Đất đai

Đổi mới công tác cấp GCN quyền sử dụng đất: Vĩnh Phúc sẵn sàng cho đổi mới

Việt Hải 11/07/2023 - 09:40

(TN&MT) - 3% là tỷ lệ chậm muộn thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tính đến tháng 6/2023.

1.png

Ông Nguyễn Kim Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết, việc quyết liệt hạ chỉ tiêu chậm muộn cùng với nỗ lực đạt và vượt chỉ tiêu đã tạo đà để Vĩnh Phúc sẵn sàng tiếp nhận những quy định mới trong lĩnh vực này khi Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện, có hiệu lực thi hành.

Chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống

Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực đất đai trên địa bàn Vĩnh Phúc, biểu hiện rõ nét ở kết quả cấp GCN. Cải cách TTHC đã rút ngắn quy trình, thời gian xử lý hồ sơ, đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng. Công tác tiếp nhận, cấp GCN cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp, mang lại hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2.-giam-doc-chi-nhanh-van-phong-dang-ky-dat-dai-huyen-tam-duong-cao-thanh-liem-cung-nhan-vien-xu-ly-ho-so-tren-he-thong.jpg
Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tam Dương Cao Thanh Liêm cùng nhân viên xử lý hồ sơ trên hệ thống

Tính đến hết tháng 5/2023, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã cấp 26.160 GCN; thực hiện 17.020 hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ chậm muộn trong giải quyết TTHC giảm rõ rệt, từ 15,4% trong tháng 12/2022 xuống dưới 3% trong tháng 6/2023. Trung bình 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ cấp GCN của hộ gia đình, cá nhân chậm muộn luôn dưới 5%, của tổ chức luôn đạt 0%.

Là đơn vị đi đầu trong chuyển biến cải tiến khắc phục tình trạng chậm muộn hồ sơ, Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Tam Dương đã có những bước phát triển nhảy vọt cả về con số hoàn thành hồ sơ và chất lượng hài lòng của người dân. Thời điểm giữa năm 2022 về trước, tỷ lệ chậm muộn hồ sơ là 80%, tuy nhiên, đến tháng 3/2023, Tam Dương đã đưa chỉ số này xuống còn 5,6%, đến nay, tỷ lệ chậm muộn của Tam Dương luôn đạt dưới 5%.

Xác định cải cách TTHC lĩnh vực đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tăng tỷ lệ cấp GCN, giảm tỷ lệ chậm muộn là một trong những vấn đề mấu chốt nhằm cụ thể hóa các khâu đột phá, những tháng đầu năm 2023, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Lập Thạch đã nỗ lực về đích thành công.

Bà Đỗ Thị Minh Thùy - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Lập Thạch cho biết, mỗi ngày, Chi nhánh tiếp nhận khoảng 70 bộ hồ sơ cấp GCN, đăng ký giao dịch bảo đảm. Trước khối lượng công việc tăng, Chi nhánh đã chủ động bố trí cán bộ luân phiên làm việc ngoài giờ và cuối tuần để kịp thời giải quyết cho người dân, hạn chế tối đa tình trạng hồ sơ quá hạn. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, một số chỉ tiêu vượt xa so với cùng kỳ năm ngoái, lượng hồ sơ trả về giảm; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt trên 95%.

Cùng với đẩy mạnh cải cách TTHC, giảm tỷ lệ chậm muộn cấp GCN quyền sử dụng đất, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã chỉ đạo các Chi nhánh tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, vướng mắc tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cấp huyện, cấp xã trong công tác cấp GCN ngay tại địa bàn các huyện, thành phố, tránh gây bức xúc, đơn thư khiếu kiện vượt cấp của công dân.

Đồng thời, thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức, người lao động. Tăng cường công tác trích đo địa chính thửa đất, trích lục bản đồ địa chính; đo đạc lập bản đồ địa chính thu hồi giao đất chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính tiếp tục được chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm điện tử trong giải quyết TTHC.

Chuẩn bị cho những quy định mới

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau các quy trình lấy ý kiến đã và đang triển khai hoàn thiện. Dự thảo Luật cũng đã mở rộng nhiều trường hợp được cấp GCN quyền sử dụng đất, hướng tới mục tiêu thể chế và hoàn thiện chính sách về cấp GCN. Việc mở rộng đối tượng được đánh giá là có sự đổi mới theo chiều hướng tích cực, gỡ vướng cho một số khó khăn về thủ tục pháp lý lâu nay không còn phù hợp thực tiễn, vì thế, quy định mới kỳ vọng mang lại nhiều thuận lợi cho công tác cấp GCN.

Hiện Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã giao Văn phòng Đăng ký đất đai chuẩn bị tốt công tác tuyên truyền, tập huấn Luật và các văn bản dưới Luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành trong lĩnh vực cấp GCN, đảm bảo nắm vững các quy định để kịp thời triển khai áp dụng thành thạo ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

z4216301874440_db09d5b9a22499ec0c64249abdf7a091.jpg
Cán bộ luân phiên làm việc ngoài giờ và cuối tuần để kịp thời giải quyết cho người dân

Đối với các quy định mang tính nội dung như mở rộng thời gian, đối tượng, loại hình, phân định thẩm quyền cấp GCN…, Sở yêu cầu phân tích kỹ các thành phần, đối tượng được quy định tại các quy định về đối tượng mở rộng, đảm bảo việc áp dụng quy định mới không làm ảnh hưởng chất lượng, tiến độ, chỉ tiêu cấp GCN đã đạt được.

Liên quan đến các nội dung đòi hỏi nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ, Sở TN&MT tỉnh sẽ tổ chức tập huấn một số nội dung cụ thể như giao - nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, trên nền tảng công nghệ số, đảm bảo tính khả thi khi chính sách mới có hiệu lực thi hành; Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, liên thông, chia sẻ dữ liệu có liên quan như thuế, dân cư, ngân hàng, công chứng, xây dựng... để sử dụng chung dữ liệu khi giải quyết hồ sơ cấp GCN.

Đồng thời, tạo công cụ để cơ quan quản lý và người dân kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết hồ sơ cấp GCN. Mục tiêu của Sở TN&MT không chỉ phấn đấu đạt các chỉ tiêu đơn thuần mà còn đổi mới toàn diện và đồng bộ chất lượng, thái độ phục vụ để đáp ứng tối đa sự hài lòng của người dân.

Việt Hải