Tiếp bài Khu dân cư mỏi mòn chờ nước sạch ở Hoài Đức, Hà Nội: Đợi vốn xã hội hóa tới bao giờ?
(TN&MT) - Người dân xã Vân Canh và nhiều xã khác thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội phản ánh, mặc dù họ đã đóng đủ tiền để xây dựng hạ tầng nhưng đến nay vẫn chưa được dùng nước sạch. Còn huyện Hoài Đức lý giải, huyện cũng muốn hỗ trợ nhưng không thể dùng tiền ngân sách để xây dựng do hạng mục công trình bắt buộc phải dùng tiền xã hội hóa.
Khu đất dịch vụ 6,9 ha xã Vân Canh được đi vào sử dụng nhiều năm song đến nay khu vực này vẫn không được cấp nước sạch. Bên cạnh đó là hàng loạt bất cập về xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ tại nhiều xã trên địa bàn huyện Hoài Đức, đặc biệt là, khi người dân sống trong tình trạng không điện, không nước suốt thời gian dài mà chính quyền không giải quyết được.
Mới đây, Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng bài viết “Hoài Đức - Hà Nội: Khu dân cư mỏi mòn chờ nước sạch” phản ánh việc người dân khu 6,9ha xã Vân Canh “khát" nước sạch.
Sau khi Báo đăng, người dân xã Vân Canh cảm ơn Quý Báo đã phản ánh đúng thực trạng nhiều năm nay tại địa phương. Không dừng lại ở xã Vân Canh, Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nhận được thông tin phản ánh của nhiều người dân ở xã An Khánh, Lại Yên… huyện Hoài Đức, họ bức xúc về việc chính quyền “đem con bỏ chợ”, khiến người dân sống trong tình cảnh thiếu điện, thiếu nước sạch và hạ tầng lại chưa được hoàn thiện như cam kết của chính quyền, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức, người dân sinh sống tại khu đất dịch vụ xã Lại Yên, huyện Hoài Đức cho biết: “Chúng tôi về ở đây đã lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa có điện và nước sạch, hiện vẫn phải sử dụng nhờ tại khu dân cư bên cạnh. Nhà nào không nhờ được thì phải khoan giếng để lấy nước dùng”. Ông Đức bức xúc: Người dân không được cung cấp nước sạch nên phải tự xây bể chứa và mua máy lọc nước, dù đã qua 3 lần lọc nhưng nước vẫn vàng đục và có mùi tanh. Dù biết nguồn nước không đảm bảo nhưng người dân vẫn phải chấp nhận sử dụng vì không còn lựa chọn nào khác”.
Anh Đỗ T. G. người dân có đất dịch vụ tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức bức xúc: “Toàn bộ người dân thuộc xã An Khánh bị thu hồi hết đất nông nghiệp nên không có việc làm. Khi thấy cán bộ xã, huyện nói đóng tiền sớm thì được nhận đất dịch vụ sớm, nhiều hộ gia đình đã phải đi vay lãi để nộp tiền. Song lúc chúng tôi nhận đất dịch vụ thì điện nước không có, hạ tầng thì chưa hoàn thiện. Dân phản ánh lên chính quyền xã thì họ đẩy lên huyện, dân đem bức xúc lên UBND huyện Hoài Đức thì chính quyền không trả lời”.
Được biết, muốn có điện để dùng, nhiều hộ dân phải dùng chung công tơ điện, khiến giá điện tăng 3- 4 lần. Người dân muốn phản ánh ngành điện để được giải quyết nhưng chưa được xem xét, trong khi chính quyền thì thờ ơ trước nỗi khổ của dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thế Gia – Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Hoài Đức cho biết: Hoài Đức là một trong những huyện có đất dịch vụ 10%. Từ năm 2013, huyện bắt đầu xây dựng hạ tầng đất dịch vụ. Trên địa bàn hiện có 46 khu xây dựng dịch vụ hạ tầng, theo quy định bà con đóng góp 810.000 đồng/m2 (ví dụ như đường, điện, vỉa hè , cây xanh…) trong khi để đủ tiền làm hạ tầng thì phải 3 - 4 triệu đồng/m2.
Ông Gia cho biết thêm, huyện phải chia ra nhiều giai đoạn để thi công hạ tầng. Hiện tại, Tp. Hà Nội vẫn hạn chế tối thiểu trong 810.000 đồng/m2 do đó không thể đủ kinh phí để xây dựng, ngân sách của huyện và Tp. Hà Nội cấp bù mới đủ kinh phí đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, phần nước sạch lại không có trong diện đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Tại Điều 10, Quyết định số 41 năm 2016 của UBND Tp. Hà Nội thẩm quyền đầu tư thuộc cấp thành phố, cấp huyện thì ngân sách không đầu tư mới cấp nước sạch tập trung, do đó sẽ khuyến khích xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này.
Được biết, huyện Hoài Đức có hai đơn vị cung cấp nước sạch là Công ty CP Nước sạch Hà Đông và Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội nhưng phía đơn vị cấp nước chỉ có trách nhiệm cấp nước đến tường rào của dự án. Còn trong khu đất dịch vụ là trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi chủ đầu tư các dự án đất dịch vụ là đơn vị nào? Ông Gia khẳng định: Chủ đầu tư là UBND huyện Hoài Đức, nhưng bây giờ ngân sách thì không được đầu tư, phải chuyển sang xã hội hóa. UBND huyện cũng đã nhiều lần xin ý kiến Thành phố nhưng bắt buộc phải dùng vốn xã hội hóa, vì thế đến nay vẫn phải đợi. Nếu huyện được phép đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thì giờ hạ tầng cũng xong rồi.
Được biết, ngày 20/4/2023 UBND huyện cũng đã mời Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Và Đầu tư, Công ty CP Nước sạch Hà Đông, Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội và các Phòng, Ban của huyện tham gia hội nghị gỡ vướng mắc và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước sạch trên địa bàn.
Theo Thông báo số 1530/TB –UBND ngày 21/4/2023 của UBND huyện Hoài Đức nêu rõ: “Yêu cầu Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội phối hợp với Phòng Quản lý Đô thị, UBND các xã, thị trấn có hạ tầng các khu đất dịch vụ xây dựng kế hoạch chi tiết, khẩn trương thực hiện việc khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng mạng lưới đường ống cấp nước cho các khu đất dịch vụ theo phương hướng nhà đầu tư đề xuất tại hội nghị, xong trong tháng 6/2023”.
Chưa biết kế hoạch đến bao giờ được chủ đầu tư và chính quyền huyện Hoài Đức lập xong, chỉ biết hàng trăm hộ dân đang “khát" nước, "khát" điện.