Xã hội

Quảng Ngãi: Phát triển thuỷ sản bền vững tạo sinh kế cho người dân ven biển

Võ Hà 14/07/2023 - 17:48

Sở hữu nhiều diện tích mặt nước sâu ở khu vực biển, cửa sông nghề nuôi trồng thuỷ sản đang trở thành hướng đi mở ra nhiều tiềm năng cho người dân ven biển Quảng Ngãi vừa có sinh kế bền vững vừa tham gia tích cực bảo vệ đa dạng tài nguyên biển.

Những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn đã giúp hàng chục hộ dân ở huyện đảo có công ăn việc làm, tăng thu nhập. Mô hình nuôi cá bớp thương phẩm bằng lồng bè trên biển đang được xem là mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, thu hút nhiều hộ dân tham gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

2ab1f3b265d2a78cfec3.jpg
Mô hình nuôi nhum sọ ở huyện đảo Lý Sơn vừa tạo sinh  kế bền vững vừa nhằm cân bằng hệ sinh thái

Anh Đặng Văn Thành, cho hay, gia đình anh bắt đầu nuôi cá bớp lồng bè trên biển từ năm 2017, loại cá này thời gian nuôi ngắn, vốn đầu tư không quá cao mà giá cá thương phẩm lại ổn định ở mức cao. Nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.

“Bây giờ chính quyền đã quy hoạch một khu nuôi trồng riêng, đồng thời hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo hệ thống xử lý nước thải chung, thu gom rác quanh lồng bè để tránh ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái nên hiệu quả tăng rõ rệt. Nếu trung bình mỗi kg cá thương phẩm đầu tư hết 100.000 đồng thì mỗi con cá bán ra có trọng lượng 5 - 6kg cũng lãi từ 400.000 - 500.000 đồng”, anh Thành cho hay.

Bên cạnh mô hình nuôi cá bớp thương phẩm, hiện người nuôi trồng thủy sản ở huyện đảo đang có nhu cầu nhân rộng mô hình nuôi nhum sọ, nhằm đa dạng hóa các loại vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững hơn. Hiện nhum thành phẩm có giá bán tại Lý Sơn khoảng 300.000 đồng/kg. Còn nếu bán cho khách du lịch thì thường để nguyên con với giá 20.000 đồng/con.

quangngai2.jpg
Nuôi trồng thuỷ sản ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Bên cạnh chi phí thấp, giá bán cao, một trong những ưu điểm vượt trội của nuôi nhum sọ so với các loại thủy sản hiện tại được nuôi tại vùng biển Lý Sơn, là nếu có biến động về thị trường, người nuôi có thể nuôi lâu hơn mà không sợ thua lỗ. Nhận thấy tính hiệu quả của mô hình nuôi nhum sọ, hiện một số hộ dân đã tự mua giống về thả nuôi, với mong muốn hướng đi mới này sẽ là cơ hội để họ tiếp tục gắn bó, phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Trung – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết: “Mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ với mục đích phát triển kinh tế gắn với bảo tồn nhum tự nhiên. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế bền vững từ việc nuôi nhum thương phẩm thì cần sản xuất được nhum giống. Nếu không, khi người dân nuôi nhum đại trà sẽ gây áp lực lên nguồn nhum ngoài tự nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên đảo.”

Còn tại huyện xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), người dân đã tận dụng mặt nước sông Bài Ca đoạn qua xã Tịnh Kỳ để nuôi cá lồng bè. Những loài thủy sản được bà con ở đây chọn nuôi như: cá bè vẩu, cá dìa, cá hồng... trong đó, hiệu quả nhất là cá bè vẩu.

Ông Võ Tùng (xã Tịnh Kỳ) đang nuôi cá bè vẩu với diện tích 150m2. Loại cá này dễ nuôi, sức tăng trưởng mạnh, chi phí thức ăn ít. Mật độ thả con giống 25 con/m3, sau 8 tháng thả nuôi bắt đầu thu hoạch, trọng lượng cá đạt 700-900gam. Với giá 160.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu về khoảng 100 triệu đồng.

“Trước đây gia đình nuôi tôm trên cát nhưng do dịch bệnh nên hiệu quả không cao, giờ nuôi cá lồng bè ổn hơn mà không tốn nhiều công chăm sóc, cá lại ít dịch bệnh. Không chỉ vậy, việc sử dụng bè để nuôi cá trên sông còn khá thuận lợi, khi mưa lũ có thể neo lại để bè nổi theo con nước hoặc đưa cá vào thả tạm ở các ao, hồ”- ông Võ Tùng chia sẻ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, tỉnh Quảng Ngãi hiện có rất nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản trên sông, trên biển, các hồ chứa nước, hồ thủy lợi mang lại hiệu quả cao. Nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và tạo sinh kế bền vững cho người dân, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi xác định mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo hướng công nghiệp, hiện đại, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2045, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa, là một bộ phận quan trọng trong ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và sản lượng nuôi của tỉnh.

Võ Hà