Thuận Châu (Sơn La): Đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu môi trường
(TN&MT) - Để hoàn thành các chỉ tiêu môi trường thuộc hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023, từ đầu năm đến nay, huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến, thay đổi trong nhận thức, hành động của nhân dân, tích cực chung tay bảo vệ môi trường.
Đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền
Theo Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 của tỉnh Sơn La, có 2 chỉ tiêu chính về môi trường gồm tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý; tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom. Để hoàn thành các chỉ tiêu được giao, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành công văn, kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu về môi trường thuộc hệ thống chỉ tiêu phát triển KT-XH.
Tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND 29 xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo UBND các xã tổ chức ký cam kết với các trưởng bản, đôn đốc các bản thực hiện nghiêm công tác quản lý đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, rà soát lại các chỉ tiêu về môi trường, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu đảm bảo đạt hoặc vượt theo kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và phù hợp tình hình thực hiện. Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đến từng tháng, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan để hoàn thành tốt các chỉ tiêu môi trường.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan đơn vị, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các quy định mới trong công tác quản lý chất thải rắn theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hình thức tuyên truyền đa dạng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các buổi họp, giao ban của các xã, thị trấn để phổ biến rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường gắn với các sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…
Một số chỉ tiêu môi trường chính trên địa bàn huyện Thuận Châu đạt được đến nay, gồm: Độ che phủ rừng đạt 43,6%; 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% dân cư được sử dụng nước sạch đô thị. Tỷ lệ rác thải khu vực nông thôn được thu gom đạt 82,5%, được xử lý đạt 84%; tỷ lệ rác thải khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt 100%. Trong đó, chú trọng thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng, chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống...
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc xả thải của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Kiên quyết ngăn chặn việc vứt rác, xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành. Xây dựng quy ước, hương ước, cam kết, các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư. Phát động phong trào thi đua Xây dựng bản, tiểu khu sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh trên địa bàn thị trấn năm 2022 và nhân rộng tại các xã; kịp thời khen thưởng các điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, tạo động lực, ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhân dân.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu môi trường
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Thời gian qua, Thuận Châu đã cơ bản thực hiện tốt công tác thu gom, quản lý, xử lý chất thải rắn khu vực đô thị, nông thôn, tạo chuyển biến tích cực từ huyện đến cơ sở. Các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đã được tuyên truyền đến nhân dân. Công tác phối hợp kiểm tra về bảo vệ môi trường với các tổ chức, cá nhân được tăng cường, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Theo kết quả kiểm tra, giám sát năm 2022 và 6 tháng 2023, trên địa bàn huyện không để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng.
Song song đó, huyện đã chủ động kiểm soát, phòng ngừa các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm. Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm nước thải từ hoạt động sản xuất của các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản, ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt.
Thời gian tới, Thuận Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân trong chỉ đạo thực hiện các biện pháp, giải pháp đồng bộ, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về môi trường thuộc hệ thống chỉ tiêu phát triển KT-XH, và tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Đưa nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt vào nội dung sinh hoạt tại các trường học, các cuộc họp, hội nghị do các cơ quan, đoàn thể tổ chức; tại các cuộc họp, sinh hoạt của bản, khu dân cư.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm trong thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn; giám sát hoạt động vận chuyển, xử lý chất thải, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đổ thải trái phép trên địa bàn. Khuyến khích các hoạt động tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn và đối với sản phẩm tái chế từ chất thải.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn được thu gom đạt 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và được vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trên cơ sở tối đa hóa khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.