Doanh nghiệp - doanh nhân

PV GAS: Dấu ấn trong hành trình chuyển đổi năng lượng xanh

Sông Thương 06/07/2023 - 14:20

Nằm trong kế hoạch và chiến lược phát triển thị trường khí tại Việt Nam, ngày 10/7/2023, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) sẽ tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến Kho cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sự kiện con tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) mang trên mình gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia đến Kho cảng LNG Thị Vải - Việt Nam là dấu ấn đặc biệt trong hành trình chuyển đổi năng lượng xanh của PV GAS.

PV GAS, đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN), hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp khí, trải dài từ khâu tồn trữ, vận chuyển, nhập khẩu đến phân phối các sản phẩm khí, bao gồm khí khô (Natural Gas - NG), khí dầu mỏ hóa lỏng (Liquefied Petroleum Gas - LPG), khí nén (Compressed Natural Gas - CNG) và LNG.

Với sứ mệnh mang nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, PV GAS tiếp tục đi tiên phong trong lĩnh vực LNG với định hướng: giữ vững vị trí là doanh nghiệp hàng đầu trong đầu tư và nhập khẩu khí LNG cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như hiện thực hóa khát vọng về một lộ trình “chuyển đổi xanh”, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 hướng đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

002-1-.jpg
PV GAS công bố sự kiện “PV GAS tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam”.

Công trình Kho cảng LNG Thị Vải được PV GAS chú trọng đầu tư xây dựng từ năm 2019, tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG 180.000m3 và các thiết bị công nghệ hàng đầu tiên tiến nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và quốc tế; đảm bảo vận hành an toàn theo như Nghiên cứu Khả năng Tương thích Tàu - Bờ (Ship-Shore Compatibility Study). Đến thời điểm này, Kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG đầu tiên có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam, với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1, và nâng cấp lên 3 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2.

Việc nhập khẩu LNG sẽ củng cố vị thế, vai trò chủ đạo của PV GAS trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang điện khí tại Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của PV GAS trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng nói chung và công nghiệp khí nói riêng. Sự kiện PV GAS tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên không chỉ đơn thuần phục vụ cho chiến lược sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước, an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt là hành động của PV GAS thể hiện ý chí đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa cam kết tại COP26 với mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

003-1-.jpg
Toàn cảnh kho cảng LNG Thị Vải

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Phong - Tổng Giám đốc PV GAS cho biết: Câu chuyện LNG với thế giới không mới nhưng ở Việt Nam là rất mới, PV GAS gặp rất nhiều khó khăn khi đưa chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam. Đưa LNG vào Việt Nam đã rất khó khăn, nhưng việc tiêu thụ tại Việt Nam còn khó khăn hơn vì hiện tại Việt Nam chưa có cơ chế chính sách đối với loại nguyên liệu mới này.

PV GAS là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG (Quyết định số 01/GCNĐĐK-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 5/5/2023).

Thời gian qua, PV GAS đã tích cực làm việc với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công Thương để xây dựng cơ chế chính sách cho việc nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm LNG tại Việt Nam.

Theo Tổng Giám đốc Phạm Văn Phong, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách cần phải song song với xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ tiếp nhận, lưu giữ, phân phối LNG tại Việt Nam. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, kho chứa LNG là rất tốn kém, đòi hỏi nhà đầu tư không chỉ mạnh về tiềm lực kinh tế mà còn phải chuyên nghiệp và đặc biệt hiểu nghề. Người đứng đầu Tổng công ty cho biết: “Mong muốn lớn nhất lúc này của PV GAS là sớm có cơ chế chính sách, gồm khung pháp lý cả về kỹ thuật và cơ chế tiêu thụ, sử dụng LNG tại Việt Nam”.

Tổng Giám đốc Phạm Văn Phong nhấn mạnh, mục tiêu của PV GAS là trở thành nhà cung cấp LNG số 1 tại thị trường Việt Nam, bao gồm dịch vụ quản lý, kinh doanh và khai thác hạ tầng LNG. PV GAS sẽ bám sát Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc kinh doanh LNG. Trong đó, PV GAS sẽ chú trọng đầu tư trọng điểm theo khu vực: mở rộng kho LNG Thị Vải tại khu vực Đông Nam Bộ, hợp tác cùng Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) xây dựng kho LNG Sơn Mỹ - Bình Thuận và nghiên cứu lựa chọn địa điểm để đầu tư kho LNG tại khu vực miền Bắc và Tây Nam Bộ. PV GAS rất mong muốn cùng đồng hành với các đối tác có năng lực, kinh nghiệm để triển khai các dự án, gia tăng các cơ hội trong lĩnh vực LNG tại thị trường Việt Nam và quốc tế.

001-1-.jpg
Ngày 10/7, PV GAS sẽ tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến Kho cảng Thị Vải

Dự kiến trong ngày 10/7, PV GAS sẽ được trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án Kho cảng Sơn Mỹ (Bình Thuận) có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Đây là dự án mà PV GAS đóng góp 61% cổ phần, 39% thuộc 1 nhà đầu tư Hoa Kỳ. Dự án này khi hoàn thành cả hai giai đoạn sẽ có sức chứa 6 triệu tấn LNG, đem lại nguồn doanh thu mỗi năm tăng thêm 70 ngàn tỷ.

Ngày 22/5/2023, PV GAS đã ký kết Xác nhận Mua hàng (Confirmation Notice) với nhà cung cấp Shell - Công ty dầu khí đa quốc gia, đồng thời là Nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới. Theo đó Shell sẽ cung cấp chuyến LNG đầu tiên đến Việt Nam.

Chia sẻ về kỳ vọng lợi nhuận khi nhập khẩu và phân phối LNG tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Phạm Văn Phong cho biết: Giai đoạn 1 Kho cảng LNG Thị Vải dự kiến có sức chứa 1 triệu tấn LNG tương đương doanh thu của PV GAS sẽ tăng thêm 12 -14 ngàn tỷ đồng mỗi năm; giai đoạn 2 tăng công suất lên 3 triệu tấn, doanh thu của PV GAS có thể tăng thêm 35 ngàn tỷ mỗi năm.

“Tuy nhiên, trước mắt, chúng tôi không đặt mục tiêu lợi nhuận từ việc nhập khẩu và tiêu thụ LNG tại Việt Nam. Mục tiêu, nhiệm vụ và sứ mệnh của PV GAS trong thời gian tới là tiếp tục đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tiên phong theo xu hướng thế giới; góp phần phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp sử dụng LNG. “Xanh hóa” nguồn năng lượng tại Việt Nam, thực hiện chính sách Net Zezo theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 là mục tiêu xuyên suốt, là khát vọng cao cả mà chúng tôi hướng tới” - Tổng Giám đốc PV GAS khẳng định.

Sông Thương