Thị trấn Phong Thổ hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
(TN&MT) - Những năm qua, để thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cấp ủy, chính quyền thị trấn Phong Thổ - Lai Châu đã phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Luật Lâm nghiệp, chính sách chi trả DVMTR nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, các chủ rừng, cộng đồng dân cư.
Thời gian qua, việc áp dụng chính sách DVMTR đã góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua hình thức giao đất, giao rừng và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, thị trấn. Cùng với đó thực hiện chi trả DVMTR đảm bảo tiến độ, công khai minh bạch giúp người dân nâng cao thu nhập
Năm 2022, trên địa bàn thị trấn Phong Thổ có 1.452,05ha được chi trả DVMTR với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng cho 7 thôn, bản, tổ dân phố với 765 hộ dân được hưởng lợi từ DVMTR. Hàng năm, thị trấn Phong Thổ phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ, Phòng nông nghiệp thực hiện công tác rà soát, xác định diện tích rừng có cung ứng DVMTR và chi trả tiền DVMTR đảm bảo tiến độ, công khai, minh bạch, đúng người, đúng diện tích, đồng thời phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, việc nhận khoán trồng, bảo vệ rừng của thị trấn.
Nhờ chính sách chi trả DVMTR đến nay thôn Vàng Bó, thị trấn Phong Thổ đã có những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, nhà văn hóa được đầu tư nâng cấp có hệ thống bán mái giúp cho việc sinh hoạt của người dân trong thôn được thuận tiện. Ông Lý Văn Bế - Bí thư chi bộ, trưởng thôn Vàng Bó cho biết: Năm 2022, thôn Vàng Bó được chi trả 179,28ha rừng với số tiền hơn 155 triệu đồng; với tổng số 97 hộ được hưởng tiền chi trả DVMTR góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Nhờ có thu nhập ổn định từ DVMTR, người dân nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, từ số tiền chi trả DVMTR, người dân cũng có thêm nguồn thu để mua sắm đồ dùng sinh hoạt, trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhiều thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn đã có tiền xây dựng các công trình phúc lợi để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, góp phần xây dựng nhà văn hóa, mua sắm các thiết chế văn hóa, xây dựng các công trình phúc lợi.....
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR ở thị trấn Phong Thổ đã đi vào cuộc sống, từ chính sách thấy rõ mối liên kết kinh tế mang tính bền vững giữa bên sử dụng và bên cung ứng DVMTR. Đồng thời rừng trong vùng được hưởng chính sách chi trả DVMTR được bảo vệ tốt hơn, đời sống người lao động từ nghề rừng được cải thiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị. Đây chính là động lực để người dân trên địa bàn thị trấn Phong Thổ nâng cao trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng