Chi Lăng (Lạng Sơn): Tích cực hoàn thành đăng ký đất đai lần đầu
(TN&MT) - Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện kê khai đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh, phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.
Lộ trình triển khai cụ thể
Theo ông Lê Anh Tùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Chi Lăng, từ đầu năm đến nay, huyện đã ban hành 29 văn bản chỉ đạo điều hành tăng cường quản lý nhà nước về đất đai. Tiếp tục triển khai tuyên truyền pháp luật đất đai đến người sử dụng đất bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền tại các buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND huyện; tuyên truyền tại các cuộc làm việc với người sử dụng đất để xác minh, giải quyết đơn thư; triển khai ở các cuộc họp giải phóng mặt bằng thôn, khu phố; thông qua hệ thống tuyên truyền của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện.
Đặc biệt, triển khai kế hoạch đăng ký đất đai lần đầu với người sử dụng đất và người được Nhà nước giao đất để quản lý, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện, phân rõ trách nhiệm cho các phòng, ban, giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn, chi tiết hóa các bước thực hiện... Thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các xã, thị trấn định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả đăng ký đất đai lần đầu.
Phối hợp với Sở TN&MT tổ chức tập huấn đăng ký đất đai cho cán bộ, công chức phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn. Tổ chức 125 cuộc tuyên truyền, triển khai thực hiện đăng ký đất đai với sự tham gia của gần 11.000 lượt người sử dụng đất, tạo sự đồng thuận về nhận thức trong nhân dân về chủ trương thực hiện đăng ký đất đai là bắt buộc. UBND huyện cũng giao Phòng TN&MT thường xuyên tổ chức họp trao đổi, hướng dẫn, giải đáp khó khăn vướng mắc với cán bộ, công chức xã và viên chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ). Kết quả, đến nay, 20/20 xã đã hoàn thành rà soát lập danh sách sơ bộ người sử dụng đất, thửa đất chưa đăng ký đất đai lần đầu.
Dồn toàn lực để hoàn thành kế hoạch
Theo ông Vy Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, xác định đăng ký đất đai lần đầu là nhiệm vụ trọng tâm, UBND huyện đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã quyết liệt triển khai nhiệm vụ này. Tại cấp xã, đã xây dựng kế hoạch chi tiết, thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác chuyên trách từng thôn, bản, triển khai rà soát tất cả các thửa chưa đăng ký, thông báo đến từng người sử dụng đất; vận động, hướng dẫn người dân kê khai từng thửa đất. Phát động phong trào thi đua Đẩy mạnh đăng ký đất đai lần đầu với người sử dụng đất và người được Nhà nước giao đất trên địa bàn huyện.
Thông qua công tác đăng ký đất đai, đã ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, quyền quản lý với thửa đất do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng vào hồ sơ địa chính để cập nhật, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu địa chính, phục vụ công tác quản lý đất đai; tạo thuận lợi trong khai thác thông tin về đất đai.
Tuy nhiên, đến nay, kết quả đăng ký đất đai còn thấp; tiến độ thực hiện rà soát, lập hồ sơ đăng ký đất đai tại cấp xã còn chậm. Hệ thống hồ sơ đất đai trải qua nhiều lần đo đạc, chỉnh lý, nhiều loại bản đồ nhưng hồ sơ lập sau không thống kê, kế thừa đầy đủ hồ sơ lập trước, dẫn đến có sự chênh lệch, sai sót nên khó thống kê, xác định được thửa đất chưa đăng ký. Phần lớn người dân chưa xác định được chính xác thửa đất chưa được đăng ký đất đai lần đầu, cấp Giấy chứng nhận (GCN) của gia đình mình trên bản đồ địa chính dạng số và dạng giấy.
Đáng lưu ý, hiện nay, đất đai trên địa bàn các xã còn nhiều trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất từ trước mà không thông qua chính quyền địa phương; nhiều thửa đất đang tranh chấp; tự ý san lấp, đổ đất... gây khó khăn cho việc đề nghị đăng ký, kê khai ở cấp xã.
Đặc biệt, để khắc phục những hạn chế này, huyện đã triển khai các tổ công tác gồm công chức, viên chức của Phòng TN&MT, Chi nhánh VPĐKĐĐ, VPĐKĐĐ tỉnh, công chức địa chính cấp xã tập trung thực hiện xoay vòng trên địa bàn các xã vào ngày cuối tuần.
Với việc tổ chức thực hiện như vậy, tại mỗi xã, vào mỗi ngày cuối tuần, có khoảng 20 người vững về chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp làm việc với người sử dụng đất để lập hồ sơ đăng ký đất đai ở cấp xã, việc thực hiện sẽ xoay vòng trên địa bàn 20 đơn vị cấp xã.
6 tháng đầu năm, huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn xây dựng lộ trình xử lý vi phạm về đất đai tồn tại từ trước; xử lý nghiêm các vi phạm phát sinh mới về lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất... Qua đó, đã ban hành 15 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai với tổng tiền phạt trên 260 triệu đồng. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc đăng ký đất đai, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Kết quả, số lượng hồ sơ thực hiện tăng lên nhiều, cùng với đó, việc công chức địa chính cấp xã tham gia hỗ trợ trên địa bàn xã khác cũng sẽ học hỏi, đúc rút được kinh nghiệm để triển khai trên địa bàn cấp xã mình phụ trách. Chỉ trong 4 ngày triển khai trên địa bàn xã Chiến Thắng, xã Vân Thủy trong tháng 6, số lượng hồ sơ hoàn thành ở cấp xã là 1.502 hồ sơ, bằng 1/3 tổng số hồ sơ cấp xã thực hiện được trong 5 tháng đầu năm.
Phấn đấu hết năm 2023, kết quả đăng ký đất đai đạt 50% số thửa chưa đăng ký trở lên, hiện nay, huyện đang tiếp tục dồn các nguồn lực để hoàn thành đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ lần đầu. Tiếp tục kiểm tra, rà soát GCNQSDĐ đã cấp không đúng quy định sau đo đạc bản đồ địa chính để thực hiện thu hồi, đo đạc, cấp lại.
Bên cạnh đó, rà soát các thủ tục hành chính về cấp GCN theo hướng đơn giản hóa thủ tục. Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm các trường hợp sử dụng đất nhưng không thực hiện đăng ký, vi phạm pháp luật đất đai. Tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về đất đai, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện quản lý đất đai trên địa bàn huyện.