Môi trường

Quản lý và sử dụng hiệu quả tiền hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải

Phạm Oanh 14/07/2023 - 17:59

(TN&MT) - Thực hiện quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương hoàn thiện và sớm ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, việc ban hành Thông tư này là cần thiết để quy định chi tiết khoản 5 Điều 82, khoản 5 Điều 85 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nhằm quản lý, sử dụng số tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

z4483821683214_e6663ac06c82c2726479488bd66a77ea.jpg
Tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu được sử dụng công khai, minh bạch, đúng mục đích. 

Theo dự thảo, Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế và xử lý chất thải gồm 05 Chương với 29 Điều và 10 mẫu biểu kèm theo, với những nội dung chính như: Quy định nguyên tắc quản lý và sử dụng tiền đóng góp để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải; Quản lý và sử dụng tiền đóng góp để hỗ trợ tái chế: Quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải; Quản lý và sử dụng chi phí quản lý hành chính; Công khai thông tin và kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải…

Trong đó, hoạt động quản lý và sử dụng tiền đóng góp để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải phải tuân theo nguyên tắc sau: Việc quản lý và sử dụng tiền đóng góp để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích và phải tuân theo Quy chế này; không sử dụng tiền đóng góp cho các mục đích khác ngoài quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Tiền đóng góp để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải phải được hạch toán, phân loại và sử dụng theo đúng quy định tại Quy chế này. Tồn dư nguồn tài chính của năm trước chưa sử dụng hết được chuyển sang năm tiếp theo để sử dụng theo Quy chế.

Tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, sau khi trích chi phí quản lý hành chính theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, được phân loại, theo dõi, tổng hợp và sử dụng để hỗ trợ tái chế theo từng phân nhóm sản phẩm, bao bì quy định tại cột 2 Phụ lục XXII phần Phụ lục kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (sau đây gọi là phân nhóm sản phẩm, bao bì); trường hợp tiền hỗ trợ tái chế của phân nhóm sản phẩm, bao bì trong năm hỗ trợ chưa sử dụng hết thì Hội đồng EPR quốc gia xem xét, quyết định phân bổ để hỗ trợ tái chế phân nhóm sản phẩm, bao bì khác.

Tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải, sau khi trích chi phí quản lý hành chính theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, được phân loại, theo dõi, tổng hợp và sử dụng để hỗ trợ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (sau đây gọi là xử lý chất thải rắn sinh hoạt) và hỗ trợ thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (sau đây gọi là xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật).

Tiền đóng góp để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải phải được giải ngân kịp thời để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải. Phần tiền đóng góp khi chưa giải ngân được gửi tại các ngân hàng thương mại có uy tín; không gửi tại ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Chi phí quản lý hành chính được hạch toán chung để chi cho hoạt động quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý hành chính phải đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành các chế độ quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu một số hàng sản phẩm, hàng hoá phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, hàng hoá chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải.

Phạm Oanh