Hành trình hơn một thập kỷ xóa bản "trắng" đảng viên ở Mường Lát - Bài 1: Kết luận 50 “kim chỉ nam” trong xây dựng Đảng
Với mục tiêu xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở khu vực miền núi, không còn tình trạng thôn bản không có đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép, Kết luận số 50 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hóa về phát triển đảng viên và chi bộ, thôn, bản vùng sâu, vùng xa ra đời. Triển khai thực hiện Kết luận 50 đã góp phần từng bước xóa bản “trắng” đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép, làm tiền đề để người dân nhận thức đúng đắn đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, giúp thoát khỏi những hủ tục lạc hậu, tránh bị kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền chống phá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội…
Mường Lát trước năm 2010 là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, tình trạng thiếu đói diễn ra thường xuyên, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. Nhiều bản “trắng” đảng viên, đặc biệt là 26 bản người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về. Năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận 50 - được xem là “kim chỉ nam” trong xây dựng Đảng, từ đó đưa được các chính sách đến với đồng bào, mở sang một trang mới cho các bản người Mông ở Mường Lát.
“Bài toán” khó cần “lời giải”
Mường Lát là huyện vùng cao biên giới có địa hình chia cắt, phức tạp, có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng khó khăn, trình độ canh tác lạc hậu, thiếu đất sản xuất; đồng bào dân tộc Mông chiếm 43,32 %, phong tục tập quán quen với cuộc sống riêng lẻ, rải rác trên các triền núi, ven suối sâu nên rất khó phát triển kinh tế. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ thường xuyên bị sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Những năm trước đây, tình trạng du canh, du cư, buôn bán ma túy qua biên giới, an ninh trật tự còn nhiều tiềm ẩn những yếu tố phức tạp gây bất ổn về an ninh trật tự, nhất là các hoạt động lén lút của một số kẻ xấu, chúng kích động, lôi kéo đồng bào các dân tộc ít người, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Do vậy, có nhiều ảnh hưởng tác động trực tiếp đến công tác xây dựng đảng của Đảng bộ huyện.
Nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. Theo tập tục ma chay của người Mông, người chết được tắm rửa đưa vào cáng đan bằng tre rồi treo lên vách của ngôi nhà sàn từ 5 tới 7 ngày mới đưa đi chôn cất. Khi đó thi thể người chết đã bắt đầu biến dạng, phân hủy rất mất vệ sinh. Trong đám tang của người Mông, mỗi người con đã có gia đình phải giết một con trâu hoặc bò để cúng cha hoặc mẹ mình đã mất. Vì nghi lễ ma chay kéo dài từ 5 đến 7 ngày nên gia đình phải tốn rất nhiều tiền mua trâu, bò, lợn, gà để làm đồ cúng tế. Có những gia đình phải giết hết gia súc, gia cầm trong nhà hoặc đi vay mượn cả trăm triệu đồng để lo thủ tục ma chay. Vì vậy, việc đưa người chết vào quan tài ở các bản Mông được xem là “cuộc chiến” của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó do trình độ dân trí còn thấp, thường xuyên bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ, “bão ma túy” tràn qua để lại bao hệ lụy, nhiều bản người Mông được xem là thủ phủ của ma túy, nghiện ngập. Không những vậy, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống luôn cao, càng khiến các bản người Mông chồng chất khó khăn.
Người dân tộc Mông với tập tục từ bao đời nay là du canh, du cư đốt rừng làm nương rẫy. Cứ nơi nào có người dân tộc Mông đi qua là những cánh rừng bị tàn phá, chỉ sau một vài vụ khi đất đã bạc màu họ lại di cư tới nơi khác. Chính vì vậy năng suất trong trồng trọt chăn nuôi rất thấp khiến tình trạng thiếu lương thực diễn ra thường xuyên. Cũng chính từ việc du canh, du cư nên trẻ em không được tới trường, cứ sinh ra là nằm trên lưng mẹ lên nương, lên rẫy.
Từ thực tế trên, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Lát xác định, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông, không có việc làm nào khác là phải tập trung quy hoạch tổng thể và chi tiết từng lĩnh vực, trong đó ưu tiên hàng đầu là ổn định được chỗ ở, ổn định được đất canh tác, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân. Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng từ cơ sở, phát triển chất lượng đảng viên để từ đó đưa được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy vậy, khi triển khai công tác lãnh đạo còn gặp không ít khó khăn, lúng túng.
“Kim chỉ nam” trong xây dựng Đảng ở Mường Lát
Để gỡ “bài toán” khó ở Mường Lát, năm 2010, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận 50 về phát triển đảng viên và chi bộ, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, kèm theo đó là những cơ chế, chính sách. Đồng thời, đề xuất tăng cường thêm bộ đội biên phòng về xã, về bản giúp chính quyền phát triển đảng viên. Theo Kết luận, 26 bản người Mông (sau sáp nhập là 24 bản) gồm xã Trung Lý 12 bản, Mường Lý có 10 bản và xã Tam Chung có 4 bản. Đồng bào dân tộc Mông ở đây đều di cư từ các tỉnh phía Bắc; khi đó mới có 10 chi bộ với 34 đảng viên, còn lại 16 thôn bản là đảng viên sinh hoạt ghép.
Thực hiện Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên thường xuyên xuống dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, bản; tổ chức cho đảng viên và quần chúng ưu tú đi tham quan học tập tại các chi bộ khác tại địa phương về phương pháp xây dựng chi bộ và quản lý đảng viên; thường xuyên rà soát, đánh giá, tạo nguồn kết nạp đảng cho các chi bộ theo Kết luận 50. Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên tại các bản thuộc Kết luận 50 luôn được quan tâm. Ban Chỉ đạo Kết luận 50-KL/TU huyện Mường Lát đã phân công các thành viên phối hợp với các xã thuộc Kết luận 50 xuống chỉ đạo tại 24 chi bộ của 3 xã Tam Chung, Mường Lý và Trung Lý; chủ động tăng cường với các Đồn biên phòng, Công an, Quân sự đưa cán bộ, đảng viên phối hợp với đội ngũ giáo viên là đảng viên ở các bản về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ bản. Từ đó, các thành viên Ban Chỉ đạo được phân công đã phối hợp với các xã thuộc vùng Kết luận 50 đến từng chi bộ, gặp gỡ một số đảng viên quá thời hạn chuyển Đảng chính thức tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy tìm hướng giải quyết. Cùng với đó, Đảng ủy các xã thuộc vùng Kết luận 50 đã chủ động phân công đảng viên theo dõi, giáo dục, bồi dưỡng nhận thức cho quần chúng là đối tượng kết nạp vào Đảng; tổ chức thẩm tra lý lịch người xin vào Đảng, nhất là số quần chúng có quê quán ở tỉnh ngoài.
Và những kết quả ngoài mong đợi…
Kết luận 50 được ban hành là điều kiện rất thuận lợi cho cấp ủy từ huyện đến xã về thực hiện tạo nguồn phát triển đảng viên và củng cố tổ chức đảng. Nhưng, do Mường Lát là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư chưa ổn định do có một số người mới di cư đến sinh sống, trong khi tại thời điểm đó, giao thông không thuận lợi, điện thắp sáng chưa có, vì vậy, người dân còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề cho con em đi học và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, việc tạo nguồn phát triển đảng viên cũng gặp rất nhiều khó khăn do công tác thẩm tra phải đi rất xa ở các tỉnh phía Bắc; quần chúng nguồn vào Đảng chưa nhận thức thấu đáo mục tiêu, lý tưởng; nhận thức hạn chế, trình độ học vấn thấp, cơ bản mới học hết lớp 8, 9.
Huyện ủy Mường Lát xác định việc tăng cường công tác phát triển đảng viên ở những thôn, bản còn khó khăn, ít hoặc chưa có đảng viên là vấn đề cấp thiết và quan trọng, góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi thôn, bản. Đảng bộ huyện Mường Lát đã chú trọng nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, đảng viên về tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, xóa bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ đảng, nhằm bảo đảm tất cả các khu dân cư đều có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ đảng, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Theo đó, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở đã hướng dẫn chi bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, khảo sát lập danh sách đoàn viên, thanh niên, hội viên, lực lượng công an viên, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ, dân quân tự vệ, những quần chúng đang sinh sống, gắn bó lâu dài ở địa phương… Qua đó, rà soát, phân loại đối tượng để có định hướng lựa chọn bồi dưỡng giáo dục, kết nạp Đảng. Tổ chức phát động các phong trào thi đua ở cơ sở (phong trào bảo vệ an ninh trật tự, lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo…). Từ đó thu hút quần chúng nhân dân tích cực tham gia nhằm phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú. Bên cạnh đó, phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng bằng những việc làm cụ thể, giao nhiệm vụ cho các đoàn thể để giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng.
Đồng chí Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, Trưởng ban Chỉ đạo Kết luận 50-KL/TU huyện Mường Lát, cho biết: “Thực hiện Kết luận 50 của Thường vụ Tỉnh ủy, đến tháng 8/2014 cơ bản đã xóa được bản trắng đảng viên tại 26 thôn bản trên địa bàn huyện Mường Lát. Xóa bản “trắng” đảng viên là một nỗ lực lớn của Đảng bộ huyện. Hiệu quả đạt được trong việc xóa bản “trắng” đảng viên, sinh hoạt chi bộ ghép phát triển đảng viên ở những vùng khó khăn đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng ở cơ sở. Diện mạo của những thôn, bản có có đảng viên, có tổ chức đảng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới của Mường Lát đổi thay rõ rệt trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, đời sống người dân nâng cao về mọi mặt, từng chi bộ đảng đã thực hiện tốt nhiệm vụ ở địa phương”.
Từ 2014 đến nay, trên cơ sở đã đạt được, Mường Lát tập trung nâng cao số lượng và chất lượng đảng viên, đến nay đã có 325 đảng viên. Những kết quả như trên quả nằm ngoài mong đợi từ những ngày đầu thực hiện Kết luận 50 ở Mường Lát. Chính vì thế, nói Kết luận 50 là “kim chỉ nam” trong xây dựng Đảng ở Mường Lát là hoàn toàn chính xác.
Bài 2: “Hạt giống đỏ” nơi “phên dậu” Tổ quốc