Giảm phát thải khí nhà kính: Ngành vận tải biển toàn cầu sẵn sàng chiến lược mới
(TN&MT) - Tại buổi khai mạc phiên họp mới nhất của Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển (MEPC) vừa diễn ra tại London (Anh), các quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc cho biết, một chiến lược mới dự kiến sẽ đặt ngành vận tải biển toàn cầu trên con đường đầy tham vọng hướng tới loại bỏ dần khí thải nhà kính.
Chiến lược sẽ là “di sản”
Được giao nhiệm vụ giải quyết các vấn đề môi trường dưới sự ủy quyền của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển giải quyết các vấn đề như kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu được quy định trong Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu (MARPOL), bao gồm cả dầu, hóa chất vận chuyển với số lượng lớn, nước thải, rác thải và các loại khí thải từ tàu như chất gây ô nhiễm không khí và khí thải nhà kính.
Phiên họp lần thứ 80 của Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển sẽ giải quyết một loạt thách thức, bao gồm: Giải quyết biến đổi khí hậu: Cắt giảm phát thải khí nhà kính từ tàu, trong đó có cả việc áp dụng chiến lược toàn cầu sửa đổi; hiệu quả năng lượng của tàu; quản lý nước dằn tàu (lượng nước giúp tăng thêm trọng lượng vào phần thấp hơn của tàu); quản lý bám bẩn sinh học, trong đó áp dụng các hướng dẫn sửa đổi; chỉ rõ các khu vực biển nhạy cảm; tiếng ồn dưới nước; xử lý rác thải biển; hoạt động chuyển tải giữa 2 tàu.
Tại phiên họp diễn ra từ ngày 3 - 7/7, Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển dự kiến sẽ thông qua chiến lược phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu và các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học sau các cuộc họp với IMO. “Đây là một thời khắc lịch sử mà tất cả chúng ta đều đóng vai trò quan trọng” - Tổng thư ký IMO Kitack Lim cho biết, đồng thời, khuyến khích các quốc gia cùng nhau đưa ra chiến lược mới bằng cách tạo ra các mục tiêu đầy tham vọng để đưa ngành vận tải biển vào một “quỹ đạo rõ ràng” nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Kitack Lim nhấn mạnh: “Chiến lược năm 2023 sẽ là di sản để lại cho con cháu và con cháu sẽ vô cùng biết ơn. Giờ là lúc để IMO thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình”.
Chiến lược sửa đổi dự kiến sẽ vạch ra con đường phía trước cho các biện pháp kinh tế và kỹ thuật có thể được IMO phát triển hơn nữa.
Đa dạng sinh học và tương lai hàng hải
Phát biểu khai mạc phiên họp mới nhất của Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Nhân loại đang ở trong “vùng nước nguy hiểm” do biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, chúng ta vẫn có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC, nhưng điều này đòi hỏi một nỗ lực toàn cầu to lớn và ngay lập tức, trong đó, nỗ lực của ngành vận tải biển - ngành phát thải hơn một tỷ tấn CO2 - chiếm gần 3% lượng khí thải toàn cầu do hoạt động của con người gây ra, sẽ rất quan trọng”.
Ông nhấn mạnh: “Các quyết định được đưa ra trong những ngày tới có thể giúp chúng ta "vạch ra một lộ trình an toàn hơn, đồng thời thúc giục các thành viên của Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển thông qua một chiến lược tương lai”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp pháp lý cụ thể để dự báo đa dạng sinh học, ông Kitack Lim nhắc lại việc Công ước Đa dạng sinh học (CBD) mang tính bước ngoặt được thông qua sau gần hai thập kỷ thảo luận tại trụ sở Liên hợp quốc vào ngày 19/6/2023.
Tổng thư ký IMO cho rằng, cùng với Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal được thông qua vào tháng 12/2022 và các cuộc đàm phán đang diễn ra: về một công cụ ràng buộc pháp lý mới để giải quyết ô nhiễm nhựa, những nỗ lực của Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển nhằm đảm bảo tương lai ngành hàng hải xanh hơn, công bằng hơn và bền vững hơn có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.