Biến đổi khí hậu

Báo động tình trạng sạt lở đất ven sông tại Cà Mau

Theo TTXVN 06/07/2023 - 22:25

Chiều 6/7, tin từ UBND xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, cho biết trên địa bàn vừa xảy ra một vụ sạt lở đất ven sông gây thiệt hại hoàn toàn 4 căn nhà của người dân địa phương.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ sạt lở đất tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, vụ sạt lở xảy ra vào khuya 5/7, trên tuyến sông Cửa Lớn (thuộc ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh) nhấn chìm hoàn toàn 4 căn nhà của các hộ dân, gồm: Nguyễn Thành Được (36 tuổi), Nguyễn Thanh Tuấn (41 tuổi), Ngô Văn Mạnh (39 tuổi) và Nguyễn Thị Xinh (78 tuổi). Ước thiệt hại ban đầu do vụ sạt lở gây ra khoảng 200 triệu đồng. Rất may, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người.

Ông Huỳnh Công Tâm, Chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh cho biết, đối với những căn nhà lân cận có dấu hiệu sạt lở, xã đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự xã phối hợp công an và Đội xã hội tình nguyện đến vận động, hỗ trợ tháo dỡ đồ vật kiến trúc, di dời tài sản đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đến thăm hỏi, hỗ trợ gạo, tiền (2 triệu đồng/hộ) cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ sạt lở đất tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Ảnh: TTXVN phát

Liên tiếp hơn một tháng qua, tại các huyện như: Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển và một phần Cái Nước đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất ven sông nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và các công trình công cộng, nhất là đường nông thôn. Trong đó, nghiêm trọng nhất là địa bàn huyện Ðầm Dơi, các vụ sạt lở đất xảy ra liên tục trong thời gian ngắn.

Theo UBND huyện Đầm Dơi, nếu như cả năm 2022, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi xảy ra 79 vụ sạt lở đất làm thiệt hại tài sản khoảng 6,5 tỷ đồng, thì chỉ mới qua 6 tháng năm 2023, con số này đã lên trên 120 vụ, ước thiệt hại hơn 7 tỷ đồng.

Theo ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi cho biết, huyện đã tổ chức khảo sát, rà soát và cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao; đồng thời yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý, khắc phục sạt lở.

Ðể phòng, chống và giảm thiệt hại do sạt lở, nhiều địa phương đã tiến hành kè một số đoạn và tiếp tục di dời đường bê tông ở những nơi có nguy cơ cao trong điều kiện ngân sách địa phương cho phép; tuyên truyền, vận động người dân tham gia làm kè kiên cố, trồng cây ven sông, trồng cây chống sạt lở; không xây dựng nhà ven sông, các vị trí có nguy cơ sạt lở; chủ động di dời tài sản, nhà cửa đến nơi an toàn...

Về vấn đề này, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đang kết hợp với các chuyên gia tiến hành thử nghiệm giải pháp điều tiết lưu lượng dòng chảy. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là phải đảm bảo hài hòa giữa việc giảm dòng chảy nhưng không ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện thủy và nuôi trồng thủy sản của người dân...

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại cho Cà Mau với số tiền gần 14 tỷ đồng, trong đó sạt lở gây thiệt hại nhiều nhất.

Theo TTXVN