Bất động sản

Rục rịch thị trường bất động sản vùng ven: Nhà đầu tư chờ “bắt đáy”

Thục Vy 13/07/2023 - 12:43

(TN&MT) - Hiện tại, phân khúc đất nền vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận vẫn là sản phẩm được nhiều nhà đầu tư (NĐT) quan tâm, bất chấp thị trường bất động sản (BĐS) đang rơi vào trầm lắng. Mặc dù chưa có nhiều NĐT thật sự xuống tiền, đây vẫn là sản phẩm mà họ muốn có trong danh mục đầu tư của mình.

Nhu cầu vẫn lớn

Thời gian qua, thị trường BĐS tại phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng gần như “đóng băng”, kéo theo đó là thanh khoản cũng giảm. Đặc biệt, giao dịch đất nền hiện đang chững lại ở hầu hết các địa phương, đi kèm là giá chào bán phân khúc này cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, đất nền không hoàn toàn bị các NĐT ngó lơ. Ngược lại, đây vẫn là loại hình ưu tiên số một trong danh sách “bắt đáy” BĐS từ nay đến cuối năm 2023 của nhóm các NĐT có vốn lớn.

a1.-du-an-bds.jpg
Hiện nay, phân khúc đất nền của dự án BĐS tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang chịu áp lực giảm giá nhưng đây lại là cơ hội để các NĐT “bắt đáy”

Báo cáo về phân khúc đất nền và căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận của DKRA Group cho thấy, tháng 5/2023, tỷ lệ tiêu thụ đất nền đã tăng rõ nét so với các tháng trước đó. Cụ thể, trong 572 nền đất được đưa ra, đã tiêu thụ được 139 nền. Tuy giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng mạnh so với 3 tháng trước đó. Giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở các sản phẩm có giá trung bình dưới 15 triệu đồng/m2. Song, thanh khoản thị trường vẫn chưa đạt nhiều tín hiệu tích cực.

Theo số liệu từ Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm mua đất nền vùng ven TP.HCM vẫn đang rất lớn, nhất là ở nhóm đầu tư tài chính vừa phải. Các sản phẩm đất nền quanh mức 1 - 2 tỷ đồng trở thành tài sản dễ thanh khoản nhất lúc này. 5 tháng đầu năm 2023, giá đất nền rao bán tại nhiều địa phương đã giảm từ 20 - 30% ở các giao dịch thứ cấp và ít nhất 5 - 10% ở nguồn hàng sơ cấp nếu so với thời điểm đầu năm 2022, mức giảm phổ biến từ 100 triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi nền, thậm chí có nơi giảm sâu gần 40 - 50% với những khu vực đã từng “sốt đất” thời gian qua.

Cẩn trọng “bắt đáy”

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, mặc dù giao dịch thị trường BĐS nói chung, phân khúc đất nền nói riêng có giảm nhưng nếu đất nền ở những khu vực có hạ tầng, tiện ích tốt hay cạnh khu công nghiệp thì mặt bằng giá sẽ ổn định và sẽ có dư địa tăng giá. Thời điểm hiện tại, đất nền nhiều khu vực đang có mức thanh khoản giảm sau giai đoạn tăng “nóng” nhưng về dài hạn, NĐT vẫn sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đối với dòng sản phẩm này, bởi đất nền vẫn được đánh giá là phân khúc có lợi nhuận lớn và dễ đầu tư hơn so với phân khúc khác.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ giờ đến cuối năm 2023, thị trường BĐS nói chung và phân khúc đất nền nói riêng vẫn sẽ khó khăn, vì đây là giai đoạn các NĐT "nằm im nghe ngóng". Tuy nhiên, đến đầu năm 2024, thị trường BĐS sẽ bắt đầu hồi phục. Có thể trong giai đoạn đầu của sự hồi phục, sản phẩm BĐS sẽ ít có biến động về giá bán nhưng các giai đoạn sau thì rất khó nói. Nếu NĐT “bắt đáy” thời gian này là tốt nhất, bởi ở những khu vực có hạ tầng, tiện ích tốt, giá đất sẽ không giảm nhiều, thậm chí có dư địa tăng, vì thế, NĐT nên biết lúc nào và bao nhiêu là phù hợp để không đánh mất cơ hội này.

Ở góc nhìn của chuyên gia, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư BĐS Việt An Hòa nhận định, thời gian tới, giá BĐS các địa phương vùng ven TP.HCM nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc giảm trong biên độ hẹp. Ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM, như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có thể giảm giá 5 - 15% trong các tháng tới; các vùng xa hơn sẽ giảm giá mạnh hơn. Dù đang gặp nhiều khó khăn, BĐS vẫn đang là nơi “trú ngụ” tốt nhất của dòng tiền; đặc biệt, trong bối cảnh thanh khoản xuống thấp, nhiều NĐT buộc phải giảm giá bán để thoát hàng, đây là cơ hội để các NĐT có tiềm lực tài chính mạnh có thể “bắt đáy”.

Theo các chuyên gia kinh tế, để giảm thiểu rủi ro khi “bắt đáy” BĐS, các NĐT cần chọn những lô đất có giá mua thấp hơn giá thị trường trước khi có “sốt đất”, giao thông thuận lợi, vị trí giáp sông, hồ hoặc gần chợ với phương châm: "Nhất cận thị, nhì cận giang". Ngoài ra, các NĐT cũng cần lưu ý đến 4 yếu tố, bao gồm: Thông tin quy hoạch, tiềm năng tăng giá của khu vực, sự hiện diện của các chủ đầu tư lớn và diễn biến thị trường BĐS trong các năm trước đây. Đặc biệt là cần tránh “bánh vẽ” của các môi giới, mua nhầm sản phẩm BĐS “cắt lỗ” nhưng thực tế giá vẫn quá cao.

Thục Vy