Quảng Ninh: Đảm bảo an ninh nguồn nước góp phần giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Những năm gần đây, do thời tiết có những diễn biến cực đoan, hạn hán kéo dài, nước trong các hồ chứa ở Quảng Ninh cạn kiệt, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Do vậy, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần đảm bảo sản xuất, sinh hoạt, tạo sinh kế giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước
Trước những tác động tiêu cực của thời tiết, tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài dẫn đến mực nước ở nhiều hồ chứa nước ở Quảng Ninh bị cạn kiệt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Theo ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: Xác định tầm quan trọng của tài nguyên nước, những năm qua, Quảng Ninh đã chủ động rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định về sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ có hiệu quả tài nguyên nước, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đưa Quảng Ninh về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo.
Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đã làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm các nguồn nước, hồ điều hòa trong các khu vực dân cư, đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn như Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí. Đồng thời làm gia tăng nguy cơ ngập lụt tại các khu vực trũng, khu vực có hệ thống thoát nước kém và các khu vực thuộc lưu vực sông Ba Chẽ, Tiên Yên, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở các huyện miền núi.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Tràng Lương, TX.Đông Triều cho biết: Với trên 70% dân số là đồng bào DTTS, nhiều năm qua, người dân ở địa phương vẫn sử dụng nguồn nước tự chảy từ các khe, suối, và giếng khoan nên chất lượng vệ sinh nguồn nước khó đảm bảo. Mặc dù trên địa bàn xã nhiều suối, khe, nhưng vào mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, việc lấy nước rất khó khăn và tốn kém vì phải mua ống dẫn nước, nên ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn.
Chị Trần Thị Bình, ở thôn Linh Tràng, xã Tràng Lương cho biết: Nhờ nguồn nước từ đập thủy lợi, nên các chân ruộng ở đây luôn được quay vòng trồng 2 vụ lúa và xen với sản xuất vụ đông trồng rau màu, hoa, nên đem lại nguồn thu nhập ổn định. Mong muốn của gia đình cũng như bà con trong xã sớm có hệ thống cung cấp nước sạch, đảm bảo chất lượng để người dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước đã góp phần đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân sinh hoạt và sản xuất, nhất là đồng bào vùng DTTS ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vươn lên trong cuộc sống, hướng tới thoát nghèo bền vững, lâu dài.
Để duy trì và đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung đầu tư xây mới nhiều hồ, đập chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tiến hành sửa chữa, nâng cấp 39 hồ chứa, 36 đập dâng, 6 trạm bơm, cải tạo hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước đảm bảo đồng bộ, phù hợp với kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên khu vực, giai đoạn 2026-2030 sửa chữa, nâng cấp 25 hồ chứa, 20 đập dâng, 47 trạm bơm.
Giữ nguồn nước tạo sinh kế bền vững
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, trong thời gian tới tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng Hệ thống giám sát của tỉnh và được tích hợp vào Hệ thống quan trắc môi trường tự động của tỉnh. Trong đó giám sát các thông số theo quy định, cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát, bao gồm: thông tin giấy phép tài nguyên nước dùng chung của trung ương và địa phương; tập hợp các thông tin, số liệu đo đạc, quan trắc của công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các thông tin, dữ liệu khác phục vụ giám sát.
Cùng với đó, để đảm bảo cho việc đáp ứng nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt “Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, từ nay đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp và xây mới các hồ chứa nước ngọt. Dự kiến, giai đoạn 2026- 2030, Quảng Ninh tiếp tục đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tập trung đầu tư xây dựng thêm các trạm cấp nước sạch, cải tạo, nâng cấp, mở rộng mạng lưới ống dẫn nước ở khu vực đô thị cũng như nông thôn, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân được dử sụng nguồn nước sạch. Đây cũng là mục tiêu nằm trong lộ trình mà Quảng Ninh đang hướng tới đó là nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9%, trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt trên 70%.
Hệ thống công trình thủy lợi không ngừng được đầu tư, hoàn thiện đã góp phần bảo đảm nguồn nước tưới cho trên 59.000ha sản xuất nông nghiệp, hơn 32.000ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ trên địa bàn tỉnh. Đây là động lực quan trọng để người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS ở các huyện miền núi, ven biển phát huy lợi thế nguồn nước để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Ngọc Thái Hoàng cho biết thêm: Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm các cụm công trình nước sinh hoạt tập trung tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS nhằm giải quyết căn cơ đối với những khó khăn về nước sinh hoạt, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đồng bào nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm, bảo vệ tốt nguồn nước, tích cực trồng, bảo vệ rừng tại các khu vực rừng đầu nguồn.