Lai Châu chủ động phòng chống thiên tai
(TN&MT) - Những năm gần đây, tình hình thời tiết tại tỉnh Lai Châu có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, tỉnh Lai Châu đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai.
Theo đó, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại, 12 đợt mưa đá, dông, lốc, mưa lớn, gây thiệt hại về người và tài sản, ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 135 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại; 3 đợt mưa lớn, dông, lốc; 1 trận động đất đã gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và Nhân dân, ước tổng thiệt hại trên 450 triệu đồng.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp và khó lường, nhất là các loại hình thiên tai, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2023. Trong đó, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu trong công tác PCTT phù hợp với yêu cầu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra trước những diễn biến khó lường, phức tạp.
Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: Để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cùng với đó, tổ chức diễn tập, tuyên truyền PCTT trên địa bàn tất cả các huyện nhằm nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, thành thục kỹ năng ứng phó và TKCN cho các lực lượng tham gia. Tổ chức các lực lượng cứu hộ tại chỗ ở các xã, bản để xử lý khi có tình huống cấp bách. Phổ biến cho Nhân dân các kiến thức, kinh nghiệm trong việc chủ động PCTT trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTT và hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng, nhất là việc chủ động các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả với bão, mưa lũ, lũ quét…để chủ động phòng ngừa, ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây.
Kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các ngành, địa phương, xác định phòng chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng dân cư trên địa bàn; khi có thiên tai xảy ra, cần huy động tổng hợp các lực lượng trên địa bàn, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, nhất là lực lượng xung kích cấp xã, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện và các yếu tố đảm bảo để triển khai nhiệm vụ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị PCTT-TKCN trước mùa mưa lũ của các ngành, địa phương; cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng chống ứng phó thiên tai, đặc biệt xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường hay xảy ra tại địa phương.
Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác chỉ đạo, chỉ huy PCTT giữa chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện đến xã và các đoàn thể, quần chúng; sự ủng hộ của người dân trong công tác PCTT&TKCN đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất. Qua đó, đã giảm thiểu được mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.