng cao chất lượng dự báo

Công cụ hỗ trợ dự báo (CDH) là công cụ hiển thị, tích hợp các số liệu quan trắc tự động, thủ công của các yếu tố như nhiệt, mưa, gió, mực nước… Ngoài ra, đây còn là công cụ tích hợp các mô hình dự báo khí tượng, thủy văn, hải văn; hỗ trợ tạo bản tin thủy văn, hải văn. Hiện nay, công cụ CDH đang dần hoàn thiện để đưa vào sử dụng nghiệp vụ, thay thế các phương pháp truyền thống trong tương lai.

Các mô hình dự báo hải văn như ROM, opendrif, Wavy… do Viện Khí tượng Nauy thiết kế và phát triển, được chuyển giao cho Việt Nam. Sản phẩm này nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam trong việc dự báo, cảnh báo hải văn trên biển như mực nước, thủy triều, sóng, dự báo vật thể trôi…

Radar Vinh - JMA272, ảnh mây vệ tinh Himawari của Nhật dùng để theo dõi, phát hiện kịp thời những hiện tượng khí tượng nguy hiểm quy mô từ vài kilômét vuông, tồn tại dưới vài chục phút (như dông, tố, lốc, mưa đá, ...) đến qui mô hàng ngàn kilômét vuông (các cơn bão siêu mạnh, mưa diện rộng, ...) tồn tại nhiều giờ liên tục.

Phầm mềm hỗ trợ hội thảo trực tuyến là phầm mềm hỗ trợ thảo luận dự báo KTTV trực tuyến đối với Trung ương và 2 đài tỉnh hàng ngày và khi có điều kiện thời tiết nguy hiểm xảy ra, giúp cho dự báo viên nắm bắt được thông tin và nhận định thời tiết hàng ngày, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, có cái nhìn đa chiều hơn về nhận định của các dự báo viên.

Ngoài ra, hiện nay, Đài đang trong quá trình xây dựng công nghệ "nghiên cứu tích hợp lồng ghép các thông tin khí hậu và dự báo thời tiết hạn dài phục vụ phát triển nông nghiệp thông minh khu vực Bắc Trung Bộ" và "Công nghệ dự báo mưa hạn nội mùa từ một số mô hình toàn cầu kết hợp với mô hình thủy văn để phục vụ quản lý nguồn nước, điều tiết hồ chứa cho khu vực Bắc Trung Bộ".

Sự đầu tư công nghệ mang tính đột phá này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự báo, mang lại nhiều ứng dụng hiệu quả trong đời sống và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Đình Tiệp (thực hiện)