Xã hội

Hồi sinh sau “đại hồng thủy”

Phạm Tuân 28/06/2023 - 17:57

Trận quét lịch sử xảy ra vào cuối năm 2022 gần như đã san phẳng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Trong cơn hoạn nạn ấy, bà con ở khắp mọi miền với tinh thần lá lành đùm lá rách, hướng về Tà Cạ. Đến nay, hơn nửa năm sau “đại nạn” ấy, mảnh đất này đã dần được hồi sinh.

Sức tàn phá khủng khiếp

Nhìn vào con số thống kê “Có 55 căn nhà bị cuốn trôi, 141 căn khác bị hư hỏng nặng, 36 hộ dân phải di dời khẩn cấp vì sạt lở, 2 xe ô tô và hàng trăm xe máy bị vùi lấp…Thiệt hại ước tính lên đến hơn 200 tỷ đồng” mà UBND huyện Kỳ Sơn đưa ra sau trận lũ quét kinh hoàng kể trên khiến ai đọc qua cũng không khỏi bàng hoàng về sức tàn phá khủng khiếp của nó.

Anh Lô Thanh Tâm, ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Mưa như trút nước suốt cả đêm, đến rạng sáng, nước từ trên núi ồng ộc chảy xuống như thác đổ, cuốn theo mọi thứ, kể cả nhà cửa, ô tô”. Còn với nhiều người dân ở bản Hòa Sơn, thì đây là cơn lũ kinh hoàng nhất mà họ từng chứng kiến, nó trở thành nỗi ám ảnh suốt đời.

anh-1(1).jpg
Cảnh tan hoang sau lũ quét ở xã Tà Cạ cuối năm 2022.

Phải thừa nhận rằng, chính quyền các cấp ở huyện Kỳ Sơn đã rất kịp thời khắc phục hậu quả của cơn lũ dữ. Hàng nghìn lượt người từ bộ đội, thanh niên, dân quân tự vệ cùng với rất nhiều phương tiện may móc đã thẳng tiến Kỳ Sơn, giúp dân tạo dựng lại cuộc sống. Thế nhưng, cũng phải hơn 1 tháng trời, những đất đá, bùn lầy mới được tạm coi là sạch sẽ.

Lũ đã qua, nhưng hiểm nguy vẫn đang rình rập. Bà con phát hiện một vết nứt dài hàng trăm mét, chạy ngang chân núi tại bản Hòa Sơn, nguy cơ sạt lở có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Toàn bộ 225 hộ dân bản Hòa Sơn và một phần thị trấn Mường Xén đã không còn được an toàn, rất cần được di dời khẩn cấp.

anh-2(1).jpg
Tất cả hướng về Kỳ Sơn để giúp người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Anh Lô Thanh Tâm rơm rớm, nói: Nhà tôi và nhiều nhà khác đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Sau một thời gian ở nhờ nhà người thân, nhiều tháng trời phải đi thuê chỗ trọ. Nhà trôi, nếu còn lại đất thì có thể làm tạm nhà mới, nhưng đất cũng không thể ở được vì nguy cơ sạt lở cứ treo lơ lửng trên đầu.

Còn anh Xeo Văn Thắng (bộ đội) cũng là một trong những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do cơn lũ, cho hay: “Là bộ đội phụ trách bên nước bạn Lào nên trong trận lũ ở nhà chỉ có vợ tôi và hai đứa con nhỏ. May mà hôm đó người chạy kịp thoát nạn nhưng mà tài sản thì bị cuốn trôi sạch. Nhà cửa bị sập đến giờ vẫn đang còn loay hoay vay mượn tiền để làm lại căn nhà mới”.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương...”

Những ngày cuối năm 2022 và đầu 2023, khi lên với Kỳ Sơn chứng kiến từng đoàn người, xe chất đầy hàng hóa thẳng tiến Kỳ Sơn, chúng tôi không khỏi xúc động trước tình cảm của bà con  ở khắp mọi miền. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, số tiền 55 tỷ đồng đã được bà con gửi về Hòa Sơn, chưa kể cơ man nào là hàng hóa, nhu yếu phẩm. Ngoài ra, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã khẩn cấp hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để bà con khắc phục khó khăn trước mắt. Càng thấm thía lời cha ông tự ngàn xưa: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

anh-3(1).jpg
Người dân khẩn trương dựng lại nhà ở.

Cũng rơm rớm nước mắt nhưng là trong nỗi niềm xúc động, anh Lô Thanh Tâm cho biết: Dù mất nhà, phải đi ở trọ, cuộc sống rất khó khăn, nhưng tôi thấy ấm lòng, vì đồng bào ở khắp nơi đã không quên, không bỏ mặc chúng tôi trong hoạn nạn. Tôi được hỗ trợ 250 triệu đồng để xây nhà mới, giờ chưa có đất thì tôi dựng tạm căn lều để đỡ chi phí thuê nhà.

Ở bản Bình Sơn, xã Tà Cạ, gia đình ông Moong Văn Bình cũng trắng tay sau cơn lũ dữ. Toàn bộ nhà cửa, tài sản của gia đình ông đã “theo sông về với biển”, không còn một thứ gì còn sót lại. Điều may mắn, là cả nhà đã sớm di tản trước khi cơn “đại hồng thủy” ập đến nên không ai bị thương vong gì.

anh-4(1).jpg
Một căn nhà được người dân dựng lại sau cơn lũ dữ để ở tạm, chờ chuyển đến khu tái định cư.

Ngay sau cơn lũ, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã khẩn trương, dựng cho gia đình ông căn nhà tạm để sinh sống trong lúc chờ đất tái định cư. Về căn nhà mới sẽ được xây cất sau này, ông Bình cho biết, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho ông 200 triệu đồng, chỉ chờ có đất là dựng nhà.

“Sau cơn lũ, chính quyền đã kịp thời chi viện, giúp đỡ và sau đó nữa là đồng bào ta ở khắp nơi đã hỗ trợ rất nhiều nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn phần nào. Tôi muốn gửi đến mọi người lời biết ơn chân thành”, ông Bình nói lời tâm tình.

Cũng như những người dân khốn khổ khác vì lũ quét, bà Ngân Thị Tâm, ở bản Hòa Sơn rất xúc động trước tình cảm của bà con khắp nơi trong cả nước. “Gia đình tui đã được nhận một số tiền kha khá, gần đủ để dựng lại nhà mới đàng hoàng. Nhận tiền, vừa vui mừng vừa xúc động đến trào nước mắt. Cảm ơn mọi người lắm lắm. Tui hứa, sẽ xây dựng lại nhà cửa khang trang, cố gắng tăng gia sản xuất để có được cuộc sống bằng hoặc hơn trước đây”, bà Tâm cảm động nói.

anh-6.jpg
Sông Nậm Mộ đã hiền hòa trở lại.

Tái định cư – Niềm mong mỏi nhất

Ngay sau trận lũ quét, huyện Kỳ Sơn và tỉnh Nghệ An đã gấp rút tìm địa điểm mới để xây dựng khu tái định cư cho người dân vùng lũ quét. Sau một thời gian khảo sát, địa điểm được chọn là ở bản Cầu Tám (cùng xã Tà Cạ). Cuối tháng 12/2022, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành Quyết định số 864/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ”. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng 94 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30 tỷ đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh 25 tỷ đồng, doanh nghiệp 10 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, từ đó đến nay, khu tái định cư khẩn cấp này vẫn chưa được triển khai trên thực địa vì vướng thủ tục, trong đó có việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ.

anh-5.jpg
Tuy cơn lũ đã đi qua hơn nửa năm nhưng đến nay khu tái định cư mới vẫn chưa được xây dựng do vướng mắc mặt bằng. Vì thế việc đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục để xây dựng khu tái định cư là việc làm cần được ưu tiên nhất hiện nay.

Khi được hỏi bao giờ có thể triển khai dự án, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Sau kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An sắp tới những nội dung nào được phép triển khai trước thì huyện sẽ bắt đầu triển khai thực hiện, những nội dung nào còn tiếp tục thực hiện đầy đủ các bước về thủ tục pháp lý thì sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện. Nếu phải đi ra ngoài trung ương để chuyển đổi rừng thì cũng chưa ấn định được thời gian”.

Ông Vi Văn Truyền - Trưởng bản Hòa Sơn cho biết, sau lũ quét người dân bản mong muốn nhất là được có chỗ ở ổn định, an toàn, nhưng đến nay vẫn đang phải chờ. Vì phải chờ quá lâu nên một số hộ dân đã phải “tự thân vận động” để lo chỗ ở cho mình. Cụ thể, đến nay có 8 hộ dân đã làm nhà kiên cố, 16 hộ làm nhà tạm ở vị trí khác chỗ cũ; 16 hộ làm nhà tạm ở vị trí cũ. Ngoài ra, còn 9 hộ đang phải ở nhờ nhà người thân trong bản, 5 hộ đang phải ở nhà tập thể ngoài địa bàn.

“Đến nay, mỗi khi mưa chúng tôi lại lo lắng không ngủ được. Mong muốn của dân bản là sớm được đến nơi ở mới, được cải tạo lại các vùng ruộng bị đất đá vùi lấp để có kế sinh nhai, được sửa lại nhà văn hóa để có nơi sinh hoạt” - Ông Truyền mong mỏi.

Phạm Tuân