Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng: Kon Tum trồng hàng trăm nghìn cây xanh
(TN&MT) - Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh Kon Tum phân bổ cho Sở NN&PTNT để mua cây xanh cấp cho các đơn vị, địa phương trồng cây phân tán, nhằm thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng 2023 và Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chuyển cho Sở NN&PTNT tổng kinh phí 600 triệu đồng, được trích từ nguồn thu của các cơ sở nước sạch và sản xuất công nghiệp, tiền lãi gửi ngân hàng tương ứng trong năm 2023 và chi phí quản lý của Quỹ để mua cây giống cấp cho các huyện, thành phố trồng cây phân tán.
Trước mắt, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum đã mua 12.555 cây xanh như: cây thông 3 lá, mai anh đào để cấp cho các đơn vị, địa phương trồng cây phân tán trên địa bàn. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục mua hàng trăm nghìn cây thông 3 lá để cấp cho các đơn vị, địa phương trồng cây phân tán trên địa bàn.
Đây là hoạt động thường niên được tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều năm nay để thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ; Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó, năm 2023 phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao trồng mới 4.000ha rừng và 600 nghìn cây phân tán.
Toàn bộ số cây trồng được phân phối về các đơn vị, địa phương và triển khai thực hiện trồng từ tháng 6 đến hết tháng 7/2023 trên địa bàn tỉnh. Ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: Bảo vệ và phát triển rừng là một trong những hoạt động gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu. Đây là việc làm thường xuyên và lâu dài nhằm bảo vệ môi trường sống.
Do vậy, rất cần sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, các đoàn thể và toàn thể người dân trong tỉnh tích cực tham gia công tác trồng cây, trồng rừng gắn liền với công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật; bảo vệ tốt vốn rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum được phát động qua “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023. Trong dịp này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cũng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện chương trình tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR và quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Đồng thời, phát đi nhiều khẩu hiệu, thông điệp về chính sách chi trả DVMTR, giá trị của rừng để lan tỏa ý nghĩa của chính sách này đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho người dân, tạo thói quen để cộng đồng tự giác tham gia các hoạt động trồng cây gây rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, diện tích rừng cung ứng DVMTR được chi trả tiền DVMTR không chỉ có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, mà còn mang lại nguồn lợi, giúp hàng nghìn người dân địa phương phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao bộ mặt nông thôn. Việc quản lý, bảo vệ rừng đi đôi với trồng thêm rừng bằng nguồn tiền DVMTR cũng đã góp phần tích cực làm tăng đáng kể diện tích rừng, phủ xanh đất trống trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong những năm gần đây.
“Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đã phát huy rất tốt vai trò giúp ổn định diện tích rừng cũ và phát triển thêm diện tích rừng mới, tạo ra một cơ chế tài chính mới, bền vững, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc đầu tư cho bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng”, ông Hồ Thanh Hoàng cho hay.