Trong nước

Đánh thức tiềm năng và vị thế của Vùng Đồng bằng sông Hồng

Khương Trung 20/07/2023 12:38

(TN&MT) - Để khắc phục được các tồn tại, thách thức trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đề xuất một số nhiệm vụ, đa giải pháp để đánh thức được các tiềm năng lợi thế nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng một cách toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí là trung tâm lan tỏa phát triển và kết nối liên vùng.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng Đồng Bằng sông Hồng (ĐBSH), Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nêu tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng. Đây còn là nơi chứa đựng các giá trị thiên nhiên vô cùng độc đáo với nhiều di sản thiên nhiên đã được thế giới công nhận, các giá trị cảnh quan và dịch vụ hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học.

small_bt-khanh-pb_trung-canh.jpg
Để khắc phục được các tồn tại, thách thức trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề xuất một số nhiệm vụ, đa giải pháp để đánh thức được các tiềm năng lợi thế nhằm phát triển vùng ĐBSH một cách toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí là trung tâm lan tỏa phát triển và kết nối liên vùng.

Quản lý hiệu quả tài nguyên, BVMT, thích ứng với BĐKH

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, với quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với tăng cường quản lý, BVMT, chủ động thích ứng với BĐKH, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên… các địa phương của Vùng cũng như Hà Nội đã tập trung chỉ đạo hiệu quả đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ít phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo các cam kết quốc tế của Việt Nam; Đảm bảo liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên; BVMT và thích ứng BĐKH…

Trong đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đánh giá đúng hiện trạng đất chưa sử dụng trong vùng đã được kiểm soát chặt chẽ, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở dữ liệu đất đai toàn vùng; An ninh, an toàn nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước được bảo đảm, tiết kiệm, sử dụng đa mục tiêu; Huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ vùng ĐBSH chuyển đổi năng lượng và thích ứng BĐKH, trong đó có bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, với chi phí phù hợp và đánh giá chính xác tiềm năng điện gió, điện mặt trời nhằm hỗ trợ chuyển đổi năng lượng; Tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách tại thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các đô thị khác, nhất là rác thải, khí thải, ô nhiễm nước các sông trong nội đô; Tiến hành di dời một số cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành, đông dân cư… Các địa phương xây dựng chương trình thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia để định hướng vị trí, quy mô khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển các khu xử lý rác thải, nước thải và phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng ghi nhận các địa phương của Vùng đã chủ động tập trung rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, pháp luật trong quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, nâng cao hiệu quả thực thi; Các ngành kinh tế biển được thúc đẩy, nhất là du lịch, dịch vụ biển ở Quảng Ninh với khu du lịch trọng điểm quốc gia Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; Thúc đẩy chuyển đổi xanh trong kinh tế hàng hải, công nghiệp ven biển, hình thành các trung tâm công nghiệp xanh thân thiên môi trường ven biển; Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với các Trung tâm nghề cá lớn được đồng bộ trong hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hoạt động trong ngư trường vịnh Bắc Bộ.

Đánh thức tiềm năng và vị thế của Vùng Đồng bằng sông Hồng

small_bt-dang-quoc-khanh-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng Đồng Bằng sông Hồng

Mặc dù công tác BVMT, thích ứng với BĐKH phát triển kinh tế xanh của các địa phương vùng ĐBSH trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận; tuy nhiên theo Bộ trưởng Đặng Quốc khánh, Vùng vẫn tồn tại rất nhiều thách thức.

Do đó, để khắc phục được các tồn tại, thách thức trong công tác quản lý tài nguyên, BVMT cũng như đánh thức được các tiềm năng lợi thế nhằm phát triển vùng ĐBSH một cách toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí là trung tâm lan tỏa phát triển và kết nối liên vùng. Bộ TN&MT đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cần được các Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng điều phối vùng ĐBSH tập trung triển khai trong thời gian tới để hiện thực hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, khẩn trương hoàn thành việc lập Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch này phải bảo đảm liên kết BVMT vùng và liên tỉnh, các lưu vực sông liên tỉnh, các khu vực ven biển liên tỉnh; phương hướng xác lập các khu vực về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học liên tỉnh; phương hướng tổ chức không gian các khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng và liên tỉnh; cơ chế phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý và BVMT trong vùng.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương trong vùng cũng cần sớm hoàn thành phê duyệt quy hoạch tỉnh, trong đó xác định các mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh; xác định rõ các mục tiêu về BVMT để dẫn dắt, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh.

Xây dựng, tổ chức triển khai các chính sách cụ thể phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội - môi trường của địa phương, triển khai quy hoạch môi trường và quy hoạch phát triển mạng lưới quan trắc môi trường (bao gồm cả không khí) làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường; tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác BVMT. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đây cần được xem là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường. Khai thác tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo. Tăng cường kết nối, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Quy hoạch đô thị hóa bền vững, phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về BVMT; chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với BĐKH.

small_toan-canh.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Đối với nhóm giải pháp về BVMT và thích ứng với BĐKH, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng các địa phương của Vùng cần ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải cấp vùng và liên tỉnh có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải. Ban hành các quy chuẩn công nghệ, các quy định về phí dịch vụ môi trường, các cơ chế, chính sách về đất đai, đầu tư,…thu hút các nhà đầu tư trong xử lý, tái chế rác thải, xử lý nước thải; ưu tiên phát triển các công nghệ xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, thân thiện môi trường. Chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; Giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường. Phát huy hiệu quả của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương, mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường ngay từ cơ sở.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng triển khai một số chương trình/dự án trọng điểm nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc hiện nay để có lộ trình thực hiện xong trong 5 -10 năm tới, như: Chương trình/dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các đô thị, trước mắt tập trung cho các đô thị trên các lưu vực sông lớn như: sông Cầu, Nhuệ - Đáy; Dự án tăng cường năng lực, đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường... Lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; phát triển hệ thống trạm quan trắc không khí tự động ở các đô thị lớn; thường xuyên đánh giá, theo dõi, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn; ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường (xe đạp, xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo). Tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, rà soát, hoàn thiện và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cao hơn mức bình quân của cả nước. Kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng đô thị; thực hiện lộ trình di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng.

Tiếp tục tăng cường huy động nguồn lực quốc tế phục vụ cho BVMT và cho việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường, như COP26, JETP. Lồng ghép các nội dung phù hợp với mục tiêu BVMT của vùng ĐBSH trong các cơ chế hợp tác.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng với BĐKH và nước biển dâng. Chú trọng đổi mới công tác vận động, thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án tuần hoàn, dự án phát thải các-bon thấp. Thực hiện kiểm kê khí nhà kính, kiểm soát tốt nguồn phát thải và quản lý chặt chẽ các cơ sở phát thải khí nhà kính. Xây dựng kế hoạch hành động của địa phương triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và triển khai thực hiện.

Để chủ trương đúng đắn đi vào thực tiễn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị cần có các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, các định hướng, dự án ưu tiên với sự đầu tư dẫn dắt của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương, tinh thần hành động của cả hệ thống chính trị, sự sáng tạo, vai trò hạt nhân của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Bộ TN&MT cam kết cùng với các Bộ, ngành, địa phương trong Hội đồng điều phối vùng ĐBSH xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động của Hội đồng; đặt quyết tâm cao hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra của Hội đồng vì sự phát triển nhanh, bền vững, BVMT và bảo đảm quốc phòng - an ninh của Vùng ĐBSH.

Khương Trung