Đổi mới công tác cấp GCN quyền sử dụng đấtMở rộng nhiều trường hợp được cấp Giấy chứng nhận
(TN&MT) - Thời gian qua, vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) rất được người dân và doanh nghiệp quan tâm và mong mỏi được cơ quan Nhà nước cấp GCN để được bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo Luật Đất đai đã sửa đổi nhiều quy định để tháo gỡ.
Đã cấp được trên 97,6% GCN lần đầu
Ông Mai Văn Phấn - Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai cho biết, trong những năm qua, công tác đăng ký đất đai, cấp GCN đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai. Đến nay, cả nước đã cấp được trên 97,6% diện tích được cấp GCN lần đầu, kết quả này đã góp phần tích cực trong việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, đồng thời tạo nền tảng kỹ thuật cơ bản và thông tin đầu vào chính xác cho công tác quản lý đất đai ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, là cơ sở quan trọng để quản trị thị trường bất động sản minh bạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Mặc dù, công tác cấp GCN đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng so với yêu cầu của người sử dụng đất và công tác quản lý về đất đai, vẫn còn những hạn chế nhất định như: việc tổ chức thi hành pháp luật tại một số địa phương chưa nghiêm; còn tình trạng tự đặt ra các thủ tục, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết còn kéo dài so với quy định. Đặc biệt, vẫn còn có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong thực thi công vụ; né tránh, sợ trách nhiệm trong giải quyết thủ tục cấp GCN, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Nguyên nhân của tình trạng này là do đất đai có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp, nhạy cảm; chế độ quản lý và sử dụng đất trải qua nhiều thời kỳ, quy định không đồng bộ và thống nhất; công tác quản lý đất đai tại địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong một số thời điểm chưa được quan tâm sâu sát, chưa kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm và việc chấp hành pháp luật về đất đai của người sử dụng đất chưa cao.
Mở rộng nhiều trường hợp được cấp GCN
Ông Phấn cho biết, từ những tồn tại và nguyên nhân nêu trên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế và hoàn thiện chính sách về cấp GCN. Cụ thể, thứ nhất, Dự thảo đã có quy định bắt buộc người đang sử dụng đất và người được giao quản lý đất phải thực hiện việc đăng ký đất đai với cơ quan Nhà nước. Kết quả của việc đăng ký là cơ sở để Nhà nước quản lý và căn cứ để xem xét cấp GCN, người sử dụng đất được ghi nhận vào Hồ sơ địa chính.
Thứ hai, mở rộng thời gian xem xét giải quyết cấp GCN cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất đến trước năm 2014 để giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất do cha, ông để lại nhưng không có giấy tờ và không vi phạm pháp luật về đất đai.
Thứ ba, bổ sung cho phép UBND cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 ngoài các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định trong Dự thảo Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn ở địa phương để giải quyết cấp GCN cho người sử dụng đất.
Thứ tư, về phân định thẩm quyền cấp GCN, Dự thảo tách bạch giữa việc xác lập tính pháp lý và cấp GCN lần đầu do cơ quan Nhà nước thực hiện; cấp GCN khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất do cơ quan chuyên môn thực hiện, theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai cấp GCN cho tổ chức, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp GCN cho cá nhân, cộng đồng dân cư và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Thứ năm, bổ sung quy định mở rộng thời gian xem xét cấp GCN cho người đang sử dụng đất được giao trái thẩm quyền đến trước ngày Luật này có hiệu lực, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp người sử dụng đã nộp tiền tại thời điểm giao đất để được sử dụng đất, đồng thời phải đáp ứng điều kiện đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và ngay tình của người sử dụng đất.
Thứ sáu, hoàn thiện, bổ sung quy định để cấp GCN cho các loại hình bất động sản mới nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng công năng của công trình xây dựng trên đất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của xã hội như: chung cư kết hợp văn phòng, căn hộ du lịch, căn hộ khách sạn… theo hướng công trình được tạo lập trên loại đất nào (đất ở hoặc đất thương mại, dịch vụ; sản xuất kinh doanh) thì chế độ và thời hạn sử dụng đất khi cấp GCN được xác định theo loại đất được giao.
Để đảm bảo tính khả thi khi chính sách mới về cấp GCN có hiệu lực thi hành, Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về một số nội dung cụ thể như: quy định về hình thức nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN bao gồm cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đều có giá trị pháp lý như nhau để người sử dụng đất thuận tiện, linh hoạt lựa chọn cho phù hợp với điều kiện cụ thể.
Trong số 97,6% diện tích được cấp GCN lần đầu thì đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 93%, đất lâm nghiệp đạt trên 98%, đất nuôi trồng thủy sản đạt trên 87%, đất ở nông thôn đạt trên 96%, đất ở đô thị đạt trên 98%, đất chuyên dùng đạt trên 87%, cơ sở tôn giáo đạt trên 83%.
Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm của người sử dụng đất, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan về nội dung của từng loại giấy tờ trong thành phần của hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính nhằm bảo đảm bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch.
Tái cấu trúc các quy trình về cấp GCN, trong đó, quy định cụ thể về trách nhiệm và thời gian của các cơ quan có liên quan khi giải quyết thủ tục cấp GCN.
Cuối cùng, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, liên thông, chia sẻ dữ liệu có liên quan như thuế, dân cư, ngân hàng, công chứng, xây dựng... để sử dụng dữ liệu dùng chung khi giải quyết hồ sơ cấp GCN. Đồng thời, tạo công cụ để cơ quan quản lý và người dân kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết hồ sơ cấp GCN.