Xã hội

Điện Biên: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giúp dân giảm nghèo

Trần Hương 10/07/2023 - 15:20

(TN&MT) - Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Điện Biên được xác định là một trong những yếu tố then chốt, đưa ngành sản xuất nông nghiệp thô sơ, manh mún trở thành ngành nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, tạo vùng nguyên liệu bền vững. Từ đó, tạo hướng phát triển dài lâu giúp đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) xóa đói, giảm nghèo mà ở đó Nhân dân lao động là chủ thể.

Giải pháp đến từ thực tiễn …

Thế mạnh của đồng bào các DTTS ở Điện Biên là mô hình chăn thả gia súc. Qua rất nhiều thế hệ đồng bào các DTTS ở nơi đây họ đều chọn phương thức chăn thả trâu bò, vừa tận dụng được bãi cỏ tự nhiên, vừa phù hợp với đặc thù tập quán đông con, lao động nhỏ tuổi. Chính vì vậy, những gia đình khá giả là người DTTS thì việc phát triển đàn trâu bò luôn chiếm ưu thế.

Trên cơ sở đó, đề án phát triển đàn gia súc vùng đồng bào DTTS là một trong 3 đề án của ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên được xây dựng và thông qua BCH Đảng bộ tỉnh đưa vào Nghị quyết chuyên đề để triển khai xuống cơ sở. Trong đó, việc đề cao yếu tố kinh nghiệm, chăn thả phản ánh tập tục của vùng miền và cũng là lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, đề án đề cao việc phát triển đàn gia súc thành một mặt hàng tạo giá trị hàng hóa, vùng nguyên liệu dồi dào, an toàn và bền vững.

Mục tiêu của đề án nhằm: Phát triển nhanh chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức cạnh tranh cao, có hiệu quả và phát triển bền vững; trở thành ngành sản xuất chủ lực của tỉnh cung cấp trâu, bò, dê giống; trâu, bò, dê thịt có năng suất, chất lượng; cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh bạn, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

a1(2).jpg
Chăn nuôi đại gia súc là một trong 3 đề án để tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ông Trần Văn Thượng, Phó giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Đề án xoay quanh một số vật nuôi quen thuộc với đồng bào các dân tộc của Điện Biên, như: trâu, bò, dê. Cơ bản họ đã có kiến thức về việc chăn nuôi và phòng bệnh cho những vật nuôi này, chỉ phát triển nâng quy mô tổng đàn, số lượng con trong một đàn và không đơn thuần chỉ là việc thả rông mà phải trồng cỏ tạo vùng nguyên liệu thức ăn phong phú, xây chuồng trại và những kỹ năng chăm sóc bài bản hơn.

Việc phát triển đàn trâu tập trung ở một số huyện Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ và một số xã huyện Điện Biên,… Đồng thời, duy trì ổn định đàn trâu bản địa để giải quyết một phần sức kéo, phát triển đàn trâu giống ở các địa phương có lợi thế và nghề truyền thống nuôi trâu; cải tạo, nâng cao tầm vóc, rút ngắn chu kỳ nuôi, phát triển nuôi trâu lấy thịt đáp ứng nhu cầu thịt và các sản phẩm từ thịt cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Còn việc phát triển đàn bò theo hướng chăn nuôi bò thịt hàng hóa, tăng tổng đàn, quy mô chăn nuôi trong nông hộ và trang trại, ứng dụng công nghệ tăng năng suất, sản lượng thịt hơi; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò địa phương, chọn lọc bò có tầm vóc để làm bò cái nền nhằm tiếp tục nhân giống và tạo ra đàn bò có năng suất, chất lượng cao tập trung phát triển tại các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ và một số xã thuộc TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay,…

a2(1).jpg

Đối với việc phát triển chăn nuôi dê theo hướng trang trại kết hợp nuôi nhốt và bán chăn thả là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đàn dê, tăng quy mô tổng đàn và nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua khảo sát cho thấy, tại các huyện có lợi thế nuôi dê như: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Mường Chà và Nậm Pồ,...

Ông Thượng cho biết thêm: Nếu phát triển đàn gia súc thì cần phải thực hiện song song việc quy hoạch và chuyển đổi tối đa diện tích đất chưa sử dụng, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc ăn cỏ; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung hàng hóa, áp dụng tiến bộ xử lý môi trường hiệu quả; xây dựng thương hiệu sản phẩm trâu gác bếp; bò H' Mông, dê Điện Biên.

Đây là những hướng đi mới, tập trung vào một số sản phẩm rất đặc thù của địa phương, nhằm khai thác triệt để các lợi thế, thế mạnh của từng vùng, từng huyện, từng xã. Tuy nhiên, để các đề án của ngành nông nghiệp tỉnh Điên Biên được triển khai có hiệu quả thì yếu tố then chốt vẫn là ý trí, nghị lực, khát vọng làm giàu của người dân. Mà yếu tố quan trọng là nâng cao năng lực làm việc theo nhóm, theo tổ, theo mô hình liên kết... từ đó mới tạo thành sức bật của từng vùng. Các đơn vị tiêu thụ sản phẩm sẽ yên tâm khai thác vùng nguyên liệu sẵn có ở địa phương và đây sẽ là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy, các cơ sở sơ chế, chế biến sản xuất tại vùng nguyên liệu. Người dân và sự liên kết chặt chẽ ấy sẽ tạo thành một mối quan hệ thống nhất trong sản xuất, trong tiêu thụ… tạo nên yếu tố thị trường và cơ hội thành công trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Những mô hình kinh tế nông - lâm

Từ sau khi UBND tỉnh Điện Biên ban hành Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp đến nay, một số địa phương đã nhân rộng mô hình phát triển giống cây, giống con. Cụ thể như huyện Mường Chà diện tích cây dứa tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Năm 2013, diện tích dứa ban đầu chỉ khoảng 20ha tập tại một số hộ của xã Na Sang, đến nay toàn huyện có khoảng hơn 300ha dứa. Và cũng là địa phương duy nhất trên địa bàn của tỉnh Điện Biên có vựa dứa thơm ngon được đồng bào các DTTS của huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích lúa nương, nương ngô, sắn kém hiệu quả.

Dọc Quốc lộ 12, tuyến Điện Biên - Mường Chà người đi đường rất dễ gặp hình ảnh bà con người Mông bán dứa hai bên lề đường quanh năm, suốt tháng. Đó là thành quả lao động một nắng hai sương của bà con và đó cũng là bước chuyển đổi cây trồng thành công của nông dân huyện Mường Chà, trong đó có cây dứa.

Hiện nay, mỗi 1ha dứa Mường Chà cho người dân thu hoạch khoảng 10 vạn quả, giá bán dao động từ 7.000đ - 10.000đ/quả. Trừ chi phí mỗi ha dứa cho bà con thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng. “Có lẽ không có giống cây nào trồng hiệu quả mà mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Na Sang trong nhiều năm qua như cây dứa ở đây. Thổ nhưỡng khí hậu đã chọn cây dứa là cây xóa đói, giảm nghèo của người dân Na Sang.” - Chủ tịch UBND xã Na Sang, Vàng A Pó, chia sẻ.

a3.jpg
Người dân huyện Mường Chà đã chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả, sang trồng cây dứa cho giá trị cao nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững

Ngoài huyện Mường Chà còn có huyện Mường Ảng được ví như vựa trái cây của tỉnh Điện Biên. Mùa nào thức ấy, từ chanh leo, bưởi da xanh, cam đường, mít Thái, mận hậu, xoài… đều có cả. Tính diện tích cây ăn trái tại huyện khoảng 2.000ha. Những diện tích đất nương thoải, nương có bờ và đất dốc trồng ngô, lúa kém hiệu quả đều được đồng bào các dân tộc của huyện Mường Ảng canh tác chuyển đổi cây trồng. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ hướng đi mới.

Nếu nói trồng cây là niềm vui của đời cha thì hái quả là niềm hãnh diện của đời con. Bao đời nay, người dân Mường Ảng “tay làm hàm nhai” có được thành quả như hôm nay có biết bao giọt mồ hôi đổ xuống nương rãy. Trong niềm vui ấy có người nông dân tên Ban. Nguyễn Văn Ban, bản Tọ Nọ có vườn bưởi trĩu cành thương hiệu ruby, lái thương thu mua tại vườn giá 120.000đ/quả. Ông kể: “Bưởi ruby giá thành cao, chất lượng ngon nên tôi ghép mắt trồng thử. Thấy bưởi ngon, sai quả, chính là hợp khí hậu thổ nhưỡng. Nay tôi nhân rộng gần 600 gốc, giờ đang cho thu hoạch. Giá có thể rẻ hơn vụ đầu nhưng chất lượng thì không đổi.”

Rất nhiều người dân Mường Ảng đã đổi thay nếp nghĩ cách làm, làm giàu từ những khoảnh đồi, đất nương rãy trồng ngô, khoai kém hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm qua các năm từ 0,2 - 0,4%.

a4.jpg

Còn đối với huyện xa xôi diệu vợi như Mường Nhé. Mô hình kinh tế của huyện không phải là dứa hay vựa cây trái…mà được hình thành từ bản quán từ lâu đời tạo nên một hướng đi tuy không phải bước chuyển đổi đột phá, nhưng đánh dấu một thành tựu quan trọng mà ở đó khát vọng làm giàu vươn lên thoát nghèo từ mô hình phát triển đại gia súc của địa phương. Tính riêng xã Mường Nhé có khoảng 599 hộ chăn nuôi, gồm 6 trang trại nuôi trâu, bò theo quy mô vừa và nhỏ. Tổng số lượng con trâu, bò của cả xã Mường Nhé khoảng 3.300 con. Xã Sín Thầu có 270 hộ nuôi trâu, bò và có tới 13 trang trại. Tính riêng năm 2022, xã Sín Thầu xuất chuồng 1.500 con trâu, bò; sản lượng thịt trên 60 tấn… Nếu tính cả huyện Mường Nhé tổng số trâu, bò khoảng 15.000 con.

Điểm những mô hình phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp mới thấy được sự quyết tâm, bền gan vững trí của đồng bào các DTTS ở Điện Biên trải qua biết bao năm nung nấu khát vọng làm giàu. Rất nhiều mô hình sa nhân, cánh kiến, cây trẩu, cây quế, cây gừng, cây gấc… ra đời từ những thập niên trước, nhưng không thể phát triển do nhiều nguyên nhân, trong đó có quy luật cung cầu. Khi sản phẩm chưa làm ra nhiều thì giá cao ngất ngưởng, đến khi bà con trồng đại trà thì giá lại rẻ như cho… Từ năm 2000 đến nay, đồng bào Điện Biên trải qua biết bao mô hình cũng đều lần thất bại. Nay, những cây dứa, (Mường Chà), loài cây có múi cứu cánh phần nào người nông dân ở các huyện Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé… Hướng đi mới này dẫu chưa cho thành tựu lớn lao cả một vùng nguyên liệu rộng khắp. Nhưng nhiều năm qua, đồng bào các DTTS ở nơi đây đã thoát nghèo nhờ cách làm chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi.

Trần Hương