Đất đai

Cần có quy định về việc tạo quỹ đất để giao cho đồng bào DTTS khó khăn

Thúy Nhi 10/07/2023 - 10:55

Với những đặc điểm riêng mà đất ở, đất sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, ĐBQH Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần góp phần hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn, bảo đảm đồng bào, nhất là các hộ khó khăn, có đất ở, đất sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 18 - NQ/TW.

Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, qua nghiên cứu dự thảo Luật và đối chiếu với Nghị quyết 18-NQ/TW và Hiến pháp 2013 cũng như yêu cầu thực tiễn nhận thấy, quy định của dự thảo luật chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết 18. Cụ thể, về đối tượng, Nghị quyết 18 đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Tuy nhiên, dự thảo luật chỉ tập trung giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, như vậy là hẹp hơn so với Nghị quyết 18.

Về đất đai, Nghị quyết số 18 yêu cầu cần có chính sách ưu đãi về thuế nhưng dự thảo luật chưa có quy định rõ nội dung này.

trung-thanh-1687347780672(1).jpg
Đại biểu Ngô Trung Thành

Về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, Nghị quyết 18 nêu “cần có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất”. Nhưng, thực tế thời gian qua cho thấy, do trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều, một bộ phận hiểu biết pháp luật và xã hội còn hạn chế hoặc do có khó khăn nên bị lợi dụng, bị thâu tóm đất đai dẫn đến không còn đất sản xuất, thiếu đất ở.

Trong khi đó, quy định về vấn đề này, tại khoản 1 Điều 49 dự thảo luật dựa trên cơ sở luật hóa các quy định hiện hành nhưng lại lỏng hơn so với quy định hiện hành. Cụ thể, tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai hiện hành xác định, sau 10 năm mới được chuyển nhượng và kèm theo điều kiện có xác nhận không có nhu cầu sử dụng đất hoặc đã chuyển khỏi địa bàn cư trú. Nhưng, trong dự thảo Luật lần này quy định, sau 10 năm, trừ trường hợp có xác nhận sẽ được chuyển nhượng đất được phân giao cho cá nhân, hộ gia đình. Tức là nếu chưa đến 10 năm nhưng có xác nhận không có nhu cầu sử dụng đất hoặc đã chuyển khỏi địa bàn cư trú sẽ được chuyển nhượng đất là “lỏng” so với quy định hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 18 - NQ/TW".

Với những phân tích nêu trên và ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị, chính sách đất đai phải được áp dụng đối với tất cả đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất hoặc đất ở như mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 18, chứ không chỉ giải quyết cho đồng bào thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải là chính sách tổng thể, toàn diện quy định cụ thể về các nội dung sau: Cần quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những ưu đãi, hỗ trợ cụ thể cho đồng bào, nghĩa vụ, trách nhiệm của đồng bào đối với Nhà nước đối với đất đai được gia; Cần có quy định để đất đai được giao cho đồng bào theo chính sách hỗ trợ không bị và không thể bị thâu tóm, đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 18.

gn.jpg
Cần nghiên cứu bổ sung dự án tạo quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất vào danh mục các dự án được thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo đó, cần quy định rõ các giao dịch trong trường hợp này là vô hiệu, thậm chí người nhận chuyển nhượng có thể bị chế tài pháp luật. Cần quy định việc thu hồi đất của các nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả để giao lại cho các hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất tại địa phương, khắc phục tình trạng đồng bào thì thiếu đất, nông, lâm trường có đất thì lại sử dụng không hiệu quả.

Bên cạnh đó, do các địa phương không còn đủ quỹ đất cho nên Luật cần quy định về việc tạo quỹ đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung dự án tạo quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất vào danh mục các dự án được thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Ngoài ra, cần quy định đặc thù riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong bồi thường và tái định cư, thu hồi đất, như: phải bảo đảm để đồng bào vẫn có đất, có chỗ ở phù hợp với đời sống văn hóa, tinh thần, tập quán, không đưa đồng bào lên sinh sống tại các chung cư, phải bồi thường đất hoặc hoán đổi đất để đồng bào vẫn có đất sản xuất…

Thúy Nhi