Doanh nghiệp - doanh nhân

Hướng đi mới đầy tiềm năng của Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP)

PV 01/07/2023 - 22:44

Đưa CCS vào chiến lược chuyển dịch năng lượng là phương án phát huy tối đa thế mạnh của các công ty dầu khí nhằm tăng doanh thu từ việc thu hồi dầu, đồng thời mở ra một hướng đi mới: Bán chứng chỉ carbon thông qua thu hồi và chôn lấp CO2.

Sự cần thiết của CCS

CCS (Carbon Capture and Storage) là công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon. CCS là quá trình thu hồi CO2 từ các nguồn phát thải, sau đó được vận chuyển tới các điểm lưu giữ an toàn, lâu dài như các cấu tạo địa chất sâu dưới lòng đất, lòng biển... CCS bao gồm 3 khâu chính: Thu hồi, vận chuyển và lưu trữ carbon.

Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) năm 2021, để đạt Net Zero vào năm 2050, thế giới cần cắt giảm 20,89 tỉ tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và cắt giảm 32 tỉ tấn CO2 tương đương vào năm 2050. Để đạt được con số này, tỷ trọng cắt giảm lượng CO2 bằng công nghệ CCS/CCUS cần tăng từ 7% vào năm 2030 lên 18% vào năm 2050.

huong-di-moi-day-tiem-nang-cua-pvep-20230628110123.jpg
Sự cần thiết của CCS

CCS là một lựa chọn quan trọng để giảm phát thải CO2 trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực năng lượng nói riêng. Đây cũng là giải pháp duy nhất để tránh việc các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải dừng hoạt động, vận hành công suất thấp hơn hay chuyển đổi sử dụng nhiên liệu phát thải cacbon thấp. Việc trang bị thêm hệ thống thu hồi CO2 cho phép các nhà máy, cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng liên quan tiếp tục hoạt động với lượng khí thải giảm đáng kể. Đặc biệt, đây là một giải pháp tốt đối với các lĩnh vực khó giảm phát thải như công nghiệp nặng, xi măng, sắt thép, hóa chất (chiếm gần 20% lượng khí thải CO2 toàn cầu) và các phương tiện vận tải đường dài như hàng không, vận tải đường bộ và vận tải biển.

Sự phát triển các dự án CCS

Theo thống kê của Global CCS Institute vào tháng 9-2022, tổng số dự án CCS/CCUS toàn cầu là 194, tăng 44% so với năm 2021. Hiện nay, Mỹ đang dẫn đầu về số dự án CCS với 34 dự án mới được thành lập từ năm 2021. Tiếp theo là Canada với 19 dự án và Anh với 13 dự án. Tính đến 2022, 30 dự án CCS đã đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 43 triệu tấn CO2/năm, chủ yếu được phát triển trên đất liền và phục vụ cho mục đích tăng cường hệ số thu hồi dầu.

Theo dự báo của Global CCS Institute, đến năm 2030, sẽ có 167 dự án CCS/CCUS đi vào hoạt động với tổng công suất 202,39 triệu tấn/năm, chủ yếu tập trung tại Bắc Mỹ (47%), châu Âu (33%) và châu Á - Thái Bình Dương (18%).

huong-di-moi-day-tiem-nang-cua-pvep-20230628110119.jpg
Hướng đi mới đầy tiềm năng của PVEP

Các dự án CCS hầu hết đều thuộc về các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới. Điểm qua chiến lược phát triển của các ông lớn dầu khí cũng thấy rằng, CCS luôn là một trong những mũi nhọn trong chiến lược chuyển dịch năng lượng, bên cạnh những biện pháp giảm phát thải khác như zero routine flaring (Petronas), chuyển dịch từ dầu sang khí, phát triển năng lượng sạch... Tính đến nay, Tập đoàn Exxon Mobil được coi là đi đầu trong công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon với lượng CO2 thu hồi đạt trên 120 triệu tấn và sở hữu xấp xỉ 1/5 công suất thu giữ CO2 toàn cầu.

Trong 3 khâu chính của công nghệ CCS, các tập đoàn dầu khí trên thế giới đã giữ quyền kiểm soát tối thiểu 1/3 quá trình này, đó là lưu trữ (Storage). CO2 sau khi được thu hồi tại nguồn phát sẽ được vận chuyển qua đường ống, tàu thủy, xe chuyên dụng để chôn lấp tại các cấu trúc địa tầng. Khâu chôn lấp, Storage đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về địa chất, vị trí chôn lấp, kinh nghiệm vận hành, đặc biệt là vận hành dự án ngoài khơi, cũng như tiềm lực tài chính đủ mạnh để triển khai các dự án vốn lớn như CCS. Đây chính là lĩnh vực mà các công ty dầu khí lớn có thể phát huy tối đa thế mạnh của mình. CO2 thu hồi từ các nguồn phát thải lớn sẽ được bơm xuống và lưu trữ tại các mỏ dầu khí cạn kiệt hoặc được bơm xuống vỉa khai thác với mục đích tăng cường hệ số thu hồi dầu.

Như vậy, việc đưa CCS vào chiến lược chuyển dịch năng lượng là một phương án phát huy tối đa thế mạnh của các công ty dầu khí nhằm tăng doanh thu từ việc thu hồi dầu, đồng thời mở ra một hướng đi mới: Bán chứng chỉ carbon thông qua thu hồi và chôn lấp CO2.

huong-di-moi-day-tiem-nang-cua-pvep-20230628110120.jpg
Kỹ sư PVEP đang bảo trì đường ống tại Cụm mỏ Sư Tử Trắng

Lợi thế lớn của PVEP

Là một trong những doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam, Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu hướng chuyển dịch năng lượng khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng giảm, đồng thời, PVEP cũng là doanh nghiệp đi đầu trong việc định hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm chung tay cùng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện tại, dầu khí vẫn là nguồn cung năng lượng chủ yếu, chiếm trên 50% nguồn cung năng lượng sơ cấp. Theo dự báo của IEA, nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, sau đó sẽ giảm tới 26% vào năm 2100. Song song với đó, PVEP cũng phải đối mặt với thực tế là sản lượng khai thác dầu khí ngày càng sụt giảm, nguồn thu từ hoạt động chính sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, PVEP cần hướng đi mới, phát huy những lợi thế có sẵn đã tích lũy trong suốt quá trình phát triển của PVEP.

Vận hành trên 50 dự án thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi trong suốt 15 năm qua, PVEP sở hữu nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật khai thác dầu khí, đó cũng là những hạ tầng cần thiết để phát triển các dự án CCS. Bên cạnh đó, PVEP có đội ngũ chuyên gia am hiểu đặc tính địa chất của các mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam - nơi tiềm năng lưu trữ CO2 - một lợi thế nổi trội mà không doanh nghiệp nào có được, giúp PVEP không chỉ thu hút các tiềm lực tài chính, đối tác nước ngoài để phát triển dự án CCS mà còn chủ động trong việc tiếp cận, triển khai các dự án có liên quan đến CCS.

Một trong những lợi thế quan trọng khác đó là tiềm lực tài chính lớn và ổn định giúp PVEP có khả năng đầu tư vào các dự án CCS với quy mô lớn và hiệu quả cao.

Đứng trước thách thức về xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, đây cũng là cơ hội để PVEP mở ra một hướng kinh doanh mới, tạo ra chứng chỉ carbon đến từ việc thu hồi và lưu trữ CO2 tại các mỏ dầu khí ngoài khơi, là doanh nghiệp tiên phong trong triển khai CCS.

huong-di-moi-day-tiem-nang-cua-pvep-20230628110122.jpg
Đưa CCS vào chiến lược chuyển dịch năng lượng

Với vai trò là doanh nghiệp chủ lực của Petrovietnam trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam, CCS là một hướng phát triển chủ đạo giúp PVEP tạo ra lợi ích kinh tế. Việc thu hồi CO2 và lưu giữ trong các tầng địa chất hay mỏ dầu khí cạn kiệt có thể tạo ra cơ hội kinh doanh mới và đem lại lợi nhuận từ việc bán chứng chỉ carbon hoặc tham gia vào thị trường carbon.

Về góc độ bảo vệ môi trường, việc triển khai CCS sẽ giúp PVEP đáp ứng các yêu cầu và quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Việc giảm khí thải CO2 vào môi trường sẽ giúp PVEP tăng uy tín, tuân thủ các quy định về chống biến đổi khí hậu và giảm khí nhà kính.

Sự thành công trong triển khai CCS có thể tăng cường vị thế của PVEP trong ngành Dầu khí. PVEP có thể trở thành một doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng công nghệ CCS và xây dựng hình ảnh là một doanh nghiệp hàng đầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển CCS, PVEP từng bước tiếp cận với công nghệ và đặt những nền móng đầu tiên thông qua việc hợp tác với SKEO cùng tìm kiếm các lô mở có phát hiện khí mà CO2 có thể được thu hồi và lưu giữ, bơm vào các đối tượng phù hợp, như các mỏ dầu khí đã cạn kiệt hoặc các bẫy chứa bão hòa nước (không chứa dầu khí). Việc PVEP hợp tác nghiên cứu chung với SKEO về CCS tại Việt Nam bao gồm các nội dung về khả năng lưu giữ CO2 ở bể sông Hồng; áp dụng công nghệ gia tăng thu hồi dầu, khí bằng CO2 (CO2 EOR) trong các dự án tại Việt Nam; công nghệ thu gom CO2 và hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực CCS.

Tổng Giám đốc PVEP đã có quyết định thành lập Tổ triển khai các nghiên cứu về thu hồi và lưu trữ carbon với SKEO (gọi tắt là Tổ CCS), trong đó có nhiệm vụ lập kế hoạch và chuẩn bị chi tiết công việc cần thực hiện, tiến độ thực hiện và thống nhất nội dung nghiên cứu với SKEO.

PVEP triển khai đề tài nghiên cứu khoa học đánh giá về tiềm năng triển khai dự án thu hồi và lưu trữ CO2 tại thềm lục địa Việt Nam với sự tham gia của các ban chuyên môn cùng các chuyên gia lâu năm trong ngành Dầu khí. PVEP sẽ tiến hành đánh giá chuyên môn sơ bộ về các vi trí có tiềm năng chôn lấp CO2 tại thềm lục địa Việt Nam và chủ động làm việc với một số đối tác về CCS như Storegga, Air Liquide tìm hiểu về các cơ hội hợp tác nghiên cứu, qua đó, từng bước triển khai công tác CCS, cùng Petrovietnam góp phần quan trọng trong việc thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ.

Vận hành trên 50 dự án thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi trong suốt 15 năm qua, PVEP sở hữu nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết để phát triển các dự án CCS. PVEP có đội ngũ chuyên gia am hiểu đặc tính địa chất của các mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam - nơi tiềm năng lưu trữ CO2 - một lợi thế nổi trội

PV