Biến đổi khí hậu

TP.HCM quản lý cây xanh ứng phó biến đổi khí hậu

Đỗ Minh Huyền 04/07/2023 - 10:46

(TN&MT) - TP.HCM - siêu đô thị đang hướng tới mục tiêu đô thị thông minh, sáng tạo, xanh và phát triển bền vững; tuy nhiên, thành phố cũng đang đối mặt với biến đổi khí hậu ngày càng nhanh, phức tạp và khó lường, gây ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển đô thị.

Cây xanh và các mảng xanh đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt các tác động xấu của biến đổi khí hậu lên đô thị. Vì vậy, việc phát triển và quản lý một hệ xanh đô thị để xác định mục tiêu và kế hoạch quản lý, hướng đến một hệ thống xanh bền vững cần được Thành phố quan tâm, chú trọng.

Thành phố trước tác động của BĐKH

TP.HCM nằm trên vùng đất lầy và thấp. Sông Sài Gòn, Nhà Bè, Đồng Nai hình thành hệ thống sông ngòi và kênh rạch dày đặc với gần 8000km chiều dài, bao phủ 16% diện tích thành phố. Thủy triều lên xuống thường xuyên gây ngập úng trên diện rộng. Theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, trên địa bàn hiện có 154/333 phường, xã thường xuyên bị ngập úng và dự báo con số này sẽ là 177 phường, xã vào năm 2050.

Thực tế cho thấy, 10 năm trở lại đây, tình trạng ngập úng do triều cường diễn ra ngày một trầm trọng và lan rộng. Nhiều khu vực của thành phố không chỉ ngập úng trong mùa mưa mà còn xảy ra quanh năm, nhất là mỗi khi triều cường. Nếu mưa và thủy triều lên cùng một lúc thì tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Đáng báo động là tình trạng lượng mưa lớn, trái mùa, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt kéo dài, năm sau cao hơn năm trước. Sự phát triển đô thị đã làm giảm tính thẩm thấu và gây ra ngập cục bộ. Hiệu ứng đảo nhiệt đang làm biến đổi khí hậu thành phố và việc đô thị hóa đã góp phần quan trọng làm tăng nhiệt độ, lượng mưa, và ngập trong 2 thập kỷ vừa qua.

ngam-nhung-bau-vat-tram-tuoi-lam-mat-long-nguoi-dan-tphcm-nhung-ngay-nang-nong-10-1679938445-880-width2000height1335.jpg

Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay làm cho dân số đô thị tăng nhanh, cùng với đó là việc xây dựng các công trình nhà cửa, giao thông, công nghiệp, hoạt động của các phương tiện giao thông, các hoạt động phục vụ cuộc sống, văn hóa, làm việc, giải trí của người dân dẫn tới tiêu thụ nhiều năng lượng, thải ra nhiều khí CO2 và các chất khí độc hại khác, làm xấu môi trường không khí đô thị tại thành phố. Tại TP.HCM, những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất phải kể đến là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường…

Cây xanh đô thị đã sẵn sàng đáp ứng?

TP.HCM đang bị thiếu hụt các mảng xanh. Diện tích cây xanh cho một đầu người tại đây hiện nay là 0,8%, quá thấp so với chỉ tiêu quy hoạch đô thị từ 6 - 7m2/người. Thành phố có hơn 490ha đất công viên, tuy nhiên tốc độ đầu tư mỗi năm tăng không đáng kể, chỉ khoảng 1,5ha. Điều này cho thấy, số lượng chỉ tiêu cây xanh của TP.HCM chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân ở đô thị. Cụ thể:

Về công viên cây xanh: Tốc độ phát triển công viên, mảng xanh thành phố đang tỷ lệ nghịch với mức độ gia tăng dân số và đô thị hóa. Hiện nay, các quận trung tâm như quận 3, quận 1 rất thiếu mảng xanh. Những mảng xanh hiện có là công viên Tao Đàn, công viên Thống Nhất… không đủ đáp ứng cho người dân. Phân bổ công viên, mảng xanh trên địa bàn không đồng đều và bất hợp lý. Các quận trung tâm, tuy số lượng cây xanh nhiều hơn so với các quận, huyện ngoại thành nhưng không còn quỹ đất phát triển.

Về mảng xanh đô thị: Mảng xanh của thành phố bị đẩy lùi bởi tốc độ đô thị hóa gia tăng chóng mặt. Việc trồng cây phân tán ở các tuyến đường, khu dân cư cũng rất hạn chế. Rất ít chủ đầu tư thực hiện các mảng xanh theo quy hoạch. Nhiều nơi, mảng xanh lâu dần được biến hóa, chuyển đổi thành nhà ở, ki ốt. Ở một số huyện ngoại thành, đất quy hoạch mảng xanh có nhưng để bị hoang hóa.

Về cây xanh đường phố: Hiện trạng vỉa hè trong các khu dân cư hẹp, do quá trình đô thị hóa nhanh, các nhà cao tầng ngày một nhiều nên thiếu không gian phát triển cây xanh. Các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước… thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng, có nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão. Đồng thời, tại những khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có giông, lốc cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cây xanh dễ ngã đổ. Môi trường sống cho cây xanh ở thành phố còn nhiều bất cập.

Việc trồng cây đô thị thường chỉ được tiến hành sau khi đã hoàn tất các hạng mục khác như lát vỉa hè, thi công công trình ngầm… khiến diện tích trồng cây bị thu hẹp, vỉa hè rộng 6 - 7m nhưng đất trồng cây chỉ khoảng 1 - 1,2m. Ngoài ra, hiện tượng “bê tông hóa” cùng hệ thống cáp ngầm bố trí quá sát gốc cây làm hạn chế diện tích đất bên dưới, rễ cây không thể phát triển để bám giữ đất khiến cây rất dễ bị bật gốc khi gặp gió mạnh.

TP.HCM có nguy cơ rất lớn về ngập lụt, từ các sự kiện khí hậu thông thường đến các sự kiện khí hậu cực đoan như giông, bão nhiệt đới. Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn, tiên đoán với những tác động tiềm tàng nghiêm trọng lên thành phố. Việc lập kế hoạch thích nghi chi tiết là chìa khóa cho TP.HCM có khả năng chống chọi cao, trong đó, phát triển mảng xanh có thể được xem như một trụ cột quan trọng.

Để làm được điều này, thành phố cần khắc phục ngay các bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải có đơn vị chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra việc công viên bị sử dụng sai mục đích, lấn chiếm; mảng xanh không được phủ đúng như quy hoạch, kế hoạch. Kiên quyết xử lý các chủ đầu tư khu đô thị, khu dân cư không thực hiện diện tích công viên cây xanh theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, đẩy nhanh việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển công viên không chỉ là vui chơi, nghỉ ngơi mà còn là địa điểm tham quan, du lịch lý tưởng cho người dân và du khách. Truyền thông để người dân tích cực tham gia phong trào trồng cây phân tán tại các khu vực mình sinh sống, đồng thời chú trọng việc bảo vệ hệ thống cây xanh ở từng con đường, tuyến phố.

Đỗ Minh Huyền