Đắk Nông: Ứng dụng công nghệ, phát huy giá trị đất nông nghiệp
(TN&MT) - Đắk Nông là tỉnh nằm ở khu vực cửa ngõ phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, có vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ôn hòa nên rất thuận lợi để trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ chất lượng cao, nâng giá trị đất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT.
PV: Đắk Nông với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng đã giúp người dân địa phương có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, để ngành Nông nghiệp có hướng đi hiệu quả, khai thác tốt được tiềm năng hiện có, tỉnh có những định hướng nào để giúp người dân phát triển kinh tế, thưa ông ?
Ông Lê Quang Dần:
Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 270ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bước đầu, địa phương cũng đã định hướng hình thành được 5 vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao về cây lúa, hồ tiêu, cà phê và hơn 69.500ha ứng dụng một phần công nghệ cao. Với thế mạnh sẵn có cùng với chiến lược phát triển phù hợp, hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương đã và đang có những đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Tuy vậy, từ nhiều năm trước đây, việc sản xuất nông nghiệp thuần tuý nên giá trị kinh tế mang lại cho địa phương không cao. Do đó, trong những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh Đắk Nông cùng ngành nông nghiệp cũng như sự phát triển của khoa công nghệ nên người dân địa phương đã và đang áp dụng ngày một nhiều khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, các giống cây, con mới được đưa vào trồng thử nghiệm áp dụng nghiêm ngặt các quy định về chăm sóc, khoa học - kỹ thuật nên năng suất tăng cao, sản lượng, chất lượng sản phẩm được cải thiện tích cực.
Việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn được áp dụng rộng rãi; các đề tài nghiên cứu được thực hiện bài bản, khoa học và đi vào chiều sâu, như: vấn đề ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống cây trồng ngày càng phổ biến, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến sâu sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản của địa phương, thực hiện công nghệ truy suất nguồn gốc và phát triển thương hiệu sản phẩm.
PV: Nhờ sự thay đổi về quy trình canh tác cũng như đưa công nghệ vào sản xuất đã giúp ngành nông nghiệp có những khởi sắc nhất định. Từ đó, thu nhập của người dân ngày một ổn định. Ông có thể chia sẻ cụ thể về những kết quả này?
Ông Lê Quang Dần:
Hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông được đầu tư thực hiện với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cây cà phê, hồ tiêu được xác định là loại cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Toàn tỉnh hiện có khoảng 131.000ha trồng cây cà phê, đứng thứ 3 cả nước (sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng). Cùng với diện tích trồng cây cà phê lớn, tỉnh đã quy hoạch riêng vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An (huyện Đắk Mil), với diện tích 335ha; vùng sản xuất lúa tại xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô), với diện tích gần 1.000ha được tỉnh công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, mỗi xã đạt bình quân 15 tiêu chí trở lên. Diện mạo và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã thay đổi rõ rệt, đời sống và thu nhập người dân từng bước được cải thiện. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 40% tỷ trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, sản lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông hiện nay, như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, lúa, ngô, xoài, bơ, sầu riêng… từng bước khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Những kết quả đạt được lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông có tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng được nền tảng phát triển quan trọng, tạo đà cho những năm tiếp theo. Đạt được những kết quả này là bởi nhận thức của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp về vai trò, đóng góp của khoa học - công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng cao.
PV: Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời giúp người dân phát triển sản xuất nông nghiệp ngày một ổn định, nâng cao đời sống. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ có những kế hoạch, chiến lược như thế nào?
Ông Lê Quang Dần:
Để tiếp tục gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm phát triển bền vững, tỉnh Đắk Nông đang khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, vật liệu mới vào sản xuất; xây dựng các mô hình liên kết hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp; chú trọng kỹ thuật chọn, tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi; phát triển cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất cây giống.
Tỉnh Đắk Nông cũng đặc biệt chú trọng công nghệ ghép giống, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và áp dụng các biện pháp chế biến sản phẩm chất lượng cao; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong sản xuất và thị trường nông sản của tỉnh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cung cấp kịp thời, tăng khả năng tiếp cận thông tin, hệ thống hóa các thông tin của ngành Nông nghiệp…
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được xác định là hướng đi quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm không ngừng hiện đại hóa và phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong tương lai. Hiện toàn tỉnh có trên 140 tổ chức/cá nhân (cơ sở) được chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tương đương với tổng diện tích trên 21.000 ha. Trong số này, có hơn 1.300 ha được chứng nhận VietGAP, khoảng 400 ha được chứng nhận GlobalGAP và hữu cơ; có hơn 19.700 ha được chứng nhận các tiêu chuẩn khác như 4C, UTZ, Rainforest Alliance… Tỉnh Đắk Nông đã có 41 sản phẩm OCOP được chứng nhận OCOP hạng từ 3-4 sao.
Để góp phần nâng cao nâng cao giá trị đất nông nghiệp, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghê cao là 1 trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế. Trong đó, ngành Nông nghiệp tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, thúc đẩy sản xuất theo hướng tập trung, chất lượng và ứng dụngcông nghê cao; đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển, hình thành 4-6 vùng (lũy kế 10 vùng) nông nghiệp ứng dụng công nghê cao đối với ngành hàng chủ lực; tiếp tục xây dựng bộ nhận diện cho các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghê cao; tập trung thu hút, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai hiệu quả dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm từng bước tận dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!