Tài nguyên nước

Quảng Bình: Không để bà con miền núi thiếu nước sinh hoạt

Thanh Tùng 14/07/2023 - 17:57

(TN&MT)  - Đang ở cao điểm mùa khô hạn, nhiều bà con ở khu vực vùng núi tỉnh Quảng Bình đang bị thiếu nước hoặc phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Nhiều giải pháp đã được chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh đưa ra nhằm giải "cơn khát", giúp bà con yên tâm sản xuất và sinh hoạt.

Thiếu nước, thiếu công trình nước sạch

Nhiều năm nay, người Arem, người Ma Coong, ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình dùng nguồn nước suối để ăn uống, sinh hoạt. Ngay đầu mùa nắng nóng năm nay, những khe suối bắt đầu cạn dần.

Nhà chị Y Nâu, ở bản Nịu, xã Thượng Trạch bên cạnh con suối Cà Roòng. Giờ suối đã trơ đáy, lổn nhổn đá hộc, đá cuội. Sáng sớm, chị Y Nâu cùng bà con bản Nịu phải xách thùng, xách xô, đi bộ quãng đường khá xa, ngược lên thượng nguồn tìm suối để lấy nước về sử dụng. Đường xa, chị Y Nâu chỉ đủ sức mang theo can nhỏ loại 10 lít, vì vậy, mỗi ngày chị phải đi lấy nước 3- 4 lần. “Bà con không có nước sử dụng thì đi chỗ này chỗ khác để tìm nguồn nước về dùng hằng ngày, không đảm bảo vệ sinh, ô nhiễm”, chị Y Nâu nói.

Khe Chun chảy ngang đầu bản Coóc, ở xã Thượng Trạch luôn là nơi có nguồn nước dồi dào. Giờ đây thì khe cạn dần, người dân lấy đá ngăn thành đập nhỏ giữa lòng suối để giữ nước. Thế nhưng, chỉ còn là một vũng nước, ngập bắp chân người, đục ngầu không còn dùng để ăn uống được. Nếu muốn lấy nước uống thì phải đi vào lúc sáng sớm, hoặc để cho lắng bớt bùn đất mới lấy được nhưng cũng không đảm bảo vệ sinh. “Tôi ở đây hơn 20 năm rồi, bà con chỉ biết múc nước suối sử dụng thôi. Chưa bao giờ thấy khô hạn như năm nay”, ông Hồ Đảng, ở bản Coóc nói.

anh-1(2).jpg
Nhiều diện tích đất canh tác phải bỏ hoang vì thiếu nước. Ảnh: Thanh Hiếu

Nắng gắt, những cơn gió phơn Tây Nam càng khiến cho vùng cao huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình thêm oi ả. Nhiều nơi trong huyện vẫn chưa có công trình nước sạch tập trung, một số xã có công trình cấp nước nhưng xuống cấp, hư hỏng ngưng hoạt động nhiều năm nay. Người dân phải tự khoan giếng để lấy nước nhưng nguồn nước vẫn rất ít ỏi, không đảm bảo sinh hoạt.

Xã Sơn Hóa là xã tiếp giáp thị trấn Đồng Lê nhưng đến nay chưa có công trình nước sạch sinh hoạt. Người dân chủ yếu sử dụng nước giếng đào, giếng khoan nhưng nguồn nước đã cạn. Giếng đào của gia đình bà Nguyễn Thị Sang ở thôn Bắc Sơn nằm bên cạnh khe nước. “Giếng đào rồi lát đá ở phía dưới rồi lấy nước từ khe, nước cũng không được sạch lắm. Nhưng điều kiện bây giờ đang khó khăn, muốn khoan 1 cái giếng nhưng lại chưa có tiền, thôi đành uống tạm nguồn nước này. Giờ nếu có điều kiện thì muốn khoan giếng nước để uống nước cho sạch sẽ”, bà Sang nói.

Về mùa khô hạn, nếu giếng đào cạn thì người dân dùng chung giếng khoan, mua nước bình để ăn, uống; còn tắm giặt, sinh hoạt thì sử dụng nước khe suối, nước sông Gianh. Ông Bùi Minh Cần, thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, trước đây, giếng đào luôn có nước để dùng, những năm gần đây, chưa đến mùa hè thì giếng đào cạn nước. 3 gia đình gần nhau góp vốn khoan giếng nhưng về mùa nắng hạn phải bơm rất lâu, rất nhiều lần mới đủ nước sinh hoạt. Nhà nào cũng mất hàng chục triệu đồng khoan giếng, có hộ phải khoan nhiều lần mới được, riêng gia đình ông Cần đã khoan đến cái giếng thứ 3 mới có nước. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng mùa này thì không thể canh tác, làm trang trại chăn nuôi lớn vì không có nước, mùa hè cây cối cháy khô, vụ hè - thu cũng không trồng lúa được, đành bỏ đất hoang.

Trong gần 1.200 hộ dân xã Sơn Hóa thì 80% số hộ đối diện nguy cơ thiếu nước sạch trong mùa nắng nóng. Nơi đây địa hình đồi dốc, dân cư thưa thớt. Khi xây dựng công trình nước sạch thì đường ống nối về các hộ dân rất dài, cần kinh phí lớn. Hiện khoảng 40 ha đất nông nghiệp sẽ phải bỏ hoang trong vụ hè - thu. “Hầu hết người dân đều thiếu nước trong những tháng hè, thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước tưới tiêu cho sản xuất. Trong tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, tiêu chí về nước sạch cực kỳ khó khăn, rất khó để đạt được tiêu chí này”, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa cho biết.

Ngoài Bố Trạch và Tuyên Hóa, thống kê cho thấy, huyện Lệ Thủy cũng có hơn 2.000 hộ dân đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn. Trong đó có 2 xã là Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc ở ven biển, có hơn 500 hộ dân phải dùng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng.

Sớm đưa các công trình cấp nước vào sử dụng

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Bình có địa hình hẹp và dốc từ phía Tây sang phía Đông. 85% tổng diện tích tự nhiên là đồi núi. Toàn bộ diện tích được chia thành các vùng sinh thái cơ bản: Vùng núi cao, vùng đồi và trung du, vùng đồng bằng, vùng cát ven biển. Quảng Bình nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Hàng năm, tỉnh chịu nhiều tác động của các loại hình thiên tai, trong đó có hạn hán vào mùa khô. Những năm qua, các cơ quan ban ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ.

Nhằm kịp thời giải “cơn khát” nước sạch cho người dân xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, cuối tháng 6/2023, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cồn Roàng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình đã vận dụng các nguồn hỗ trợ và trích kinh phí đơn vị để đầu tư khoan nhiều giếng nước dẫn về tận bản làng cho bà con sử dụng. “Thấy bộ đội biên phòng khoan giếng cho dân, bà con trong bản phấn khởi lắm. Sắp tới có nước giếng khoan để sử dụng, bà con rất cảm ơn bộ đội biên phòng, đỡ khổ rồi”, chị Y Nâu, bản Nịu, xã Thượng Trạch phấn khởi cho biết.

anh-2(2).jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cồn Roàng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình đưa nước sạch về cho bà con xã Thanh Trạch. Ảnh: Thanh Hiếu

Bản Coóc, xã Thượng Trạch nằm ngay bên cạnh đồn biên phòng nên bộ đội đã làm đường ống nối với bể chứa nước của đơn vị cho dân sử dụng. Đồn cũng khoan một giếng nước tại bản Coóc và đây là giếng nước thứ 5 triển khai trong năm nay. Đến nay, hầu hết các cụm bản trên địa bàn xã Thượng Trạch cơ bản đủ giếng khoan để có nước hợp vệ sinh cho bà con sinh hoạt. “Chúng tôi đã vận dụng tất cả các nguồn, vừa các nguồn nước tự chảy, vừa sử dụng các giếng khoan, thì cơ bản trong vòng một tháng nữa, toàn bộ 8 bản ở xã Thượng Trạch sẽ có nguồn nước sạch để sử dụng, phục vụ đời sống sinh hoạt của bà con”, Trung tá Thái Nam Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết.

Mỗi giếng đều có máy bơm, bơm nước lên bồn chứa để từ đó dân bản đến lấy về dùng. Kinh phí thực hiện mỗi công trình khoảng 70 triệu đồng, do bộ đội trực tiếp thi công, quản lý, hỗ trợ vận hành và khi người dân biết cách sử dụng thì chuyển giao cho bản. Hiện, máy bơm sử dụng điện mặt trời, nhưng do nguồn điện không ổn định cho nên hoạt động cấp nước không được thường xuyên, đơn vị quyết định chuyển sang tặng máy phát điện dùng xăng. Dự kiến mỗi hộ sẽ đóng góp 5.000 đồng/tháng để mua xăng chạy máy phát điện phục vụ bơm nước sinh hoạt.

Còn tại huyện Tuyên Hóa, nơi có nhiệt độ cao nhất tỉnh Quảng Bình trong mùa hè, theo số liệu thống kê, hiện có 4 xã chưa có công trình nước sạch tập trung gồm Sơn Hóa, Lê Hóa, Ngư Hóa và Thanh Thạch. Các xã còn lại cũng đối mặt hạn hán. Nằm sát sông Gianh nhưng mùa hạn nguồn nước bị xâm nhập mặn, không thể bơm lên để tưới tiêu, việc gieo trồng đành trông cậy vào nguồn nước từ “trời”. Phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện tượng thiếu nước cục bộ thường xảy ra trên địa bàn, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã khuyến cáo bà con sử dụng nước hợp vệ sinh, sử dụng nước tiết kiệm trong thời điểm nắng nóng kéo dài. Tích nước tại các hồ để đảm bảo sản xuất vụ hè- thu, tuyên truyền bà con chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa thiếu nước sang các loại cây trồng khác.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, ngành đã rà soát trữ lượng tất cả các hồ đập chứa nước trên địa bàn, tính toán kỹ các phương án nhằm đảm bảo nước tưới, nước sinh hoạt. Tuy nhiên, những thời điểm nắng nóng gay gắt có thể xảy ra tình trạng hạn cục bộ. Theo ông Mai Văn Minh, đối với các công trình nước sạch phục vụ người dân, rất cần sự đầu tư của Nhà nước và nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp; việc đầu tư các nhà máy có quy mô lớn cần đáp ứng phục vụ nhu cầu liên xã, không nên đầu tư manh mún, làm giảm hiệu quả sử dụng sau đầu tư.

Ngày 6/7/2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 1330/KH-UBND về triển triển khai các phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn năm 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước có nguy cơ kéo dài vào cuối vụ hè - thu, trước mắt các cơ quan đơn vị sẽ tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch, đồng thời phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi với các tổ chức, cá nhân, hộ dùng nước và bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng; thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước đang bị xuống cấp để đảm bảo cấp nước phục vụ người dân; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình cấp nước, kịp thời phục vụ dân sinh trong mùa khô hạn.

Thanh Tùng