Môi trường

Định mức chi phí Fs: Không phải là bắt buộc

Phạm Oanh 28/06/2023 17:13

(TN&MT) - Đây là khẳng định của ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại Hội thảo Góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Fs) do Vụ Pháp chế phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 28/6.

anh-hung-28-6.jpg
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo.

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, bắt đầu từ năm 2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Khi lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, số tiền doanh nghiệp phải đóng được tính theo công thức F = R.V.Fs. Trong đó: F là tổng số phải đóng; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì; V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì.

Đến nay, Bộ TN&MT đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo quyết định. Dù đã có quá trình tham vấn khá rộng rãi và kỹ lưỡng nhưng khi dự thảo được công bố vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

28-6.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Trước những ý kiến này, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT khẳng định: Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp được lựa chọn hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế. Chỉ khi doanh nghiệp lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế thì mới phải thực hiện Fs. Như vậy, Fs không phải là bắt buộc, mà khuyến khích các doanh nghiệp tự tổ chức tái chế, không cần đóng Fs để tối ưu chi phí và hiệu quả tái chế.

Hơn nữa, để đảm bảo công bằng và hài hòa lợi ích giữa các bên, cơ quan soạn thảo đã phối hợp và tham vấn nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước. Dựa vào kết quả khảo sát và tính toán thực tế, Bộ TN&MT đã đưa ra dự thảo chi phí Fs đảm bảo tính đúng, đủ, và phù hợp đối với từng loại sản phẩm, bao bì. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để điều chỉnh hệ số Fs hợp lý với điều kiện hiện tại ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI khẳng định, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là điểm rất tiến bộ trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. VCCI và các doanh nghiệp hoàn toàn đồng tình với yêu cầu phải bảo vệ môi trường, giảm phát thải, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp đều nhận thức được trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ chung này và luôn sẵn sàng đóng góp vào việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải từ sản phẩm. Tuy nhiên, nếu định mức Fs không phù hợp thì EPR khó có thể được triển khai. Chính vì vậy, Bộ TN&MT nên mở rộng tham vấn nhiều bên khi xây dựng định mức này.

Cũng tại Hội thảo, đại diện các hiệp hội, nhà sản xuất, nhập khẩu và đơn vị tái chế đã đưa ra và thảo luận nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến hệ số tính Fs, thời hạn đóng tiền, mức xử phạt vi phạm khi quy định được thực thi… Tất cả những ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp đã được ban soạn thảo ghi nhận để tiếp tục hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế Fs.

Phạm Oanh