Xã hội

Hành trình hơn một thập kỷ xóa bản "trắng" đảng viên ở Mường Lát -  Bài cuối: Sức sống mới và “bài toán mới”

Thanh Tâm 30/06/2023 23:32

Với mục tiêu xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở khu vực miền núi, không còn tình trạng thôn bản không có đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép, Kết luận số 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về phát triển đảng viên và chi bộ, thôn, bản vùng sâu, vùng xa ra đời. Triển khai thực hiện Kết luận 50 đã góp phần từng bước xóa bản “trắng” đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép, làm tiền đề để người dân nhận thức đúng đắn đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, giúp thoát khỏi đói nghèo. 

Sau 13 năm triển khai thực hiện Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển đảng viên và chi bộ, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, kèm theo đó là những cơ chế, chính sách, đồng thời, tăng cường thêm bộ đội biên phòng về xã, về bản giúp chính quyền phát triển đảng viên, Mường Lát đã không còn tình trạng bản “trắng” đảng viên hay chi bộ sinh hoạt ghép. Tuy nhiên, chặng đường đưa những người dân tộc Mông ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng còn rất nhiều gian nan và thử thách, đặt ra yêu cầu phải đi sâu tìm hiểu thực tế để đánh giá kết quả đạt được và hạn chế khó khăn còn tồn tại, rút ra bài học kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, tìm giải pháp khắc phục khó khăn…

Ngày mới trên quê hương Mường Lát

Đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mường Lát đã không còn tình trạng du canh, du cư đốt rừng làm nương rẫy. Huyện đã chỉ đạo các lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, chính quyền cơ sở tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động người dân sớm ổn định cuộc sống, khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác. Tập huấn phổ biến kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó hạn chế tình trạng du canh, du cư. Cùng với đó, tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ an ninh biên giới; thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng. Kiên quyết xử lý kịp thời, triệt để tình trạng phá rừng, xâm canh, mua, bán, sang nhượng đất đai trái pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng di cư tự do.

Huyện cũng thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, kế hoạch bố trí ổn định dân cư, thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình trạng di cư không theo quy hoạch đã chấm dứt, góp phần ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn huyện. Đặc biệt, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước từ các chương trình, dự án đầu tư. Tập trung chỉ đạo lồng ghép vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; nhằm tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

a1.jpg
Một góc bản Suối Loóng, xã Tam Chung

Bên cạnh đó, công tác khai hoang, mở rộng diện tích đất cho trồng trọt và chăn nuôi của người dân cũng được chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo; giúp bà con ổn định an ninh lương thực tại chỗ, hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy trái pháp luật.

Từ thực hiện Kết luận 50, cũng xuất hiện nhiều điển hình trong phát triển kinh tế ở các bản người Mông ở Tam Chung. Bản Ón có đảng viên Giàng A Khoa, là hộ phát triển kinh tế điển hình ở địa phương, với việc mở cửa hàng tạp hóa cung cấp những sản phẩm thiết yếu phục vụ người dân trong bản; vay vốn mở rộng diện tích đất canh tác, nuôi thêm trâu bò để ổn định kinh tế gia đình. Bản Suối Loóng có ông Sùng A Thào đã mạnh dạn vay ngân hàng 300 triệu đồng, cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả. Hiện, mô hình 3ha của gia đình ông đã bắt đầu ra hoa đậu quả. Ông cũng là hộ gia đình tiên phong dám nghĩ, dám làm để thoát nghèo, là hộ xung phong thoát nghèo đầu tiên ở xã Tam Chung.

z4391839669413_ad61e6fe5423b69314da2e1abf8ccb4b.jpg
Ông Sùng A Thào đã mạnh dạn vay ngân hàng 300 triệu đồng, cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vươn lên thoát nghèo bằng chính sức mình

Điểm sáng nhìn từ Tam Chung

Xã Tam Chung có 4 bản theo Kết luận 50 Tỉnh ủy gồm: Suối Phái, bản Ón, Suối Loóng và Pom Khuông. Đây là 4 bản 100% người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về. Trước năm 2010, cả 4 bản đều “trắng” đảng viên, không có chi bộ. Giao thông chia cắt, muốn vào các bản đều phải con đường mòn men theo triền núi. Sống biệt lập nên trình độ nhận thức của người dân còn rất thấp.

Việc triển khai thực hiện Kết luận 50 càng khó khăn khi tình hình an ninh chính trị vùng biên giới Tam Chung diễn biến phức tạp hơn, bởi đa số nhân dân của 4 bản đều theo đạo, lợi dụng việc truyền đạo, kẻ xấu thường hoạt động lén lút, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chống phá Nhà nước. Từ đó gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, nhất là với các đảng viên mới kết nạp. Bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là bộ đội biên phòng với chính sách “ba cùng” với bà con. Từ quá trình tổ chức các hoạt động, phát hiện những quần chúng ưu tú, bồi dưỡng, tạo nguồn, thử thách để họ trở thành đảng viên ngay tại thôn bản mình.

Kết nạp được đảng viên mới ở thôn bản đã khó, nhưng sau khi xóa bản “trắng” đảng viên, việc duy trì phát triển tổ chức Đảng ở đây là vấn đề nan giải, làm sao không để tái bản “trắng” đảng viên.

Thiếu tá Lò Văn Hiền, Phó Bí thư tăng cường Đảng ủy xã Tam Chung cho biết: Xã Tam Chung có 4 bản theo Kết luận 50, trước đây, việc không có chi bộ, cả bản không có đảng viên là những rào cản để đồng bào Mông hiểu được các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việc thành lập được Chi bộ, đưa đảng viên từ Đảng ủy về sinh hoạt từ đó phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú dân tộc Mông đứng vào hàng ngũ của Đảng bước đầu đã thành công. Từ các đảng viên gương mẫu để lan tỏa tới quần chúng, đảng viên là người đi đầu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, hăng hái tham gia phát triển kinh tế. Từ đó thay đổi tư duy nhận thức của đồng bào Mông, khiến họ tin vào Đảng, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, định canh, định cư ổn định cuộc sống.

Cũng theo Thiếu tá Hiền, việc thành lập được Chi bộ ở 4 bản người Mông như thắp lên ngọn đèn đẩy lùi bóng đêm hủ tục lạc hậu, đưa ánh sáng của Đảng, như “ngọn hải đăng” soi sáng cuộc sống còn nhiều lạc hậu, khó khăn ở vùng biên giới Tam Chung.

dji_0056.jpg
Khu tái định cư bản Ón được đầu tư xây dựng giúp người dân ổn định chỗ ở

Đặc biệt bản Ón có hơn 20km đường biên giới với nước bạn Lào, là trọng điểm về ma túy, bất ổn về an ninh trật tự. Đây là bản nghèo nhất của huyện Mường Lát, với 100% là hộ đói, hộ nghèo. Từ khi thành lập được chi bộ với chính sách “3 cùng” với đồng bào, bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị về công tác tuyên truyền đến nhân dân. Những tập tục, tệ nạn ma túy, nghiện ngập, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã dần được kiểm soát và đẩy lùi.

Bản Ón đã yên bình trở lại, đời sống ổn định đã giữ chân đồng bào, người dân không còn du canh, du cư mà ổn định cuộc sống, tập trung sản xuất phát triển kinh tế.

Mới đây, công trình khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp cho 42 hộ dân ở bản Ón được đầu tư xây dựng quy mô, bài bản, càng làm người dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước. Trên công trường khu tái định cư bản Ón rộn vang tiếng cười, niềm vui niềm phấn khởi từ cụ già tới trẻ nhỏ, nam giới hỗ trợ nhau dựng nhà, phụ nữ dọn dẹp, trẻ con nô đùa.

Những ngôi nhà sàn đầu tiên đã được dựng lên trên khu tái định cư đánh dấu “cột mốc" mới trong cuộc sống của đồng bào Mông ở vùng biên giới của đất nước. Một cuộc sống mới đang dần khởi sắc nơi “phên dậu” của Tổ Quốc.

anh-4..jpg
Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên cùng đoàn công tác khảo sát Khu tái định cư bản Ón

Theo báo cáo của Đảng ủy xã Tam Chung, 4 chi bộ theo Kết luận 50 nay có tổng số đảng viên là 61. Các chi bộ đã kiện toàn hoàn chỉnh 100% Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản; xây dựng tinh thần đoàn kết trong nội bộ, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Các chi bộ duy trì chế độ, nền nếp sinh hoạt thường xuyên, thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo. Trong năm 2022 đã làm hồ sơ đề nghị cấp trên xem xét, kết nạp đảng viên mới cho 3 đồng chí, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho 07 đối tượng đã hoàn thành chương trình lớp bồi dưỡng chính trị lý luận và thẩm tra lý lịch nơi cư trú theo hướng dẫn của Điều lệ Đảng.

Giải Bài toán mới”

Trong Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, Huyện ủy Mường Lát xác định, phát triển đảng viên, củng cố các tổ chức cơ sở đảng luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.

Chính vì vậy, theo đồng chí Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 50 của huyện, Mường Lát còn nhiều nỗi lo, nhiều việc phải làm.

Trăn trở lớn nhất với Huyện ủy thời điểm này là chất lượng đảng viên ở 24 chi bộ, bởi nhiều đảng viên là người dân tộc Mông, trình độ còn hạn chế, một số chủ yếu chỉ biết viết, biết đọc. Thời điểm trước Kết luận 50 chỉ có 3 bản người Mông có người có đạo, tuy nhiên hiện tại cả 24 bản đều có người có đạo. Vì vậy việc kiểm soát tình hình, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, tuyên truyền chống phá Nhà nước cũng là một vấn đề nan giải. Theo ông Triết, vấn đề mấu chốt đặt ra đó là nâng cao trình độ dân trí và cần chú trọng tới chất lượng hơn là số lượng ở các chi bộ cơ sở. Muốn tình hình an ninh biên giới ổn định trước hết cần ổn định trật tự khu dân cư, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, phổ biến các kiến thức trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Muốn người dân tin Đảng, đi theo Đảng, trước hết phải để họ no cái bụng.

Từ thực tế trên, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Lát xác định, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân không có việc làm nào khác là phải tập trung quy hoạch tổng thể và chi tiết từng lĩnh vực, trong đó ưu tiên hàng đầu là ổn định được chỗ ở, ổn định được đất canh tác, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân.

anh-2(1).jpg
Nhiều thách thức mới như ổn định tình hình tôn giáo, nâng cao chất lượng đảng viên, tạo sinh kế bền vững cho người dân tộc Mông

Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 19/9/2022 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra 9 giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, trong đó, nhiệm vụ thứ 8 chỉ rõ: Tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của huyện trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Vì vậy, Mường Lát đã và đang khẩn trương đồng bộ tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức đảng, các đoàn thể và hệ thống chính trị ở cơ sở. Chú trọng bồi dưỡng kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên ở các bản, ở các trường trung học phổ thông; hướng dẫn, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội; lấy chi bộ, chi đoàn, chi hội làm nơi tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động, định hướng, hướng dẫn đảng viên và Nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của chi bộ trong giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đảng viên.

Huyện ủy cũng đang từng bước đổi mới tư duy, lề lối, tác phong làm việc tại các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, bám sát thực tiễn, gần dân, sát cơ sở; chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trên địa bàn. Nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở cho phù hợp với tình hình thực tế địa bàn rộng, dân cư sinh sống phân tán như vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đặc biệt, cùng với coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, trách nhiệm, am hiểu thực tiễn, tình nguyện công tác lâu dài tại huyện, huyện đang ưu tiên tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số có đủ điều kiện vào làm việc tại thôn, bản, xã, cơ quan cấp huyện để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương; tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí cán bộ biên phòng làm phó bí thư đảng ủy, đồng thời nghiên cứu bố trí cán bộ biên phòng làm Chủ tịch UBND các xã biên giới. Hy vọng những hạt giống đỏ này sẽ là những nhân tố quan trọng góp phần giải “bài toán mới” của Mường Lát, trước mắt, hiện tại và dài lâu.

Hiện  tổng số đảng viên thuộc vùng Kết luận 50 của huyện Mường Lát là 325 đảng viên, các chi bộ hoạt động hiệu quả. Từ đó đưa được các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào, mở sang một trang mới cho các bản người Mông ở Mường Lát. Tình trạng mua bán ma túy qua biên giới được đẩy lùi, hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư về tận bản, kinh tế có những bước phát triển. Kết luận 50 được xem là “kim chỉ nam” trong xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở đảng ở Mường Lát, "ngọn hải đăng" đưa ánh sáng của Đảng đến với các bản xa xôi, biên giới của Tổ quốc.

Thanh Tâm