Canh tác lúa theo hướng giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính ở Đồng bằng sông Hồng
(TN&MT) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các địa phương về "Quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo hướng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng sông Hồng". Quy trình áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, được kỳ vọng sẽ giúp bà con nông dân tăng thu nhập, giảm công lao động từ nghề trồng lúa gạo.
Cụ thể, quy trình canh tác kỹ thuật trải đều các khâu: Làm đất, chọn hạt giống, lựa chọn phương pháp và thời vụ gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch, cùng với quản lý rơm rạ hiệu quả.
Một số công nghệ, kỹ thuật mới được đưa vào quy trình như san phẳng laser sau thu hoạch vụ mùa, chu kỳ 5 năm/lần (tùy theo điều kiện và địa hình từng vùng). Đây là một trong những công nghệ chính xác có thể hỗ trợ rất hiệu quả cho cánh đồng lớn, cho phép san phẳng mặt ruộng chín h xác, giảm độ nghiêng ruộng tối đa theo yêu cầu, tối ưu quản lý nước và cây trồng. Quản lý dinh dưỡng theo vùng chuyên biệt (SSNM) tích hợp của Quản lý cây lúa (RCM) để giảm lạm dụng và sử dụng sai phân bón.
Quy trình cũng đưa ra hướng dẫn đầy đủ về kỹ thuật gieo mạ khay – cấy máy, sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm, công nghệ sấy lúa tĩnh vỉ ngang đảo chiều không khí sấy (năng suất có thể từ 4 - 30 tấn/mẻ) hay hệ thống sấy hai giai đoạn phù hợp với quy mô công nghiệp.
Lưu ý về vấn đề hạt giống, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân chọn giống được phép lưu hành, có thị trường tiêu thụ tốt, ưu tiên lựa chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi và phù hợp với canh tác của địa phương để gieo cấy tập trung trà xuân muộn và mùa sớm. Về phân bón, cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tái sử dụng phụ phẩm theo kinh tế tuần hoàn.
Khâu chăm sóc rất chú trọng các vấn đề quản lý nước, bón phân, quản lý sâu bệnh hại, cỏ dại và các sinh vật gây hại khác. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật cơ bản, Cục Trồng trọt lưu ý nông dân không áp dụng kỹ thuật “Tưới ướt khô xen kẽ” ở vùng đất nhiễm phèn mặn, bón phân theo nguyên tắc 4 đúng (chủng loại, liều lượng, thời điểm, phương pháp); áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp và đặc biệt là không đốt rơm rạ. Người dân được khuyến cáo thu rơm ra khỏi đồng và sử dụng để sản xuất các sản phẩm từ rơm như nấm rơm, thức ăn cho bò, phân bón sinh học, nhựa sinh học... Đối với gốc rạ, nên cày vùi trong điều kiện ruộng không bị ngập, có áp dụng chế phẩm sinh học để tăng phân huỷ.
Các nội dung trong quy trình kỹ thuật đều đã trải qua nghiên cứu và chứng minh hiệu quả, có tài liệu tham khảo hướng dẫn thực hành tốt đính kèm theo để ngành nông nghiệp các địa phương tham khảo, hướng dẫn nông dân thực hành đúng.
Trước đó, quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến đã được áp dụng thử nghiệm tại một số xã thuộc TP Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình – đại diện 4 tiểu vùng sinh thái vùng Đồng bằng sông Hồng trong hai năm 2018 - 2019. Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Môi trường Nông nghiệp đã ứng dụng đồng bộ các giải pháp về cơ giới hóa: Gieo mạ khay – cấy máy, phun thuốc trừ sâu bằng máy phun áp lực dải rộng; bón phân bằng máy phun phân bón và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học.
Kết quả cho thấy, ở quy mô canh tác hộ nông dân, năng suất thực thu của quy trình tiên tiến cao hơn quy trình canh tác lúa thông thường tại tất cả các điểm thí nghiệm từ 10,3 – 13,4% trong điều kiện vụ Xuân và 10,7 – 12,4% trong điều kiện vụ Mùa 2018. Chi phí đầu tư giảm từ việc giảm lượng giống khoảng 24%; giảm lượng phân bón; giảm thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc. HIệu quả kinh tế cao hơn từ 31,1 – 47,7% và tổng lượng phát thải khí nhà kính giảm từ 8,8 – 12,4% so với mô hình canh tác theo truyền thống nông dân.
Trên quy mô lớn 20ha/vụ/điểm, hiệu quả kinh tế khi áp dụng gói kỹ thuật cho lãi thuần cao nhất là mô hình tại Hà Nội, đạt khoảng 33 – 36 triệu đồng/ha. Mô hình tại Hải Dương đạt khoảng 32 – 35 triệu đồng/ha; tại Thái Bình đạt 29 – 31 triệu đồng/ha và tại Ninh Bình đạt 30 – 34 triệu đồng/ha.
Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp tối ưu cho thực trạng thiếu lao động tại các vùng nông thôn, hạn chế nguy cơ mất mùa do biến đổi khí hậu và nâng cao lợi nhuận cho nông dân (vốn kém hiệu quả do chi phí công lao động, nguyên liệu đầu vào cao). Thu hoạch và quản lý sau thu hoạch tốt cũng giúp giảm tổn thất lúa, giảm phát thải khí nhà kính từ việc xử lý rơm rạ.
Đối với quy mô hộ nông dân có thể ứng dụng cơ giới hóa theo các khâu riêng lẻ tùy theo điều kiện kinh tế. Với quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến toàn diện có thể áp dụng trên các cánh đồng lớn, cùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng có điều kiện thâm canh.
Về cơ bản, đúng như tên gọi, quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo hướng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ giúp nông dân tăng thu nhập từ trồng lúa và hạn chế tối đa tác động xấu tới môi trường, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng hạt lúa gạo. Nếu áp dụng tốt các kỹ thuật sẽ giúp giảm các rủi ro cho nông dân trong ngắn hạn, trong khi vẫn nâng cao khả năng chống chịu thông qua xây dựng năng lực thích ứng với các tác động dài hạn của BĐKH, đồng thời, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp.