Đất đai

Thừa Thiên – Huế: Nhiều vướng mắc trong lĩnh vực đất đai

Văn Dinh 17/07/2023 - 15:58

(TN&MT) - Nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về dữ liệu đất đai, một số dự án đang triển khai thực hiện nhưng chưa được giao đất hay nguồn thu sử dụng đất thấp so với kế hoạch, đó là những vướng mắc trong lĩnh vực đất đai đang tồn tại ở tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế khóa VIII vừa diễn ra giữa tháng 7/2023, nhiều câu hỏi về lĩnh vực đất đai đã được đại biểu nêu ra.

Cụ thể, hiện nay tại Thừa Thiên – Huế, nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về dữ liệu đất đai, quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ do việc xác định nguồn gốc sử dụng đất mất rất nhiều thời gian. Số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chỉ đang đạt dưới 10% theo kế hoạch giao; các khoản thu tiền sử dụng đất dự án, thu tiền sử dụng đất 1 lần không thu được, ảnh hưởng đến nguồn thu sử dụng đất của tỉnh. Ngoài ra, một số dự án đang triển khai thực hiện nhưng chưa được giao đất do đó không thể thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân như dự án Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1, Khu nhà ở An Đông, Khu đô thị Phú Mỹ An...

1(3).jpg
Nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về dữ liệu đất đai

Trả lời những vướng mắc trên, ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, nhằm triển khai có hiệu quả công tác kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhanh chóng phối hợp giải quyết vướng mắc về thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành trình tự thủ tục thực hiện khai thác, cung cấp dữ liệu địa chính phục vụ công tác kêu gọi dự án đầu tư trên địa bàn. Đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai đã cung cấp dữ liệu đất đai cho 25 dự án, với diện tích 5.121 ha để phục vụ lập dự án kêu gọi đầu tư.

Đối với công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, đến nay đã thực hiện cho toàn bộ diện tích đất tự nhiên của tỉnh, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, tỷ lệ 1/500 là 2.657 ha, tỷ lệ 1/1000 là 47.108 ha, tỷ lệ 1/2000 là 105.865 ha, tỷ lệ 1/5000 là 2.048 ha, tỷ lệ 1/10000 là 337.032 ha.

“Hiện nay, Sở TN&MT đã xây dựng hoàn thành Dự án tăng cường quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG) và đưa vào vận hành trên Hệ thống quản lý đất đai VBD.Lis từ ngày 20/5/2023. Còn lại 48% thửa đất chưa được kê khai đăng ký đất đai nên gặp khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng”, ông Phúc thông tin.

Về lý do các thửa đất chưa có thông tin thuộc tính, theo ông Phúc bởi người được quản lý, sử dụng đất chưa thực hiện kê khai đăng ký do đất có tranh chấp; đất giao trái thẩm quyền; vướng mắc về thừa kế; đất tự khai hoang sau thời điểm được cấp giấy chứng nhận và không phù hợp quy hoạch; đất lâm nghiệp các lâm trường bàn giao lại cho địa phương để giao lại cho dân chưa được đo đạc thực tế; chồng lấn ranh giới giữa người dân với các công ty lâm nghiệp và ban quản lý, đặc biệt là vấn đề quy chủ đối với dải đất lâm nghiệp ven biển.

Nhằm khắc phục các tồn tại, Sở TN&MT sẽ chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện kê khai đăng ký đất đai theo quy định đến từng thửa đất và tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu địa chính, Sở trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mỗi thửa đất phải xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng; đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các loại giấy chứng nhận được cấp theo các loại bản đồ không chính quy, chưa kết nối với cơ sở dữ liệu không gian địa chính hiện có. Triển khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức đồng loạt, thay vì từng hộ gia đình, cá nhân phải đi làm riêng lẻ khi có nhu cầu như hiện nay. Theo đó, Chi nhánh Văn phòng Đất đai các huyện, thị xã, TP. Huế phối hợp với Phòng TN&MT, UBND các xã, phường, thị trấn để thực hiện đo đạc, hướng dẫn kê khai đăng ký, thẩm định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dung đất tập trung theo từng thôn, tổ, khu phố.

2(3).jpg
Nguồn thu sử dụng đất ở Thừa Thiên – Huế đang gặp khó

Liên quan đến thu tiền sử dụng đất, ông Phúc cho hay, số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện tính đến ngày 30/6/2023 là 134,6 tỷ đồng, đạt 7,23% kế hoạch UBND tỉnh giao. Nguyên nhân là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, một số quỹ đất phân lô trong kế hoạch thu tiền sử dụng đất có vị trí không thuận lợi, diện tích mỗi lô cũng tương đối lớn, mặc dù đã thông báo đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá như Khu biệt thự Quốc lộ 1A - Tự Đức (48 lô), Khu Bàu Vá giai đoạn 2 (5 lô).

“Thời gian tới, tiếp tục bám sát và thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp theo Kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2023 được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 24/02/2023; Tiếp tục thông báo và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất phân lô tại các khu quy hoạch; đồng thời đôn đốc thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu giá đối với quỹ đất mới tiếp nhận và quỹ đất đấu giá thực hiện dự án. Nghiên cứu xem xét điều chỉnh phương án giá đối với các khu đất đã thông báo 3 lần nhưng không có người tham gia đấu giá...”, ông Phúc cho hay.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh, lĩnh vực đất đai là lĩnh vực khó, Quốc hội cũng đang tập trung để sửa đổi Luật Đất đai với rất nhiều phiên họp, rất nhiều vấn đề còn tồn tại. Vì thế công tác về xác định giá đất, giao đất… phải làm hết sức kĩ lưỡng, chúng ta cũng cần phải thông cảm với ngành TN&MT.

“48% thửa đất chưa được kê khai đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh là rất lớn, đây là trách nhiệm không riêng gì Sở TN&MT mà còn là trách nhiệm của các xã đến huyện, cần phải có kế hoạch cụ thể, tập trung rà soát lại để tăng tỉ lệ cấp đất, nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn xảy ra việc thất thoát… Việc thu tiền sử dụng đất thì cần tập trung tháo gở các khó khăn, vướng mắc. Đề nghị ngành TN&MT và các ban ngành liên quan tập trung giải quyết nhanh, sớm về vấn đề đất đai để hỗ trợ cho các nhà đầu tư…”, ông Lưu chỉ đạo.

Văn Dinh