Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
(TN&MT) -Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Công văn về việc đốc thúc các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 năm 2023. Các địa phương cần phải quán triệt hơn nữa Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững năm 2030.
Cả nước vẫn còn hơn 1 triệu hộ nghèo
Tháng 1/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, tỉ lệ nghèo đa chiều (gồm tỉ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ.
Tại huyện nghèo, theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỉ lệ nghèo đa chiều là 55,45%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 538.737 hộ. Cũng tại các địa bàn trên, tỉ lệ hộ nghèo là 38,62%; tổng số hộ nghèo là 375.141 hộ; tỉ lệ hộ cận nghèo là 16,84%; tổng số hộ cận nghèo là 163.596 hộ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2022, cả nước có 1.057.374 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,03% tổng số hộ của cả nước.
Nguyên nhân là do phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định. Việc ban hành văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn chậm ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 ở một số địa phương còn chậm…
Những tháng đầu năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, kinh phí thực hiện Chương trình đã phân bổ là 12.692 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển là 5.400 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 7.292 tỷ đồng. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản hướng dẫn về phạm vi, đối tượng phân bổ vốn Chương trình năm 2023.
Theo số liệu theo dõi của Bộ Tài chính, đến hết tháng 3/2023, tổng vốn đầu tư phát triển Chương trình đã giải ngân là 867,434 tỷ đồng, đạt khoảng 8,7% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Đốc thúc địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu giải ngân vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 năm 2023 đạt kết quả cao nhất, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 227/LĐTBXH-VPQGGN của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Các địa phương cần tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra; kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phấn đấu giải ngân 100% số vốn được giao trong năm 2023 và số vốn năm 2022 được kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2023 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023.
Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền tại địa phương cũng cần tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo các cấp; rà soát danh mục các dự án đầu tư, nội dung hoạt động, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm trọng điểm, công khai, minh bạch...
Đồng thời, rà soát, tổng hợp dữ liệu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, danh mục dự án đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, định kỳ báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan theo quy định. Xây dựng và triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023 trên địa bàn tỉnh, thành phố, bảo đảm thực hiện đúng, đủ quy trình, xác định chính xác đối tượng, bảo đảm quy định về thời gian và hệ thống mẫu, biểu báo cáo.
Đối với các địa phương ban hành chuẩn nghèo riêng, thực hiện rà soát quy định về chuẩn nghèo của địa phương bảo đảm phù hợp theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như: chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý...
Đề xuất mô hình giảm nghèo bền vững
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Thông báo số 2054/TB-BLĐTBXH về việc đăng ký thực hiện dự án, mô hình Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2023.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhu cầu lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo năm 2023.
Cụ thể, căn cứ đề xuất các dự án, mô hình là các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ, ngành hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Đề xuất các dự án, mô hình giảm nghèo về bình đẳng giới: Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và các mục tiêu về giảm nghèo của địa phương.
Hồ sơ đề xuất các dự án, mô hình bao gồm: Văn bản đề xuất thực hiện dự án, mô hình Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo về bình đẳng giới năm 2023; dự án, mô hình dự kiến triển khai thực hiện.
Hồ sơ năng lực của đơn vị đề xuất thực hiện dự án gồm: Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ hoặc giấy phép kinh doanh, hoạt động; tổ chức bộ máy, năng lực tài chính và thông tin liên quan đến năng lực của đơn vị; các hoạt động đã thực hiện liên quan đến dự án, mô hình đề xuất; thông tin liên hệ (email, website, địa chỉ, số điện thoại).
Thời gian thực hiện dự án trong năm 2023 trên phạm vi cả nước, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đối tượng hỗ trợ: Theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình.
Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 giao cho Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo Quyết định số 1376/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023.