Tài nguyên

Thừa Thiên – Huế: Giải “cơn khát” nước sạch cho người dân

Văn Dinh 11/07/2023 - 17:05

(TN&MT) - Giữa tháng 7/2023, dưới cái  nắng nóng như thiêu đốt, có mặt tại nhiều thôn bản ở huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên - Huế), nhất là tại các xã Lâm Đớt, A Roàng, Hương Phong, Trung Sơn… mới thấu hiểu nỗi khổ “khát nước” của người dân. Hàng trăm hộ dân bất đắc dĩ phải dùng nước lấy từ khe suối dù biết không đảm bảo vệ sinh để làm nước sinh hoạt...

Nhiều năm qua, huyện miền núi A Lưới đã được nhà nước quan tâm với nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên đời sống kinh tế của người dân vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và vẫn là một trong những huyện nghèo của cả nước. Người dân đa phần là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, gia đình đông con, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào việc làm nương rẫy. Việc thiếu nước sạch cũng là nỗi khổ của bà con miền núi này. Một số thôn có hệ thống nước tự chảy sử dụng nguồn nước khe suối, qua các công trình đập thủy, bể lọc, bể chứa và cấp về cho các hộ dân. Tuy nhiên, qua một thời gian dài sử dụng, do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, hệ thống cấp nước đã bị xuống cấp trầm trọng, hư hỏng gần như hoàn toàn.

nuocsachhue-1.jpg
Nhiều thôn bản ở A Lưới vẫn đang “khát” nước sạch

Tại xã A Roàng, ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm, bà con đã phải rủ nhau khiêng những chậu quần áo nặng trịch, xuyên qua cánh rừng keo tới một con suối vắng hay một vũng nước lớn để giặt giũ, tắm rửa. Hôm nay cũng vậy, càng về trưa, lượng người đổ về ngày một đông hơn... Lau giọt mồ hôi trên má sau khi kiếm được một thùng nước từ suối để mang về nhà, ông Hồ A Vin (thôn Kalo, xã A Roàng) nói rằng, vào mùa mưa, bà con phải sử dụng các vật dụng để hứng nước mưa, còn mùa hè thì phải đến khe suối để xách từng can nước mang về nhà phục vụ cho sinh hoạt. Đường lên khe suối thì cách nhà nhiều cây số, quá vất vả. Nếu đi muộn, trâu, bò xuống tắm làm đục suối, nguồn nước không dùng được…

“Hiện nay, nắng nóng kéo dài nên trên đầu nguồn khô cạn nhiều quá, đi kiểm tra nước tự chảy là không sử dụng được. Việc sử dụng nước trời khiến gia đình tôi cũng như người dân cảm thấy lo lắng, không rõ ô nhiễm, bệnh tật không. Hi vọng nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn các công trình nước sạch, để cho bà con có đủ nước dùng, khỏi phải đi xa…”, ông Vin bộc bạch.

nuocsachhue-2.jpg
Người dân phải lấy nước từ các khe suối

Chủ tịch UBND xã A Roàng - Hồ A Lua cho biết, nhiều năm qua, được sự giúp đỡ của các cấp Đảng ủy và chính quyền địa phương nên đời sống của người dân ở địa bàn xã đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, hiện khó khăn nhất là hơn 700 hộ dân sinh sống tại 7 thôn của xã đang bị thiếu nước sạch nghiêm trọng. Chỉ tính riêng tại thôn Kalo, có gần 100 hộ dân với hơn 360 nhân khẩu hàng ngày phải vượt nhiều cây số đi lấy nước tại các khe suối trên núi. Dù đường núi dốc hiểm trở nhưng người dân vẫn phải cố gắng mang từng can nước suối về nhà.

Đến xã Lâm Đớt, việc thiếu nước sạch cũng tương tự như trên. Bà Hồ Thị Gái (thôn Ba Lạch, xã Lâm Đớt) cho hay, tại thôn, công trình nước tự chảy được dẫn từ khe suối xây dựng năm 2014 đến nay đã xuống cấp nhiều điểm. Đặc biệt, trong giai đoạn khô hạn như hiện nay công trình cung cấp nước rất hạn chế, chỉ khoảng 7-8 hộ dân ở đầu nguồn là có nước sử dụng, nên nhiều hộ cuối nguồn rất khó khăn khi không có nước sinh hoạt. Bà con mong muốn được đầu tư làm mới đập đầu nguồn và đường ống để có nước sử dụng...

Được biết, để giải quyết nỗi lo thiếu nước sạch cho người dân ở A Roàng, thông qua chương trình “Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương” của Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam, huyện A Lưới đã thực hiện nâng cấp công trình cấp nước sạch, thi công hệ thống đường ống cấp nước mới, sử dụng đầu nối tuyến D90 HDPE của nhà máy cấp nước Thừa Thiên-Huế để đưa nước sạch về tận nhà cho hơn 50 hộ dân ở thôn Kalo.

nuocsachhue-3.jpg
Nhiều thôn ở A Lưới vẫn đang mong chờ nước sạch để sinh hoạt, sản xuất, qua đó từng bước thoát nghèo

Theo lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO), hiện một số khu vực ở miền núi trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hệ thống cấp nước hoàn chỉnh. Tại huyện miền núi A Lưới có 8 nhà máy nước hoạt động và 1 nhà máy nước dự phòng với tổng công suất 7.000m³/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 70,4% dân số với hơn 9.000 hộ dân. Trong đó nhà máy nước Tà Rê trước đây do UBND huyện A Lưới quản lý và sau đó được nâng cấp, cải tạo. Thế nhưng, do suối Tà Rê thường bị khô cạn vào mùa hè dẫn đến nguồn nước sạch cấp cho người dân ở miền núi A Lưới bị thiếu hụt vào những ngày cao điểm nắng nóng.

“Để đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định và nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tại huyện miền núi A Lưới, đơn vị đang triển khai điều chỉnh quy hoạch cấp nước cho khu vực huyện A Lưới đến năm 2025. Trong đó, xây dựng nhà máy nước A Lin công suất 1.000m3/ngày đêm; nhà máy nước A Sáp công suất 1.000m³/ngày đêm. Giai đoạn tiếp theo sẽ nâng công suất 2 nhà máy nước này để phục vụ cấp nước sạch cho hơn 1.700 hộ dân ở các xã Hồng Vân, Trung Sơn và hơn 2.000 hộ dân tại xã Hương Phong và Lâm Đớt. Qua đó giúp người dân ở miền núi A Lưới vơi bớt nỗi lo thiếu nước sạch mỗi khi mùa hè đến”, ông Lê Quang Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị HueWACO cho biết.

Rời A Lưới khi trời đã tối, chúng tôi cũng yên tâm hơn phần nào khi  tới đây cơ quan chức năng sẽ có nhiều dự án hơn nữa để cấp nước sạch cho đồng bào vùng cao, đúng như điều họ mong mỏi… Chia tay những người dân chân chất nơi vùng cao A Lưới, tôi thấy trong ánh mắt họ như đang rưng rưng một niềm hi vọng, hi vọng sẽ có nguồn nước sạch để bớt lo toan và tập trung chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế…

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới là 5.399 hộ, chiếm 38,2%. A Lưới phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%, quyết tâm thoát ra khỏi một trong 74 huyện nghèo nhất toàn quốc giai đoạn 2021 – 2025

Văn Dinh