Xã hội

Cây sâm mang ấm no cho người dân A Lưới 

Văn Dinh 18/07/2023 - 18:24

(TN&MT) - Những tia nắng gắt gao rọi thẳng vào khuôn mặt từng người nông dân ở huyện nghèo A Lưới cũng không khiến họ bận tâm. Họ đang tất bật thu hoạch sâm bố chính. Ai ai cũng hớn hở, cười tươi dù mồ hôi chảy dài trên má. Bởi họ biết rằng, cây sâm đã cho đồng bào dân tộc thiểu số có công ăn việc làm thường xuyên. Dân vùng cao đang rất vui và hạnh phúc, đói khổ dần lùi xa…

Thu nhập ổn định

Một ngày trời nắng oi ả, từ TP. Huế, vượt gần 80 km, chúng tôi đến với huyện A Lưới, huyện nghèo nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế và là một trong những huyện nghèo của cả nước. Xe đi trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đến các xã Quảng Nhâm, Hồng Thượng, thị trấn A Lưới…,hút vào tầm mắt là bạt ngàn những cánh đồng sâm bố chính. Dưới ánh mặt trời, bà con hối hả thu hoạch sâm.

samhue-1.jpg
Những cánh đồng sâm tại A Lưới

Sâm bố chính hay còn gọi là sâm thổ hào, thời xưa từng là loại dược liệu quý để dâng vua, tiến chúa. Nhắc về cây sâm này, người dân A Lưới vui mừng nói rằng, nhờ trồng sâm mà bà con có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo.

Ngồi dưới tán cây rộng lớn, uống ngụm nước chè mát sau khi cả buổi sáng nhổ sâm, anh Hồ Văn Tú (xã Quảng Nhâm) chia sẻ rằng, bà con nơi đây phần lớn nghèo khó, miếng ăn miếng mặc còn thiếu thốn nên chưa bao giờ nghĩ đến việc trồng cây gì lâu dài ở mảnh đất A Lưới này. Cách đây gần 3 năm, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện A Lưới hướng dẫn trồng sâm bố chính, nhưng ai ai cũng dè dặt không dám. Sau đó, 12 hộ dân đầu tiên tại xã mạnh dạn trồng 2 hecta.

“Ban đầu triển khai mô hình, bà con vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa nắm rõ kỹ thuật trồng, nên sản lượng sâm chỉ đạt 50% dự tính ban đầu. Tuy nhiên, do chất lượng sâm cao, nên trừ chi phí đầu vào và nhân công, mỗi sào thu lãi từ 20 - 25 triệu đồng, lãi hơn nhiều so với trồng lúa hay sắn. Quá trình trồng và chăm sóc, bà con thực hiện canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nên dược tính sâm cao, bảo đảm an toàn. Sau đó, chúng tôi tiếp tục trồng với diện tích nhiều hơn, lãi cao hơn”, anh Tú bộc bạch.

samhue-2.jpg
Bà con vùng cao tất bật thu hoạch sâm

Năm nay dù đã 63 tuổi nhưng ông Lê Chiến (trú tổ dân phố 3, thị trấn A Lưới) vẫn miệt mài với việc trồng sâm. Ông bảo rằng trước đây gia đình trồng rau củ, hoa lan gần 20 năm, sau khi biết đến mô hình trồng sâm bố chính, ông mạnh dạn thử nghiệm để tìm ra hướng đi mới cho mình.

“Trồng sâm bố chính đơn giản hơn nhiều hoa, rau, cây lại ít sâu bệnh. Hiện tại tôi đang có 500 m2 sâm bố chính chuẩn bị cho thu hoạch, với mức giá từ 120 đến 150 ngàn đồng/kg sâm tươi, dự tính thu về trên 40 triệu đồng. Ngoài ra, thân, lá, hoa cũng được tận dụng được để bán. So với các loại cây khác, sâm bố chính cho thu nhập cao gấp 3-4 lần”, ông Chiến hồ hởi nói.

Hiện thị trấn A Lưới đã có 15 hộ trồng sâm bố chính, với diện tích trên 3 hecta, cho thu nhập cao. Trên địa bàn huyện A Lưới nay cũng có rất nhiều thanh niên dù gia cảnh khó khăn nhưng đã biết ý thức lao động, tìm tòi những mô hình mới để vừa tạo công ăn việc làm, vừa tăng năng suất lao động, trong đó có trồng sâm bố chính.

samhue-3.jpg
Nhờ sâm bố chính, đồng bào A Lưới từng bước thoát nghèo

Tiếp tục nhân rộng

Ở A Lưới, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đặc biệt là nơi đây có khí hậu mát mẻ, độ ẩm lớn (ban ngày nắng, ban đêm sương mù dày đặc), thích hợp trồng các cây dược tính cao. Thời gian qua, đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình… để giúp A Lưới từng bước giảm nghèo. Và, trồng sâm bố chính đã và đang phát huy hiệu quả.

Bà con vùng cao kể thêm rằng, có sự thật thú vị là nhiều người dân ban đầu không biết về cây sâm này, còn hiểu nhầm là củ sắn, củ đinh lăng hay sâm đất. Và việc trồng sâm có thu nhập ổn định, bền vững là nhờ có đơn vị “tâm huyết” tìm đến thu mua, cam kết đồng hành với sinh kế người dân. Tìm hiểu mới được biết, hơn 2 năm qua, Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đã hỗ trợ về kỹ thuật và đứng ra thu mua với mục đích đảm bảo đầu ra, giúp bà con địa phương yên tâm trong quá trình sản xuất.

samhue-4.jpg
Có đơn vị thu mua, người dân an tâm trồng sâm

Trong quá trình thăm các vườn sâm ở núi rừng A Lưới, chúng tôi đã gặp được chị Hồ Nhật Phương - giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia. Chị Phương cho biết, mô hình trồng sâm bố chính phù hợp với thổ nhưỡng A Lưới, dù còn khó khăn nhưng bước đầu mang lại việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu sổ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao kỹ thuật trồng cây giống, thoát ra khỏi lối canh tác cũ, hướng đến xóa nghèo bền vững. Đơn vị đã và đang hỗ trợ các khâu từ phân bón, làm đất, trồng trọt, thu hoạch, ký hợp đồng liên kết với người dân. Số sâm sau khi thu mua sẽ được chế biến thành các sản phẩm dược liệu như sâm sấy khô, rượu sâm, mứt sâm… Đồng thời, tìm cách liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

“Hiện có 25 hộ đã liên kết với chúng tôi, họ như là những người “kỹ thuật gián tiếp” của đơn vị, tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao quy trình cho những người trồng sâm mới. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu tại huyện A Lưới, giúp bà con thay đổi giống cây trồng và cải thiện kinh tế, làm chủ được vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGap. Đơn vị cũng sẽ hoàn thiện quy trình trồng sâm, phát triển đa dạng sản phẩm, kết hợp du lịch nông nghiệp, xây dựng chuỗi cửa hàng tại các tỉnh, thành”, chị Phương nói.

samhue-5.jpg
Niềm vui của người dân A Lưới khi có thu nhập ổn định

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp A Lưới, mô hình trồng sâm bố chính đã được lãnh đạo tỉnh thường xuyên ghé thăm, biểu dương sự nổ lực cố gắng, chăm chỉ của người dân trong sản xuất. Thời gian tới, với quỹ đất sạch lớn thì mô hình trồng sâm bố chính sẽ tiếp tục được triển khai nhân rộng trên địa bàn, phấn đấu đạt 20 hecta, đưa cây sâm này vào trong dự án dược liệu của tỉnh.

“Điều chúng tôi vui mừng nhất là cây sâm bố chính đã tạo được công việc ổn định cho nhiều lao động tại chỗ. Thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai nhiều dự án công nghệ trên địa bàn huyện A Lưới; trong đó, có dự án trồng sâm bố chính mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có công ăn việc làm, phát triển kinh tế trở thành cánh đồng sâm lớn”, ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN trao đổi.

Xế chiều, trời bỗng đổ mưa nặng hạt, những con đường trở nên khó đi hơn. Chúng tôi rời A Lưới, xe lại băng qua những cánh đồng sâm bát ngát, xa xa là núi rừng trùng trùng điệp điệp. Nhiều cánh tay vẫy chào, ánh mắt tươi rói của bà con khiến người ngồi trên xe cảm thấy vui mừng thay. Hi vọng, khi gặp lại trong thời gian gần nhất, bà con sẽ thật sự “đổi đời”.

Qua rà soát đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện A Lưới là 5.399 hộ, chiếm 38,2%. A Lưới phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%, quyết tâm thoát ra khỏi một trong 74 huyện nghèo nhất toàn quốc giai đoạn 2021 – 2025. Những mô hình như sâm bố chính đã và đang giúp bà con vùng cao A Lưới từng bước cải thiện sinh kế, thoát nghèo…

Văn Dinh