Tiếng dân

Hoài Đức - Hà Nội: Khu dân cư mỏi mòn chờ nước sạch

Quán Dũng 30/06/2023 - 07:20

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư phản ánh của người dân sinh sống tại Cụm dân cư 6,9ha xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, nhiều năm qua họ không có nước sạch để sinh hoạt khiến cuộc sống bị đảo lộn, gây bức xúc kéo dài.

Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường được biết: Tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, trong 5 năm qua, 74 hộ dân, hơn 255 nhân khẩu tại khu dân cư 6,9 ha Vân Canh, người dân thiếu nước sạch để sinh hoạt hàng ngày. 

357370433_6613112295386951_567894725501924825_n(1).jpg
Khu dân cư hàng trăm hộ dân sinh sống giữa Thủ đô nhưng vẫn chờ đợi nước sạch nhiều năm qua

Theo người dân sống ở đây, họ đã kiến nghị lên các cấp chính quyền huyện Hoài Đức nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Họ cũng đã tìm đến Công ty CP nước sạch Tây Hà Nội để xin mua nước sạch thì được trả lời không có kinh phí xây dựng hệ thống ống cấp nước.

Được biết, năm 2008 theo quyết định của các cấp chính quyền Hà Tây (nay là TP. Hà Nội) khu đất dịch vụ 6,9ha xã Vân Canh, huyện Hoài Đức được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở dịch vụ. Năm 2017, người dân đã ra UBND xã Vân Canh nộp 810.000 đồng/m2 để xây dựng hạ tầng khu dân cư và sau đó được UBND xã Vân Canh làm thủ tục chia đất và cấp "sổ đỏ", các hộ gia đình sinh sống ổn định từ đó tới nay.

357558798_311974431165290_5474154639586210412_n.jpg
Ông Trần Văn Chương đưa phóng viên đến từng nhà để thấy những bất cập vì mất nước sạch trong thời gian dài

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Chương đại diện các hộ dân, cho biết: Chúng tôi nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền xã, huyện và những lần tiếp xúc cử tri chúng tôi đều phát biểu ý kiến, phản ánh về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Mặc dù sống giữa trung tâm xã nhưng người dân khổ lắm vì không có nước sạch, hàng ngày phải mua nước đóng chai về dùng để nấu ăn, còn vệ sinh cá nhân, tắm giặt… thì phải về nhà trong làng.

Được biết, do không được cung cấp nguồn nước sạch nên người dân phải tự khoan giếng, xây bể để chứa và lọc nước. Dù đã qua 3 lần lọc nhưng nước vẫn vàng đục và có mùi hôi tanh. Một người dân chia sẻ: Dù biết nguồn nước giếng khoan không đảm bảo và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng nhưng người dân vẫn phải chấp nhận sử dụng vì không còn lựa chọn nào. Nhiều gia đình phải mua lại nước của các hộ gia đình sống cạnh khu đô thị với giá cao gấp 5 – 10 lần theo quy định.

356960639_811361327210836_6636317118572338541_n.jpg
Người dân phải tự lắp hệ thống lọc nước để một phần nào đó ổn định cuộc sống hơn

Theo ghi nhận của phóng viên, Khu dân cư 6,9ha nằm cách UBND xã Vân Canh chỉ vài trăm mét, có hệ thống hạ tầng như đường, điện gần như đã ổn định, tuy nhiên người dân chưa được sử dụng nước sạch dù hệ thống ống cấp nước đã cấp đến ngay cạnh khu dân cư.

Nhiều người dân bày tỏ: Chúng tôi muốn tự bỏ tiền ra để xin dẫn đấu nối với hệ thống nước sạch nhưng UBND xã Vân Canh cho rằng như vậy là không đúng quy định của pháp luật và có thể gây mất an ninh trật tự.

357354335_764767275433113_6640887549025645918_n.jpg
Từ hình ảnh có thể thấy hệ thống nước Giếng khoan dù đã lọc nhưng vẫn còn rất nhiều tạp chất nguy hại

Ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho biết: Trong dự án 6,9ha có tới 6 dự án thì 4 dự án đã giao, còn 2 dự án đang thi công hạ tầng, 4 dự án giao cho dân ở thì không có dự án nào có nước sạch. Trong 20 xã, thị trấn trên toàn huyện, 12 xã có đất dịch vụ thì chưa có dự án đất dịch vụ nào có nước sạch. Chủ đầu tư Khu 6,9ha là UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Vân Canh chỉ phối hợp với phòng, ban của huyện trong giải phóng mặt bằng và kiểm tra giám sát thi công hạ tầng.

Về việc người dân đóng góp 810.000 đồng/m2, tại Quyết định số 2272 của tỉnh Hà Tây cho phép thu tiền đối với các trường hợp giao đất dịch vụ có thu tiền thuế đất. Theo ông Minh, huyện yêu cầu xã thu tiền này sau đó nộp lên Kho bạc Nhà nước, UBND huyện quản lý.

Ông Minh cho biết thêm, về góc độ quản lý nhà nước, UBND xã đã nắm bắt được hết, người dân cũng nhiều lần phản ánh, bức xúc về hạ tầng như đường, điện, cây xanh, vỉa hè… UBND xã đều đáp ứng đầy đủ rồi, còn về nước sạch xã đã nhiều lần báo cáo UBND huyện để báo cáo TP. Hà Nội nhưng đầu tư nước sạch hiện có hai mô hình là xã hội hóa và ngân sách. Việc đầu tư cho nước sạch tại huyện Hoài Đức hầu như là nguồn xã hội hóa song bản thân nguồn này hiện có nhiều bất cập và UBND huyện cũng đã xin ý kiến TP. Hà Nội nhiều lần nhưng vẫn chưa chốt được dự án này thuộc mô hình đầu tư nào để triển khai.

UBND xã cũng đề nghị cơ quan chức năng TP Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức cần sớm xem xét cấp nước sạch cho người dân để bảo đảm an  sinh xã hội và cuộc sống.

Vậy là chính quyền loay hoay chọn mô hình để đầu tư nước sạch cho người dân, trong khi người dân “dài cổ” chờ nước sạch, họ “khát nước” ngay ở Thủ đô.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Quán Dũng