Sóc Trăng: Thực hiện chính sách đất đai góp phần giảm nghèo bền vững
(TN&MT)- Trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng.
PV: Ông có thể cho biết việc triển khai các chính sách liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua như thế nào? Kết quả đạt được ra sao?
Ông Ngô Thái Chân:
Đất đai có liên quan đến hầu hết các lĩnh vực và mọi hoạt động của con người, đồng thời là nguồn lực quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do vậy để phát huy hiệu quả nguồn lực này, trong thời gian qua Sở TN&MT đã tập trung tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền nhằm cụ thể hóa những quy định theo yêu cầu của Luật Đất đai và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành và tình hình thực tiễn ở địa phương. Ví dụ như các văn bản quy phạm pháp luật nổi bật liên quan đến giá các loại đất; bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; diện tích tối thiểu tách thửa đất; đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai để tích hợp vào quy hoạch đến năm 2030 cấp tỉnh và lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025. Đến nay, quy hoạch tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 chuẩn bị trình Bộ TN&MT thẩm định. Đối với cấp huyện, tính đến nay quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất của 11 huyện, thị xã, thành phố đã được lập và phê duyệt đầy đủ, đúng quy định.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển, từ năm 2015 đến hết năm 2022, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định cho 190 tổ chức thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đồng thời Sở tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, qua đó đảm bảo các quyền và trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Tính lũy kế tháng 6/2023, tỉnh Sóc Trăng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu được 283.871,81 ha, đạt tỷ lệ 99,97% so với tổng diện tích cần phải cấp.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng, Sở TN&MT luôn quan tâm triển khai thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, qua đó vừa bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho người có đất bị thu hồi, vừa tạo mặt bằng sạch giao cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các công trình, dự án đúng theo thời gian đã đề ra, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;...
PV: Đất đai đã và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững như thế nào đối với tỉnh Sóc Trăng, thưa ông?
Ông Ngô Thái Chân:
Đến nay, diện tích tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đưa vào khai thác, sử dụng đạt trên 99,8%, qua đó đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời thông qua công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án trong thời gian qua cũng đã tạo ra nhiều công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, thông qua công tác giao đất, cho thuê, các doanh nghiệp đã triển khai một số dự án sản xuất ra các loại hàng hóa như may mặc, nuôi trồng, chế biến thủy sản... vừa làm tăng giá trị xuất khẩu, vừa đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Nếu như năm 2017, nguồn thu thuế từ đất được 187,4 tỉ đồng thì đến năm 2021 đã tăng lên 367,5 tỉ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng giúp địa phương tái đầu tư cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Không chỉ thế, trong những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, Sở TN&MT đã và đang tham gia tích cực trong việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các đối tượng được thụ hưởng từ các chương trình này để góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
PV: Thưa ông, để phát huy nguồn lực đất đai cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới Sở TN&MT sẽ tập trung thực hiện những giải pháp gì?
Ông Ngô Thái Chân:
Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai; đẩy mạnh công tác cải các hành chính, áp dụng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và sử dụng phần mềm 01 cửa điện tử trong luân chuyển hồ sơ; thực hiện cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai đạt mức độ 3 - 4; đồng thời tập trung hiện đại hóa hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, phấn đấu đến năm 2025 sẽ thực hiện hoàn thành dự án tổng thể về xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai để tích hợp vào dự liệu chung của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Sở TN&MT cũng sẽ xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đầy đủ, kịp thời đúng quy định làm cơ sở pháp lý cho công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tham gia công tác hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các đối tượng được thụ hưởng từ các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, đất đai là lĩnh vực hết sức nhạy cảm và phức tạp, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, do đó Sở TN&MT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình khai thác, sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai.
Ngoài ra, để giúp cho công tác quản lý đất đai ngày càng hiệu quả, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng mong muốn trng thời gian tới các Bộ, Ngành Trung ương quan tâm xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng những ngành, lĩnh vực có sử dụng đất thì lấy Luật Đất đai làm trung tâm, qua đó khắc phục sự chồng chéo giữa Luật Đất Đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư trong quá trình sử dụng đất; đồng thời, ban hành kịp thời các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!