Xã hội

“Mồ hôi” trên những vách đá

Thu Thủy 27/06/2023 - 16:38

Nắng nóng, bụi bặm, vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm, đó là những gì mà người ta thường miêu tả về nghề “phu đá”. Tuy nhiên, từ khi Luật Khoáng sản đi vào thực tiễn đã giúp nhiều công nhân khai thác đá phần nào giảm bớt đi sự vất vả, có nguồn thu nhập ổn định, đời sống kinh tế tốt hơn, đặc biệt là giảm thiểu đáng kể tình trạng tai nạn lao động.

Leo núi, đục đá, “ăn” … bụi

Giữa mùa hè tháng 6 tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) ánh nắng chói chang bao trùm lên vùng đất có nguồn trữ lượng và chất lượng đá hàng đầu của xứ Thanh. Dường như tại các mỏ khai thác đá, nắng nóng lại càng trở nên dữ dội và khắc nghiệt. Cái nóng hầm hập xấp xỉ 40 độ C cùng với những âm thanh đặc trưng chát chúa của máy khoan vào vách núi, tiếng đập đá, tiếng “gầm rền rĩ” của máy xúc, máy xay nghiền khiến chúng tôi ai nấy đều ngao ngán, nhăn nhó mặt mày.

1.jpg
Các công nhân khai thác đá được đảm bảo về quyền lợi lao động

Ấy thế mà phía sau cái nóng và sự ồn ào đó là từng nhóm công nhân vẫn lặng lẽ làm công việc của mình. Anh Phạm Văn Dương, một quản lý mỏ dày dặn kinh nghiệm dẫn chúng tôi thực tế và chứng kiến những khó khăn của các công nhân tại mỏ đá xã Hà Tân.

Anh Phạm Văn Dương sinh ra và gắn bó với mảnh đất Hà Tân từ thuở nhỏ, anh vốn xuất thân là một công nhân khoan nổ mìn, dấn thân vào nghề “phu đá” từ những năm đôi mươi của tuổi trẻ, “bán” thanh xuân của mình vào những ngọn núi, đổ mồ hôi trên từng mét khối đá. Hơn 20 năm gắn bó với nghề anh đã quá hiểu những nỗi vất vả của những công nhân, chứng kiến không ít tai nạn rủi ro, đã có những trường hợp tử vong, nguy hiểm tính mạng, để lại di chứng tàn tật, nhưng cũng có người nhờ nghề này mà ổn định được kinh tế gia đình, thoát khỏi cảnh nghèo khó, bấp bênh.

“Trong số các nhóm thợ vận tải, máy xúc, trạm nghiền... thì các thợ khoan nổ mìn vất vả và chịu nhiều nguy hiểm nhất. Cũng vì thế việc khoan đá thường được trả lương cao để thu hút người lao động, nhưng không phải ai cũng trụ được với nghề này đâu bởi sự khắc nghiệt, thậm chí quá nguy hiểm. Tùy từng Công ty, nhưng trung bình mức lương của thợ khoan khoảng từ 600.000-1.000.000 đồng/ngày công, trong khi lương của thợ khác chỉ 300.000-400.000 đồng”: anh Dương nói.

2.jpg
Công nhân khai thác, chế biến đá đối mặt với nhiều vất vả, nguy hiểm

Vừa nói anh vừa đưa đôi cánh tay đen xạm, cháy nắng cho chúng tôi xem, bàn tay thô ráp, chằng chịt các sẹo cũ là minh chứng thực tế cho những vất vả và sự khắc nghiệt của cái nghề leo trèo vách núi, đục đá, “ăn” bụi. Anh Dương kể lại: Những năm đầu 2000, nhà nước chưa có quản lý chặt về khoáng sản, việc khai thác đá tại Hà Tân nói chung là tự phát, mạnh ai nấy làm. Nhà ai có máy, có đồ nghề, có công nhân là ra núi leo vách đục đẽo, được khối đá nào thì chở khối đấy về chế biến. Máy móc công suất nhỏ nên lời lãi chẳng được là bao, công nhân toàn những người không chuyên, đồ bảo hộ chỉ vỏn vẹn chiếc mũ cối, cởi trần, chân đất, nguy hiểm vô cùng. Thế nên chuyện tai nạn lao động ở thời điểm đó liên tục xảy ra, nhiều người là lao động chính, trụ cột gia đình bị di chứng tàn tật, mất khả năng lao động, vì thế nghèo khó lại càng thêm vất vả.

Luật Khoáng sản – chìa khóa thoát nghèo cho người lao động

Hà Tân là xã có nguồn tài nguyên đá vôi, tập trung ở khu vực núi Quan Tương và đồi Đá Chăn thuộc địa phận 2 thôn Quan Tương và Nam Thôn, với diện tích 79,5 ha. Tại khu vực này hiện có 15 mỏ, trong đó có 9 mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và 6 mỏ đá spilit (đá bazan) đá khối sản xuất đá ốp lát, với 13 doanh nghiệp được cấp phép khai thác.

4.jpg
Xã Hà Tân huyện Hà Trung (Thanh Hóa) là địa phương có nhiều mỏ khai thác đá

Ông Trương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Hà Tân, cho biết: Từ khi Luật Khoáng sản được áp dụng và đi thực tiễn, tình trạng khai thác đá tự phát tại xã Hà Tân đã không còn. Các doanh nghiệp khai thác đá trước khi được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép đã được Sở, ban, ngành, địa phương thẩm định năng lực, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản. Việc bám sát Luật Khoáng sản giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, chế biến, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, tránh tình trạng mất an ninh trật tự, đồng thời người công nhân có nguồn thu nhập ổn định hơn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống an sinh xã hội tại địa phương từ đó cũng được nâng cao.

Thực tế, Luật Khoáng sản 2010 ra đời và có hiệu lực từ tháng 7/2011 đã thể hiện rõ những quan điểm mới mang tính “đột phá" làm thay đổi căn bản công tác bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia tại xã Hà Tân nói riêng. Công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương đã đạt được những kết quả rõ rệt, khắc phục tình trạng cấp phép manh mún, tràn lan ở địa phương; hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản; tăng nguồn kinh phí đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, sử dụng dữ liệu, thông tin tư liệu địa chất khoáng sản.

3.jpg
Luật Khoáng sản được áp dụng góp phần giúp kinh tế người lao động được nâng lên

Từ đó, nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính, công nghệ, tâm huyết có đầu tư bài bản đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản tại xã Hà Tân, đem lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là góp phần nâng cao chất lượng đời sống kinh tế cho nhân dân địa phương.

Anh Phạm Văn Dương, Quản lý mỏ khai thác đá cho biết: Kể từ khi Luật Khoáng sản được nhà nước áp dụng, người lao động tại các mỏ đả đã có thể yên tâm làm việc. Việc nổ mìn khai thác được nhà nước quản lý chặt chẽ, đa phần các mỏ đá đã thay thế việc nổ mìn bằng công nghệ cắt dây hiện đại, khai thác theo thiết kế, quy định, làm đường lên núi, giảm đáng kể khả năng xảy ra tai nạn lao động. Bên cạnh đó, các công nhân được học nội quy về An toàn lao động, được trang bị đồ bảo hộ lao động tiêu chuẩn, được hưởng quyền lợi về lương thưởng, lương tăng ca, ngày nghỉ, chế độ nghỉ ốm, bồi dưỡng, được đóng BHXH, tham gia BHYT. Các công nhân đều là lao động địa phương, được đảm bảo mức lương cứng dao động trung bình 7-8 triệu/ tháng.

Có thể thấy, việc áp dụng Luật Khoáng sản vào thực tế không chỉ giúp công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đạt được những kết quả rõ rệt, khắc phục tình trạng cấp phép manh mún, tràn lan ở địa phương, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, mà còn giúp tăng thu ngân sách nhà nước, tăng thêm thu nhập, giảm đáng kể tình trạng tai nạn lao động do khai thác đá, đảm bảo ổn định kinh tế đời sống cho hàng ngàn lao động địa phương.

Thu Thủy