Nghiên cứu mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu bằng hóa phẩm VPI SP
Ngày 12/7/2023, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia đã họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghiệp và đánh giá hiệu quả thực tế giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho một đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long”.
Đề tài có mã số ĐTĐL.CN-28/19 do TS. Nguyễn Minh Quý làm chủ nhiệm, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) chủ trì thực hiện. Nhóm tác giả đã nghiên cứu khảo sát hiện trạng công trình biển tại khu vực thử nghiệm; thiết kế và cải hoán hệ thống thiết bị đáp ứng yêu cầu phục vụ thử nghiệm. Hệ thống thiết bị được thực hiện chạy thử, nghiệm thu đáp ứng các tiêu chí an toàn , chất lượng và tương thích với hệ thống sẵn có với các thông số: Áp suất làm việc tới 500 atm; công suất làm việc lên tới 5.024 thùng/ngày; không tương tác với hóa phẩm, nước bơm ép và chịu được ăn mòn.
VPI đã phối hợp với Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” thực hiện bơm ép toàn bộ 100 tấn hóa phẩm VPI SP vào giếng 1609/BK16 an toàn và hiệu quả, sau đó giếng được đưa trở lại làm việc và duy trì chế độ làm việc ban đầu; xây dựng kế hoạch, theo dõi chỉ số làm việc giếng, lấy mẫu chất lưu tại khu vực thử nghiệm định kỳ và thực hiện phân tích nhằm đánh giá tính chất và hiệu quả tương tác của hóa phẩm giúp tăng cường thu hồi dầu…
Hội đồng nghiệm thu đánh giá rất cao các kết quả đã đạt được của Đề tài, đặc biệt là kết quả thử nghiệm công nghiệp hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP tại giếng 1609/BK16 mỏ Bạch Hổ. Kết quả tính toán sơ bộ sau 6 tháng kể từ khi sử dụng hóa phẩm VPI SP cho thấy giải pháp này mang lại hiệu quả tích cực.
Động thái khai thác các giếng trong khu vực thử nghiệm cho thấy hệ hóa phẩm vẫn đang tiếp tục có hiệu ứng tích cực, giúp gia tăng thu hồi dầu trong thời gian tới (dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm). Nhóm nghiên cứu của VPI đã xây dựng phương án công nghệ, đánh giá hiệu quả kinh tế khi áp dụng hệ hóa phẩm VPI SP cho đối tượng Miocene trên phạm vi toàn mỏ Bạch Hổ, đồng thời đề xuất cơ chế ưu đãi khuyến khích áp dụng các giải pháp IOR/EOR, xem xét áp dụng công nghệ bơm ép hóa phẩm VPI SP với quy mô lớn (toàn mỏ) hoặc các khu vực, đối tượng tiềm năng nhằm gia tăng hệ số thu hồi dầu.
Theo ý kiến của các chuyên gia, có thể mở rộng phạm vi ứng dụng giải pháp công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu bằng hóa phẩm VPI SP do VPI nghiên cứu và phát triểncho các đối tượng khai thác trong mỏ Bạch Hổ cũng như các mỏ dầu khí đang khai thác tại bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam. Nghiên cứu này càng có ý nghĩa khi các mỏ dầu ngoài khơi có điều kiện nhiệt độ và áp suất vỉa cao, tính chất phức tạp về cấu trúc địa chất, mức độ bất đồng nhất của vỉa chứa, hàm lượng khoáng hóa trong nước vỉa cao… trong khi các sản phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu trên thế giới chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc số ít sản phẩm có thể sử dụng được nhưng lại có giá thành cao.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Trần Đình Kiên cho biết Hội đồng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu. Đây là đề tài mang tính ứng dụng và thực tiễn cao, Hội đồng kiến nghị VPI tiếp tục phát huy, hoàn thiện kết quả thương mại hóa công nghệ sản phẩm và nhất trí nghiệm thu đề tài đạt các yêu cầu đề ra.
Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức đại diện đơn vị chủ trì cảm ơn các ý kiến góp ý của Hội đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho nhóm tác giả trong quá trình triển khai nghiên cứu này. Đây là nghiên cứu đầu tiên VPI thực hiện theo 1 chu trình khép kín từ phòng thí nghiệm, sản xuất hóa phẩm ở quy mô pilot và ứng dụng thử nghiệm thực tế, với mục tiêu thu được tài nguyên của đất nước hiệu quả hơn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng. Dựa trên kết quả đã thu được, VPI và Vietsovpetro đang tích cực trao đổi và nghiên cứu nhằm mở rộng quy mô áp dụng cho đối tượng Miocene toàn mỏ Bạch Hổ và đối tượng tiềm năng khác.
“Nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghiệp và đánh giá hiệu quả thực tế giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho một đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long” là đề tài thứ 3 trong Cụm nhiệm vụ cấp Quốc gia Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho VPI chủ trì thực hiện. Kết quả nghiên cứu từ đề tài này đã giúp VPI giành giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2022 với cụm công trình “Nghiên cứu, lựa chọn giải pháp và phát triển, ứng dụng công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu cho đối tượng trầm tích lục nguyên của các mỏ dầu tại bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”.