Biến đổi khí hậu

Huyện Điện Biên xây dựng phương án phòng chống thiên tai

Hoàng Châu 13/07/2023 - 11:19

(TN&MT) - Xác định công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm, huyện Điện Biên đã chủ động xây dựng nhiều phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng cho công tác PCTT-TKCN sát với tình hình thực tế trên địa bàn theo phương châm 4 tại chỗ.

Ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Là huyện chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai nên hàng năm huyện luôn chỉ đạo các phòng, ban cấp huyện, xã lồng ghép các nội dung PCTT vào quy hoạch kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Đồng thời để việc lồng ghép phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế lẫn PCTT, huyện đã tiến hành lồng ghép một số công trình PCTT quan trọng kè bảo vệ khu dân cư và các khu vực sạt lở, khu vực sạt lở bờ sông có biển báo, cảnh báo đảm bảo an toàn đường bộ vào mùa mưa bão…

Năm 2022 do ảnh hưởng của của rét đậm, rét hại mưa lũ kèm theo gió lốc dẫn đến ngập úng, gây thiệt hại 188,048ha lúa, rau màu các loại, 105 con gia cầm, gia súc. 02 nhà bị tốc mái. Chiều dài kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng 162,21m. 01 đập thủy lợi bị sạt lở hư hỏng. 14 điểm giao thông bị sạt lở, chiều dài nước sinh hoạt bị hư hỏng L=1,5km…ước thiệt hại 7.378 triệu đồng.

a1.jpg
Trận mưa kèm giông lốc xảy ra vào tháng 5/2023 đã gây thiệt hại nặng về nhà cửa, hoa màu của người dân xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.

Với mục tiêu nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, các đơn vị trên địa bàn huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCTT; rà soát, bổ sung phương án PCTT-TKCN sát thực tế, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện. chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm….

Đồng thời xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra, tập trung chủ yếu các loại hình thiên tai bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét…trong đó tuyên truyền, thông báo trên các phương tiện truyền thanh về dự báo cảnh báo thời gian có khả năng xuất hiện thiên tai, thời tiết nguy hiểm, đôn đốc Nhân dân chằng chống nhà cửa, chuồng trại, sơ tán các hộ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do thiên tai đến nơi an toàn, cắt tỉa cành cây bảo vệ gia súc, gia cầm, lồng bè thủy sản…

a2.jpg

Chỉ đạo người dân thu hoạch sớm hoa màu, lúa, thủy sản để giảm thiểu thiệt hại. Hướng dẫn thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào các tuyến đường ngập sâu, các cống ngầm qua đường, khu vực có nguy cơ sạt lở. Thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy. Đồng thời xác định các khu vực nguy hiểm do các loại hình thiên tai gây ra trên địa bàn, xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai để phục vụ công tác chỉ huy PCTT-TKCN và cảnh báo người dân. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ công tác PCTT, tổ chức lồng ghép trong các chương trình, dự án địa phương, nâng cao kiến thúc và kỹ năng PCTT cho Nhân dân. Cùng với đó là tổ chức các đợt diễn tập ở quy mô cấp xã ứng phó với tình huống cấp độ rủi ro thiên tai.

Có thể thấy, thời tiết ngày càng diễn biến bất thường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường nên ngoài sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, người dân cũng cần phải nâng cao ý thức chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT chủ động chuẩn bị các vật tư, phương tiện có thể để đối phó hiệu quả trước mọi tình huống. Với các hộ dân sinh sống ở vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, cần nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, sẵn sàng di dời bất cứ lúc nào để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Hoàng Châu